Virus SARS-CoV-2 biến hóa khôn lường, tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 sẽ bảo vệ cơ thể vững chắc hơn
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến thể mới xuất hiện như BA.4, BA.5. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ cá nhân và cộng đồng là tiêm phòng vaccine COVID-19, trong đó cần đặc biệt lưu ý tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) trong diện chỉ định tiêm.
Virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường. Đã có nhiều biến thể mới và có thể có nhiều biến thể hơn trong tương lai, thậm chí có thể trở thành biến chủng mới (tức là virus SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện). Một khi còn chủng virus lưu hành thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng. Cần lưu ý rằng, trong số 43.089 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Rõ ràng rằng với virus SARS-CoV-2, nếu không tiêm vaccine và tiêm không đủ liều sẽ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19, thậm chí mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 có lợi thế nào?
Cũng như các bệnh nhiễm trùng khác, việc tiêm vaccine để phòng bệnh là điều khoa học đã chứng minh hiệu quả từ lâu. Với việc phòng bệnh COVID-19 cũng vậy, có nhiều lợi ích khi tiêm chủng phòng bệnh COVID-19.
Vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người không bị bệnh, hoặc nếu bị thì bệnh không nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa bị tử vong – đặc biệt là những người đã được tiêm mũi vaccine nhắc lại, tăng cường. Cùng với các lợi ích đó là giảm chi phí cho gia đình, xã hội và giảm được công sức và chi phí chăm sóc người bệnh nếu không may mắc COVID-19.
Hiệu quả bảo vệ tốt nhất khi tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn với số liều và mũi tiêm nhắc lại được khuyến nghị. Với người từng mắc COVID-19, vaccine giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể, bao gồm tránh khỏi nguy cơ nhập viện khi nhiễm lần nữa. Điều cần nhấn mạnh là vaccine phòng ngừa COVID-19 an toàn và an toàn hơn rất nhiều so với khi bị nhiễm COVID-19.
Tiêm vaccine COVID-19 giúp bảo vệ cho người được tiêm bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch sinh kháng thể chống lại SARS-CoV-2 mà không phải trải qua tình trạng bị bệnh, hoặc có thể bao gồm cả tình trạng bệnh nặng hoặc tình trạng hậu COVID. Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 giảm dần theo thời gian (tức là kháng thể sinh ra sau khi tiêm vaccine sẽ giảm dần sau khi tiêm), nên các nhà chuyên môn khuyến nghị tất cả mọi người trong nhóm được chỉ định đều phải tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn để bảo đảm có kháng thể cần thiết chống lại virus.
Đối với những người có một số bệnh nền hoặc người đang sử dụng thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch (người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh ung thư) có thể có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19. Do khả năng đáp ứng miễn dịch của người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch đối với tiêm chủng COVID-19 có thể không mạnh như những người không bị suy giảm miễn dịch, nên cần được tiêm vaccine phòng ngừa đúng lịch. Những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng có các khuyến nghị cụ thể về tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó bao gồm các khuyến nghị về tiêm nhắc lại.
Với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, chúng lây lan nhanh, đặc biệt biến chủng BA.5 đã xuất hiện ở Việt Nam chúng ta vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vắc xin. Nếu không may mắc bệnh, thì bệnh không nặng. Mặ dù tốc độ lây lan của virus rất nhanh, nếu chúng ta liên tục tiêm vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được khả năng phòng bệnh nặng, hạn chế tử vong.
Tại sao cần tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4)?
Tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể chống lại virus, tuy nhiên kháng thể được hình thành trong cơ thể người được tiêm vaccine sau tiêm mũi 2 sẽ suy giảm đáng kể. Theo các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã tìm ra thời điểm kháng thể kháng SARS-CoV-2 suy giảm sau tiêm mũi 3 và khẳng định tiêm mũi 4 sẽ giúp tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ tái nhiễm và nhập viện do COVID-19.
Vì vậy cần tiêm mũi 3 để tiếp tục kích thích cơ thể sinh kháng thể giúp cơ thể chống lại SARS-CoV-2 nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Theo các nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm mũi 3 khoảng 15 tuần kháng thể sẽ giảm dần, nên cần phải tiêm vaccine mũi 4 để tiếp tục kích thích cơ thể sinh tiếp kháng thể và duy trì kháng thể chống lại virus.
Thực tế lâm sàng, trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Nhưng một trong những vấn đề đáng lo ngại sau mắc COVID-19 là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS -C). Đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…
Bên cạnh những nghiên cứu đã được y văn thế giới công bố, gần đây Hiệp hội Y khoa Mỹ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19. Kết quả nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh rằng vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ MIS-C ở nhóm trẻ đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C, thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm COVID-19 lên tới trên 90%.
Đối tượng nào cần được tiêm vaccine mũi 3 và mũi tăng cường (mũi 4)?
Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm tại các khu công nghiệp.
Với những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 – 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-COV-2. Bởi sau tiêm mũi 3 và mũi 4 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể trong máu, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và ca tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
TP.HCM: Sẵn sàng các kịch bản điều trị F0 trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát
Số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca. Ngành y tế TP.HCM đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới.
Ngày 7/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ.
Trước đó, vào ngày 4/7, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi – TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung – Củ Chi). Tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố.
Đồng thời hệ thống giám sát dịch của ngành y tế thành phố cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.
Ngành y tế thành phố đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp trục tập trung vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.
Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (cùng với các bệnh viện trung ương trên địa bàn TP.HCM như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị COVID-19.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, Sở Y tế phân công cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phụ trách, sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết. Ngoài ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.
Sở Y tế TP.HCM cho hay, quan trọng hơn hết là các biện pháp dự phòng COVID-19. Cần tuân thủ việc mang khẩu trang và khử khuẩn khi đến nơi công cộng đồng thời với tăng cường tiêm vaccine. Cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế luôn sẵn sàng tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng, trong bệnh viện, trong nhà máy, trong trường học,… và nhất là tổ chức các đội tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người mắc bệnh nền gặp khó khăn trong đi lại. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Công bố lần 2 các địa phương đạt tỷ lệ tiêm vaccine nhắc lại thấp, hơn 4,8 triệu người đã tiêm mũi 4
Sáng nay, 7-7, Bộ Y tế cập nhật sơ bộ tình hình tiêm vaccine Covid-19 đến hết ngày 6-7 và công bố danh sách các tỉnh thành có tỷ lệ tiêm vaccine nhắc lại đạt thấp cũng như các địa phương có tỷ lệ tiêm đạt cao. Cụ thể:
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
– Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.158.580 mũi tiêm (68,8%), trong ngày 6-7 có 27 tỉnh triển khai với 57.365 người được tiêm:
Tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Hải Phòng (43,1%); Cà Mau (42,9%); Hậu Giang (35,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Nghệ An (95,0%); Bắc Giang (95,8%); Thanh Hóa (93,8%)…
– Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.851.371 mũi tiêm (34,0%), trong ngày 6-7 có 27 tỉnh triển khai với 60.628 người được tiêm.
Tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Bắc Kạn (3,2%); Đồng Tháp (8,8%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,5%); Hà Nội (15,8%);…
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Bà Rịa Vũng Tàu (83,9%); Cà Mau (79,1%); Quảng Ninh (77,1%);…
Nhóm từ 12-17 tuổi:
Tính đến hết ngày 6-7 ghi nhận 8.653.309 trẻ tiêm đủ 2 mũi, đạt 98,7%; Tiêm nhắc là 999.345 trẻ, đạt 11,4%.
Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp dưới 5% gồm:
– Miền Bắc (14 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Hà Nam; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang; Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.
– Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận
– Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Kết quả tiêm nhắc tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%). (An ninh Thủ đô, trang 7).
Hà Nội giải trình tự gene để tìm biến thể mới của Omicron tại cộng đồng
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới BA.5 của chủng Omicron tại cộng đồng. Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trực thuộc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Những tuần gần đây, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trung bình 140-160 ca bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của CDC Hà Nội, số ca có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là ngày 1-7 ghi nhận 298 ca/ngày.
Mặt khác, theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới BA.5 của chủng Omicron tại cộng đồng.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC thành phố tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giám sát ca bệnh, virus theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong đó, Sở Y tế yêu cầu CDC tiếp nhận, lựa chọn giám sát giải trình tự gene; triển khai giám sát, thu thập mẫu bệnh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 gửi xét nghiệm để giải trình tự gene nhằm phát hiện biến thể mới trong cộng đồng.
Sở Y tế cũng đề nghị các bệnh viện rà soát, sẵn sàng các điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc tầng 2, tầng 3.
Theo TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Vaccine hiện tại đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5 này. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Bệnh viện tỉnh Ninh Bình mua kit xét nghiệm của Việt Á giá cao bất thường
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, đã chuyển vụ việc mua sắm kit test xét nghiệm Covid-19 Việt Á của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Bình cho Công an tỉnh điều tra, làm rõ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình đã có thông báo Kết luận kiểm tra số 48-TB/UBKTTU ngày 17/6/2022 về các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 của BVĐK tỉnh Ninh Bình.
Quá trình kiểm tra, phát hiện, năm 2020, BVĐK tỉnh Ninh Bình thực hiện thủ tục chỉ định thầu rút gọn, ký kết hợp đồng mua kít test xét nghiệm Covid-19 theo đơn giá cố định với Công ty Việt Á, giá trị gói thầu là trên 1,575 tỉ đồng. Đến cuối năm 2020, bệnh viện đã nghiệm thu và thanh toán cho Công ty Việt Á 1,050 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói thầu trên, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã lập dự toán chưa đúng quy định khi đưa tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa là kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào trong danh mục để lập dự toán, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định cấp bổ sung ngân sách.
Về báo giá của Công ty Việt Á, bảng báo giá ngày 25/3/2020 do ông Phạm Văn Hiệp – Giám đốc BVĐK tỉnh Ninh Bình gửi qua gmail cho Trưởng khoa Dược BVĐK tỉnh Ninh Bình, sau đó chuyển cho nhân viên trong khoa trực tiếp thực hiện hồ sơ thầu. Theo bảng báo giá, 1 bộ kit test của Công ty Việt Á (gồm 52 kit test) có giá 52 triệu đồng.
Theo hóa đơn thanh toán lưu tại hồ sơ mua sắm mà BVĐK tỉnh Ninh Bình đã thanh toán cho Công ty Việt Á cho thấy, giá 1 bộ kit test của Việt Á cao gấp 2 lần so với giá mua sản phẩm cùng loại của các đơn vị khác cùng thời điểm đó. Nếu so với giá của Bộ Y tế thì BVĐK tỉnh Ninh Bình đã mua với giá cao hơn 580.000 đồng/test.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình bước đầu xác định BVĐK tỉnh Ninh Bình đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 580 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình cũng xác định: trong quá trình thực hiện mua kit test của Việt Á, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã tạo lập một số văn bản, giấy tờ giả tạo; ký hợp đồng mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại thời điểm Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế: Thiệt thòi lớn nhất là người bệnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm y tế đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thì thiệt thòi lớn nhất chính là người bệnh.
Thiệt thòi lớn nhất chính là người bệnh
Như Lao Động đã phản ánh, thời gian qua, nhiều bệnh viện trên phạm vi cả nước đang có tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm.
Đặc biệt là thiếu thuốc men, thậm chí “đắp chiếu” cả máy móc thiết bị. Trong đó, có cả tình trạng nhiều loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nhưng bệnh nhân phải mua bên ngoài do bên trong bệnh viện thiếu thuốc.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Y tế chỉ ra đó là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra. Do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), nếu ví von rằng, hệ thống y tế đang mắc phải căn bệnh “thập tử nhất sinh” thì bên cạnh các bộ phận “hoại tử” phải loại bỏ, cũng phải giữ cho thể trạng sống của cả hệ thống. Còn nếu để cả hệ thống “chết” thì người bệnh chính là người phải trả giá đầu tiên.
Nhấn mạnh, không “bênh vực cho hành vi sai trái”, song bà Phương Lan đặt vấn đề: “Tại sao bây giờ lại bị nhiều vi phạm như vậy và làm như thế nào để chấm dứt tình trạng này trong thời gian tới? Phải làm sao để người ta không thể sai, không dám sai như vậy? Chúng ta phải nhìn tận gốc của vấn đề”.
Bà Phong Lan phân tích nhiều bất cập nên có tình trạng cán bộ “sợ sai” dẫn tới thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong đó có cơ chế đấu thầu thuốc.
“Đấu thầu về thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi, chúng ta vẫn theo cơ chế “càng rẻ càng tốt” và năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí, có những trường hợp đấu thầu, trúng thầu, chọn giá rẻ nhất rồi nhưng sau đó vài tháng, một địa phương khác trúng thầu với giá thấp hơn lại phải áp theo giá đó. Đây là một cơ chế bất cập. Trong khi đó, mục tiêu cao nhất của đấu thầu là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị đảm bảo chất lượng với giá hợp lý nhất” – đại biểu Lan nói.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khoá XV (đoàn Hà Nội) – cho rằng, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ.
Mặt khác, việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị “đình đốn” vì họ còn phải “bận” làm những việc quan trọng hơn, “sinh tử” với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra và thế là hoạt động khám, chữa bệnh đã bị ảnh hưởng rất lớn.
“Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó. Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được” – đại biểu Trí nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho ngành y?
Về giải pháp trong thời gian tới liên quan tới ngành y, đại biểu Trí cho rằng, cần tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế và các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt hơn cả là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành Y tế.
Ông Trí cho rằng, trước mắt cần triển khai cho được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, để khám bệnh, chữa bệnh và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Tiếp đó, phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống dịch và cả những luật khác có liên quan như về giá, Luật Đấu thầu, mua sắm, Luật Tài sản công. Kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, giải pháp trong thời gian tới đó là cần khẩn trương nghiên cứu chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách thỏa đáng. Thứ hai về chính sách, phải khẩn cấp xem lại những quy định về đấu thầu, về mua sắm trang thiết bị khi các bệnh viện đều gặp 3 vấn đề cung ứng, điều trị và dự phòng thiếu thốn.
Theo Bộ Y tế, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn. (Lao động, trang 3).
Ngọc Nga