Điểm báo ngày 20/7/2022

(CDC Hà Nam)
Đã ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết; chuyên gia lưu ý không chủ quan khi trẻ có các dấu hiệu sau; Sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và chăm sóc thích hợp

Đã ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết; chuyên gia lưu ý không chủ quan khi trẻ có các dấu hiệu sau

Một tuần tăng hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết. Các chuyên gia lưu ý khi trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như quấy khóc; bứt rứt; đau bụng; chảy máu cam, răng, ói ra máu; tiêu phân đen; tay chân lạnh; bỏ ăn… các gia đình không được chủ quan cần đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời

Một tuần tăng hơn 10.000 ca mắc và 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Như vậy so với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này giảm khoảng 1.000 ca ( tuần từ 4-11/7 tăng khoảng 11.000 ca). Số tử vong tăng lên 2 trường hợp.

Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế mới đây đã tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống,khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở…

Tại TP HCM, chỉ trong hai tuần, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã cứu sống 5 trường hợp trẻ dư cân bị sốc sốt xuất huyết nặng, gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

Phân tuyến quản lý, điều trị sốt xuất huyết thế nào?

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ:

Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).

Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).

Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; Xuất huyết nặng; Suy tạng nặng.

Bộ Y tế lưu ý, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Bộ Y tế nêu rõ trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếpnhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV. Điều trị của Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế)

Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1

Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận

Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân;

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên;

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên.

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng

Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và chăm sóc thích hợp

Hiện dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, với số lượng người mắc bệnh tăng cao, thậm chí phải nhập viện, tử vong. Điều quan trọng cần nhận biết các triệu chứng, cách dùng thuốc đúng và các biện pháp phòng ngừa có thể dễ dàng chống lại căn bệnh truyền nhiễm chết người này.
1. Nhận biết sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền, đôi khi biến chứng có thể gây chết người được gọi là sốt xuất huyết nặng. Tại Việt Nam, tình hình nhiễm sốt xuất huyết thường diễn biến phúc tạp và đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Hiện số ca sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng. Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong.

Cần nghi ngờ sốt xuất huyết khi sốt cao (40°C) kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau trong giai đoạn sốt (2-7 ngày):

Nhức đầu dữ dội
Đau hốc mắt
Đau cơ và khớp
Buồn nôn
Nôn mửa
Phát ban.
Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24-48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong, do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:

Đau bụng
Nôn mửa liên tục
Thở nhanh
Chảy máu nướu răng hoặc mũi
Mệt mỏi
Bồn chồn
Gan to
Máu trong chất nôn hoặc phân.
Nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng này, cần theo dõi sát sao và chăm sóc y tế thích hợp, tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.

2. Có thuốc điều trị sốt xuất huyết không?
Sốt xuất huyết do virus gây ra, hiện không có thuốc đặc trị hay kháng sinh điều trị. Đối với bệnh sốt xuất huyết điển hình, việc điều trị được hướng tới việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao.

Có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc hỗ trợ như sử dụng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau để kiểm soát các triệu chứng đau nhức cơ và sốt.

Các lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng này là paracetamol. Nên tránh dùng thuốc NSAID (thuốc chống viêm không steroid), như ibuprofen và aspirin để hạ sốt, do các loại thuốc chống viêm này làm loãng máu, có thể làm trầm trọng bệnh.

Dùng paracetamol hạ sốt theo khuyến cáo của nhà sản xuất, hoặc chỉ định của bác sĩ.

Sốt xuất huyết là một bệnh sốt siêu vi nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Do vậy, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Trẻ béo phì, bệnh lý bẩm sinh… chưa tiêm vaccine sẽ có nhiều nguy cơ khi mắc COVID-19

Biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc COVID-19 trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho trẻ. Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.
Từ nay đến hết tháng 8/2022 chỉ còn 43 ngày để thực hiện hoàn thành cơ bản tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên, hiện tiến độ tiêm cho trẻ trong độ tuổi này còn chậm, tại nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ còn chưa đạt đến 20%, trong khi theo tài liệu “Hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng, mặc dù khi mắc COVID-19 các triệu chứng ở trẻ em đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện và để lại di chứng kéo dài.

Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, béo phì, bệnh lý bẩm sinh… chưa tiêm vaccine sẽ có nhiều nguy cơ nếu mắc COVID-19

GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19 kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ thống (còn gọi là hội chứng MIS-C) ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác.

Do đó, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, PGS. TS Trần Minh Điển- Giám đốc BV Nhi TW khuyên các ông bố bà mẹ nên cho con mình tiêm chủng. Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào…

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

Việc tiêm vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên cho các cháu tiêm. Nếu không trẻ sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cũng nêu thực trạng: Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cháu bị nhiễm khỏi bệnh rồi vẫn còn nhiều vấn đề về tâm sinh lý lâu dài. Hằng ngày chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi tham vấn của phụ huynh về các trường hợp trẻ em mắc COVID-19, đặc biệt nhiều ca dưới 12 tuổi.

Cảnh báo: Đa phần trẻ bị MIS-C sau mắc COVID-19 đều chưa tiêm vaccine

Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cho biết trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện có đến 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C, trong số này 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO. Qua khai thác thông tin đều cho thấy hầu như đều là các trẻ chưa tiêm vaccine COVID-19.

“Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết đều được cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị”- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%.

Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi.

Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cũng cho biết, trong tình hình hiện nay, có nhiều phụ huynh băn khoăn “con tôi đã mắc rồi thì có nên đi tiêm hay không? có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không? rồi các phụ huynh cũng lo lắng các mũi tiêm này có an toàn hay không?”

“Biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình. Chúng ta đều thấy rằng vaccine an toàn. Đặc biệt là Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi cũng có loại vaccine riêng. Đây là những ưu tiên lớn của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em”- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Chuyên gia cũng cho hay: Chúng ta đã qua đỉnh dịch 3 – 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó trẻ rất dễ mắc bệnh trong tình hình hiện nay, và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

Bất thường: Cúm A sinh sôi giữa mùa hè

Nếu các năm trước cúm A chỉ xuất hiện vào mùa đông xuân thì năm nay virus này sinh sôi ngay giữa mùa hè.
Gần đây, một số bệnh viện (BV) tại Hà Nội đã tiếp nhận hàng loạt ca bệnh nhiễm cúm A với nhiều lứa tuổi khác nhau. Các bác sĩ (BS) nhận định đây là điều bất thường, bởi mọi năm dịch sốt xuất huyết trước rồi mới đến cúm A vào mùa đông xuân nhưng năm nay quy trình bị đảo ngược. Hiện số ca cúm A tại một số BV đang lấn át ca bệnh sốt xuất huyết.

Cúm A bùng phát trái mùa

Theo TS Văn Đình Tráng, phụ trách Khoa vi sinh – sinh học phân tử BV Bệnh nhiệt đới trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa thời gian qua có tới 60% dương tính với cúm A.

Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân (BN) mắc cúm A mà BV Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy là BN nữ (78 tuổi, Hà Nội), được đưa vào BV cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ ba với các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều. Theo các BS, BN được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A. Sau một ngày điều trị, BN gia tăng tình trạng khó thở, chỉ số SpO2 giảm còn 83%, các BS buộc phải đặt ống nội khí quản cho BN thở máy xâm nhập.

Trường hợp tiếp theo là một BN nam (65 tuổi) bị lây cúm A từ người nhà. Sau khi mắc bệnh, sức khỏe BN diễn tiến xấu, xuất hiện tình trạng viêm phổi. Hiện BN đang được các bác sĩ điều trị và theo dõi sát.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết mới đây BV tiếp nhận cùng lúc gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngoài ra có cả học viên của một lớp học tiếng nước ngoài cũng đến BV khám. Các BN ở độ tuổi 20-30, triệu chứng tương đối giống nhau như đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Kết quả xét nghiệm cho thấy hầu hết dương tính với cúm A.

“Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Những trường hợp phải nhập viện chủ yếu có bệnh lý nền, người cao tuổi và phụ nữ có thai. Năm nay cúm A diễn biến bất thường vì mọi năm cúm A thường vào mùa đông xuân thì năm nay lại rơi vào giữa hè. Đây cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn so với COVID-19” – BS Thiệu nói, đồng thời giải thích nguyên nhân khách quan là do mùa cúm đông xuân trước trùng với đợt bùng phát dịch COVID-19, lúc đó các biện pháp cách ly phòng bệnh COVID-19 chặt khiến dịch cúm không thể lây lan được. Chính điều này vô tình làm cho kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh, các biện pháp tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng… dẫn đến virus cúm A sinh sôi giữa mùa hè.

Tiêm vaccine duy trì hiệu giá kháng thể

Theo các BS, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông xuân khi giao mùa. Bệnh lây qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

BS Thiệu cho rằng để duy trì hiệu giá kháng thể thì cần phải tiêm vaccine cúm hằng năm. Tiêm vaccine hiệu quả nhất là vào mùa thu, do đó hiệu giá kháng thể sẽ cao trong mùa cúm là mùa đông xuân. “Hiện đang là thời điểm thích hợp để tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và tiếp tục tiêm mũi tiếp theo vào cuối mùa thu năm nay” – BS Thiệu nhấn mạnh.

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp BV Thanh Nhàn, cũng cảnh báo virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi.

“Cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp giống như COVID-19. Để phòng bệnh, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người. Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Cạnh đó, cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng” – BS Hường khuyến cáo. (Pháp luật TP.HCM, ngày 19.7, trang 12)

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/01/2021

CDC Hà Nam