Điểm báo ngày 05/7/2022

(CDC Hà Nam)

Thủ tướng: Dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cần giải pháp phù hợp; Cần chủ động hơn trong phòng chống sốt xuất huyết; Cần biết: Sự khác nhau giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3; Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nhập viện…

Thủ tướng: Dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cần giải pháp phù hợp

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng năm 2022 còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết như dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp.

Sáng 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.

Cụ thể, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm.

Lạm phát tăng ở mức cao tại hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. An ninh lương thực, an ninh năng lượng đang là vấn đề lớn.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sau một thời gian tạm lắng kể cả tại những nước có hệ thống y tế tiên tiến.

Trong nước, theo Thủ tướng, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết những vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giám sát, ủng hộ của Quốc hội, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt đạt kết quả ấn tượng.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế – xã hội còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết, như dịch bệnh COVID-19 còn có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp, việc giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa.

Nhấn mạnh cần tiếp tục xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được trong 6 tháng đầu năm.

Đồng thời nhận định khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay.

Đặc biệt, các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những trọng tâm thời gian tới.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch… (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Cần chủ động hơn trong phòng chống sốt xuất huyết

Tiếp tục chuyến công tác ở khu vực miền Trung, ngày 1/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa.

Vừa phòng chống sốt xuất huyết vừa đảm bảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ

Vấn đề nòng cốt trong buổi làm việc là tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo của nhiều Cục/Vụ/Viện của Bộ Y tế như: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang…

Trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nắm bắt sâu sát công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng sốt xuất huyết ở tuyến cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã động viên người dân tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, không nên chủ quan với dịch bệnh.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý với chính quyền và hệ thống y tế cơ sở cần phải có các hình thức truyền thông linh hoạt, phù hợp để người dân hiểu rõ tác dụng của vaccine phòng COVID-19.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Đình Thoan, Phó GĐ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn đang được đầy mạnh tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Đến 23 giờ ngày 30/6, đối với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 31.727 em (đạt 22,5%); tiêm mũi 2 cho 11.834 em (đạt 8,13%). Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, đã tiêm mũi 1 cho 121.165 em (đạt 106,42%); đã tiêm mũi 2 cho 117.062 em (đạt 102,81%); đã tiêm mũi 3 cho 20.730 em (đạt 18,2%).

Đối với mũi bổ sung đã tiêm cho 383.688 người (đạt 40,26%). Đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho 459.713 người (đạt 48,24%). Đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho 92.199 người (đạt 9,68%).

Lý giải về những khó khăn trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng: Toàn tỉnh Khánh Hòa có 139.993 trẻ độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Mặc dù tỉnh Khánh Hòa đã tích cực tuyên truyền về lợi ích tiêm chủng, tính hiệu quả, an toàn… tuy nhiên chỉ có 85.019 (60,7%) trẻ em được phụ huynh đồng ý tham gia tiêm chủng. Trong số này vẫn còn nhiều phụ huynh do dự không muốn cho trẻ đi tiêm.

Bên cạnh tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Khánh Hòa đã được kiểm soát tốt dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân và không tích cực tham gia tiêm chủng. Những thông tin không chính thống trên mạng xã hội về tác dụng phụ của vaccine phòng COVID-19 gây khó khăn trong công tác vận động người dân đi tiêm mũi 3, mũi 4.

Tình hình dịch COVID-19 ổn định, nhiều địa phương của Khánh Hòa có sự di biến động dân cư, người dân đi học tập, làm việc tại các tỉnh khác… không có mặt ở địa phương để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Giải pháp được tỉnh Khánh Hòa đưa ra trong thời gian tới là tập trung cao cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục tiêm mũi nhắc lại (tiêm mũi 3, mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên. Phối hợp với đài truyền thanh các địa phương thông báo thời gian tiêm, điểm tiêm theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, trách nhiệm đối với cộng đồng”. Tiếp tục phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục, chính quyền các địa phương tuyên truyền cho người dân đi tiêm.

Cần chủ động hơn trong phòng, chống sốt xuất huyết

Là địa bàn tăng mạnh các ca mắc sốt xuất huyết trong những tuần gần đây nên Khánh Hòa đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó dịch.

Ông Nguyễn Đình Thoan, Phó GĐ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, đến hết ngày 29/6 toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 811 ca mắc. Không có ca tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ cuối tháng 4/2022.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa từ đầu năm đến tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 194 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có 11 bệnh nhân nặng. Tính đến ngày 19/6, bệnh viện vẫn đang còn thu dung, điều trị cho 13 ca, trong đó có 3 ca nặng. Hiện tại không có ca bệnh tử vong trên địa bàn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa trong 6 tháng đầu năm cũng tiếp nhận 68 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, điều trị. Trong đó có 7 ca nặng, chưa ghi nhận ca tử vong nào tại bệnh viện.

Để ứng phó với sốt xuất huyết thì hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, dịch truyền tại các cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện khám, điều trị theo đúng quy định về phân tuyến điều trị của Sở Y tế và theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã giám sát hoạt động, xử lý dịch tại 8/8 huyện/thị xã/thành phố, hỗ trợ phun hóa chất cho các địa phương có ca mắc cao, diễn biến phức tạp…

Trong những tháng tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục lập danh sách cụ thể các thôn/tổ dân phố có nguy cơ, cần diệt loăng quăng, bọ gậy định kỳ 1 tuần/lần, 2 tuần/lần…tại các hộ gia đình. Lên kế hoạch huy động học sinh khối trung học cơ sở tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy.

Để giúp địa phương làm tốt hơn công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lẫn phòng, chống sốt xuất huyết, lãnh đạo Vụ Truyền thông-Thi đua-Khen thưởng (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra nhiều gợi mở. Trong đó nhấn mạnh, Sở Thông tin và truyền thông địa phương cần tích cực, mạnh mẽ phối hợp với ngành y tế để truyền thông cho hiệu quả với từng nhóm người/khu vực cụ thể… Phía trung ương, Bộ Y tế cũng đã có đầy đủ các thông điệp, các hình thức truyền thông hiệu quả, địa phương có thể linh hoạt áp dụng phù hợp với địa bàn của mình.

Chia sẻ với đoàn công tác Bộ Y tế, ông Đinh Văn Thiệu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Khánh Hòa bằng nhiều biện pháp đã nỗ lực truyền thông cho người dân hiểu về việc tiêm chủng. Đối với phòng, chống sốt xuất huyết, tỉnh đã vận dụng chi ngân sách cho công tác phun hóa chất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh công tác phòng, chống dịch được triển khai từ cấp thôn/tổ dân phố. Các đoàn thể đã thành lập các tổ để đi vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch.

Từ kiểm tra, nắm bắt thực tế và các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; ngành y tế địa phương; các chuyên gia… Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đưa ra một số kết luận sâu sát tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa.

Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ghi nhận, đánh giá cao tỷ lệ tiêm cho người lớn ở Khánh Hòà, đồng thời lưu ý địa phương tăng cường truyền thông về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các trường học, tuyên truyền, phát động cho giáo viên tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Ngành Giáo dục & Đào tạo phải phải tiên phong bởi khi  giáo viên tiêm đủ sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình giảng dạy. Từ đó nhà trường cần tuyên truyền cho học sinh lợi ích của việc tiêm chủng đồng thời hướng dẫn cho giáo viên, vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm để phòng bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn  cho các tỉnh, thành ở các địa phương về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng.

Thủ tưởng Chính phủ đã có chỉ đạo đến hết 30/8 tất cả các tỉnh phải hoàn thành tiêm cho trẻ em trong độ tuổi quy định. Vậy nên Khánh Hòa cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiêm, trong trường hợp tiêm không đạt cần lý giải rõ nguyên nhân.

Đối với dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Địa phương cũng nên chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch được hiệu quả.

Địa phương nên đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch xuống tận các xã/phường. Khi đi thực tế, người dân địa phương phản ánh khi xuất hiện nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết ở “điểm nóng” Ninh Hòa thì địa phương mới tiến hành phun hóa chất. Ở những điểm nguy cơ nên chủ động phun trước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra “điểm nóng” sốt xuất huyết

Trước khi bước vào buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, trong khuôn khổ chương trình công tác tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đã làm việc với Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống sốt xuất huyết.

Đặc biệt, Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn. Thị xã Ninh Hòa được xem làm “điểm nóng” về sốt xuất huyết của Khánh Hòa. Trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 315 ca. Trong đó, riêng tháng 6 có 221 ca.

Đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã trực tiếp đi thăm hỏi một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Thứ trưởng động viên các bệnh nhân cố gắng điều trị, nhanh chóng khỏi bệnh. Khi xuất viện thì tuyên truyền thêm cho người thân, cộng đồng thực hiện đầy đủ hơn công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Thứ trưởng cũng động viên các thầy thuốc dốc sức, tận tâm điều trị cho bệnh nhân.

Đến tận nhà người dân ở xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã kiểm tra thực tế môi trường quanh nhà người dân, kêu gọi cần xử lý ngay các vật dụng dễ phát sinh muỗi gây bệnh như: Lốp xe, nước bẩn trong chai, lọ, chum… (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Vướng mắc trong mua sắm thuốc vật tư y tế: Vẫn đề xuất, chờ hướng dẫn: Nhiều kiến nghị giải bài toán thiếu thuốc

Chiều 4/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đặt câu hỏi về giải pháp để xử lý tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, trong bối cảnh nhiều địa phương thừa nhận “sợ đấu thầu, sợ sai”.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị và vật tư y tế.

Trước mắt, Bộ Y tế đang soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế. Thứ ba là đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại trung ương và địa phương. Thứ tư là sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

“Ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng lo ngại, sợ sai không dám mua sắm”, bà Liên Hương nói.

Về dài hạn, đại diện Bộ Y tế cho biết, đang triển khai xây dựng và trình cấp có thẩm quyền để ban hành, sửa đổi, bổ sung các Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…

Chủ quan lơ là sẽ có nguy cơ bùng phát dịch

Liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi thứ 4 và nguy cơ bùng phát dịch, Thứ trưởng Liên Hương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Vì vậy tổ chức y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 để ngăn ngừa và phòng chống dịch COVID-19 là hết sức quan trọng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Trước bối cảnh xuất hiện biến thể mới BA.5 của biến chủng Omicron tại Việt Nam, theo bà Hương, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 đã tăng tại nhiều quốc gia kể từ tháng 4/2022 và gia tăng chủ yếu do lây lan của biến chủng phụ của Omicron BA.4 và BA.5.

“Nếu khả năng miễn dịch suy giảm trong cộng đồng cùng với việc chủ quan lơ là trong tiêm vắc xin cũng như trong phòng chống dịch COVID-19 thì sẽ có nguy cơ bùng phát dịch trở lại”, bà Liên Hương cho hay. (Tiền phong, trang 1).

 

Cần biết: Sự khác nhau giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3

Các chuyên gia tiêm chủng và dịch tễ khuyến cáo việc tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao, tăng lượng kháng thể trước biến thể Omicron, trong đó có biến thể phụ mới nhất- BA.5; Còn việc tiêm mũi bổ sung – không phải là mũi 3 giúp hoàn thành miễn dịch cơ bản. Vaccine COVID-19 hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5

Theo GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tác nhân gây bệnh vào người thì sẽ giảm mắc, giảm chuyển nặng hoặc tử vong. Thậm chí có người khi tiêm vaccine nếu có mắc thì cũng nhẹ hơn những người chưa tiêm.

“Ở đây chúng ta thấy rằng vaccine là vũ khí chiến lược. Bởi vì trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, mạnh như hiện nay với biến thể SARS-CoV-2  chúng ta thấy rằng biện pháp chống lây lan nhanh hoặc là các biện pháp hành chính xã hội, hoặc thuốc và các biện pháp gần như cơ bản khó đáp ứng được một cách lâu dài. Do đó vaccine tạo miễn dịch cho con người, người ta có thể đi bất cứ nơi đâu mà vẫn cảm thấy an toàn” – GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Hiện nay biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, đã xâm nhập vào Việt Nam và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến thể, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể BA.4 và BA.5.

Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái –  Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ:

– Mũi bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vaccine mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản (ví dụ Vaccine Vero Cell, Sputnik V);

– Còn mũi nhắc lại là mũi tăng cường, thường tiêm sau 3-4 tháng sau các mũi cơ bản để duy trì miễn dịch ở mức cao.

“Nói dễ hiểu thì việc tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao; Còn việc tiêm mũi bổ sung – không phải là mũi 3 giúp hoàn thành miễn dịch cơ bản” – TS.BS Phạm Quang Thái nói.

Tiêm vaccine COVID-19 mũi bổ sung cho đối tượng nào?

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung (liều này không phải mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu;

Người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.

– Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell) hoặc vaccine Sputnik V.

– Vaccine tiêm là loại vaccine cùng với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; hoặc vaccine Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell).

– Khoảng cách: tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

– Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

– Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

Tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại lần 1- mũi 3 (không tính liều bổ sung) thế nào?

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, về đối tượng tiêm mũi 3 gồm: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vaccine và mũi bổ sung nếu có)

– Loại vaccine: cùng loại vaccine với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; hoặc vaccine Astrazeneca nếu tiêm liều cơ bản bằng vaccine Sinopharm (Vero cell) hoặc vaccine mRNA.

– Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

– Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Đối với vaccine Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 liều cơ bản).

– Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nhập viện

Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng số ca mắc sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân nặng vào nhập viện tăng hơn so với tháng trước. Nếu như vào tháng 4 và 5 mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca nặng, thì nay tăng lên gấp đôi, thậm chí có ngày tiếp nhận 7-8 ca.

Người bệnh nền mắc COVID-19 nhập viện có xu hướng tăng

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 4/7, bệnh viện có 61 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó 18 bệnh nhân nặng, tăng hơn so với tháng 4, 5 và đầu tháng 6. Trong 18 bệnh nhân nặng có 2 ca phải thở oxy mask và 15 ca thở oxy, đều là người có bệnh nền.

TS.BS Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus và ký sinh trùng cho biết, từ tháng 4 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bệnh nhân nhập viện giảm. Trong tháng 4 và tháng 5, trung bình khoa tiếp nhận 1-2 ca COVID-19 mỗi ngày, bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ chuyển nặng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, bệnh nhân COVID-19 ở nhóm người cần đến cơ sở y tế vào nhập viện gia tăng, mỗi ngày khoa tiếp nhận 7-8 bệnh nhân. So với tháng trước, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi. Hiện nay, Khoa Viurs và ký sinh trùng đã gần như kín chỗ, thời gian trước số giường chỉ sử dụng gần một nửa. Trong số những bệnh nhân nhập viện điều trị, có tới 1/3 ca trở nặng.  Khi bước vào trạng thái bình thường mới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã trở về hoạt động khám chữa bệnh thường quy. Vì vậy, Khoa Hồi sức tích cực hiện có 20 giường hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên ở thời điểm này, tại đây đang điều trị cho 17 trường hợp nặng. Nếu so với 1 tháng trước, số bệnh nhân nặng phải vào Khoa Hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi. Các bệnh nhân này đều có bệnh nền như ung thư, tiểu đường, béo phì, ghép tạng, suy giảm miễn dịch như HIV, suy tủy…

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội) thuộc Bệnh viện Đại học Y, nếu như trong tháng 4-5 lượng bệnh nhân phải nhập viện giảm mạnh, không còn bệnh nhân nặng, chỉ có thể trung bình, thì nay có hiện tượng tăng lên nhưng rất nhẹ. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu như thời điểm tháng 4-5 có ngày bệnh viện không tiếp nhận ca bệnh nào, thì 2 đến 3 tuần nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 1-3 ca. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2 ca phải thở oxy, còn lại là bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân vào nhập viện chủ yếu là bệnh nền cần phải nằm viện điều trị, không có ca tái nhiễm. Theo ghi nhận của phóng viên, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số ca mắc COVID-19 của Thủ đô vào nhập viện tăng, hầu hết là người mắc bệnh nền.

Biến thể phụ có thể tăng ca mắc, nên tiêm vaccine mũi nhắc lại

Theo TS Trần Văn Giang, hầu như các bệnh nhân COVID-19 vào nhập viện đều tiêm 2 đến 3 mũi vaccine, chưa có người bệnh nào tiêm mũi 4. Tương tự, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cũng cho biết, tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, bệnh nhân vào nhập viện cũng chỉ tiêm vaccine mũi 2 và 3. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là nhóm cao tuổi, có bệnh nền và người suy giảm miễn dịch để khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.

Theo Bộ Y tế, tốc độ gia tăng ca mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.

Trên thế giới, theo số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2. Biến thể phụ BA.5 khiến nhiều nước tăng số ca COVID-19, lo ngại làn sóng dịch mới. Tại châu Âu,  biến thể phụ BA.5 của Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo gây ra khoảng 50% số ca mắc mới COVID-19 ở Đức. Biến thể phụ BA.5, BA.4 cũng đang lây lan tại Anh, nơi các mô hình dự báo tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc mới tăng khoảng 80% trong 3 tuần gần nhất.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nếu tăng số ca mắc thì nguy cơ hệ thống y tế quá tải, lúc đó sẽ tăng ca nặng và tăng tử vong. Sở dĩ thời gian qua, số ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu là ca mắc giảm, độ bao phủ vaccine cao nên bệnh nhẹ hơn. Nhưng miễn dịch của vaccine sau 6 tháng sẽ giảm đi, nên người có bệnh nền, người cao tuổi không tiêm vaccine mũi nhắc lại khi mắc bệnh sẽ nặng hơn.

Còn theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thì cho biết, có người cho rằng bị mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, mũi 2 là coi như tiêm mũi 3. Chắc chắn khi mắc thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2. Tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Chuẩn hóa hơn nữa là tiêm vaccine mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4. Người ta thấy rằng đối với người bị mắc mà tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine lâu dài hơn, cao hơn. Có nghĩa là, hiệu lực bảo vệ của họ cao hơn trước các biến thể mới.

Để ứng phó với biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đẩy nhanh tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của COVID-19 để chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh. Các cơ sở điều trị cần đảm bảo năng lực thu dung, chủ động sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong. (Tiền phong, trang 5).

Sớm hoàn thiện chính sách đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ, nhân viên y tế

Trước thực tế thu nhập và đời sống của nhiều cán bộ, nhân viên y tế còn thấp, trong khi áp lực công việc đang ngày càng tăng, chế độ đãi ngộ đối với công việc đặc thù này đang là vấn đề được quan tâm hiện nay. Sau cao điểm diễn ra đại dịch Covid-19, tại một số cơ sở y tế công lập, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công ồ ạt nghỉ việc, dẫn tới báo động về việc “chảy máu” nguồn nhân lực trong lực lượng y tế công. Ðiều này nếu không có những biện pháp căn cơ sẽ dẫn đến sự xáo trộn nhanh về nhân sự trong hệ thống y tế công, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Y tế, có hơn 4.500 cán bộ y tế bỏ việc sau đại dịch, trong đó có nhiều bác sĩ giỏi, bác sĩ đầu ngành được mời chào ra khu vực y tế tư nhân với mức thu nhập cao, ổn định mà không có nhiều  áp lực, nhiều nỗi sợ đè nặng như trong hệ thống y tế công lập: đấu thầu, thiếu thuốc, trang thiết bị…

Theo số liệu nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19”, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì khảo sát hơn 2.700 nhân viên y tế trên cả nước tính đến hết tháng 12/2021, cho thấy: khoảng 60% số nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch; hơn 1/3 số nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ bị giảm…

Tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn cán bộ ngành y bám trụ với nghề, lương cần phải đủ sống và lo được cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác, nhất là tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với tuyến y tế cơ sở, cán bộ y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa. Những kiến nghị về chính sách đãi ngộ đối với nhân viên ngành y không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên, sau gần ba năm chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế vô cùng vất vả, thậm chí có người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, trong khi chế độ đãi ngộ chưa cao.

Bên cạnh đó, cũng chưa bao giờ ngành y lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về pháp lý của hàng loạt cán bộ lãnh đạo trong hệ thống cũng như vướng mắc trong tư tưởng, tâm lý, áp lực công việc như hiện nay.

Cần có một chế độ đãi ngộ tương xứng là điều rất nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ngành y đang mong chờ Nhà nước và Bộ Y tế xem xét. Các kiến nghị tập trung vào một số giải pháp như: đầu tư và nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường; cần biên chế đối với tất cả các bác sĩ tuyến huyện; nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế, thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế…

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế nhận định, mức lương khởi điểm hiện nay đối với một bác sĩ tốt nghiệp đại học ra trường là chưa công bằng. Vì thời gian học của một bác sĩ là ít nhất sáu năm, trong khi đó các ngành khác chỉ mất bốn năm. Bác sĩ khi ra trường, đi làm phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.

Ðây là lý do Công đoàn Y tế đề nghị lương của bác sĩ được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp cũng được đề xuất tương đương một số ngành đặc thù khác.

Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 6 nêu rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Thế nhưng với đại đa số nhân viên ngành y chưa cảm nhận được sự đãi ngộ đó.

Thiết nghĩ, do đặc thù nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ y tế luôn trong tuyến đầu, sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, việc hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ đội ngũ này là việc cần sớm giải quyết nhằm vực dậy tinh thần và đời sống của cán bộ ngành y. Ðiều này không chỉ tri ân, giúp đội ngũ y tế yên tâm thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là một giải pháp cơ bản, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. (Nhân dân, trang 1).

Đồng Tháp có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết

Chiều 4/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.600 ca sốt xuất huyết tại 12 huyện, thành phố trực thuộc, tăng 417,9% so cùng kỳ năm 2021.

Số ca mắc tăng cao nhất là ở huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự. Toàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ðồng Tháp là một trong 8 tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao và là một trong 3 địa phương có số ca tử vong cao nhất khu vực phía nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ðồng Tháp tập trung triển khai chiến dịch diệt loăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết đợt 1 (từ ngày 28/6 đến 1/7) tại 12 huyện, thành phố. Kết quả, có 7 huyện, thành phố thực hiện đạt và vượt 5 chỉ tiêu của chiến dịch (riêng huyện Châu Thành chưa thực hiện chiến dịch).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Tháp Ðoàn Tấn Bửu yêu cầu các địa phương tiếp tục đồng loạt triển khai chiến dịch “Diệt loăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết” đợt 2 với quy mô lớn tại tất cả xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh từ ngày 5 đến 10/7; tập trung truyền thông cảnh báo dịch đang bùng phát để nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. (Nhân dân, trang 7).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2019

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 05 Giờ 00, ngày 7/02/2020

CDC Hà Nam