Nỗi lo thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành ở nhiều địa phương, đã có hơn 100 ngàn ca mắc, hàng chục trường hợp tử vong. Trong khi đó, nhiều nơi thiếu nhân lực, phương tiện, thuốc và hóa chất điều trị, dập dịch…
Trong ngày 25.7, TP.HCM tiếp nhận 514 ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện (có 486 ca xuất viện), trong đó có 370 ca cư trú tại TP và 144 ca ở các tỉnh chuyển đến. Hiện, các bệnh viện (BV) tại TP.HCM đang điều trị 1.821 ca SXH (1.299 ca cư trú tại TP, 522 ca ở các tỉnh chuyển đến, chiếm gần 30%). Theo phân cấp điều trị, BV quận, huyện, TP.Thủ Đức điều trị các ca bệnh nhẹ, các ca bệnh nặng thì hội chẩn chuyên môn tuyến trên và giữ lại điều trị tại BV, nếu vượt quá khả năng thì chuyển lên tuyến trên.
Gia tăng tại nhiều nơi
Theo nhận định của Sở Y tế TP.HCM, năm 2022 số ca mắc SXH theo tuần tăng sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình 5 năm (2016 – 2020). Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay. Trong đó, số ca nặng là 502 ca, chiếm 1,57% trong tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
6 quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất TP là quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, từ tháng 1 – 5.2022, khu vực phía nam ghi nhận 3 týp gây bệnh SXH lưu hành: Týp D1 (57%), D2 (42%) và còn lại là D4. Týp D2 xu hướng tăng nhanh từ tháng 4 đến tháng 5.2022 (từ 33% lên 42%). Qua giám sát trọng điểm đã ghi nhận tại TP.HCM có sự lưu hành cả 2 týp D1 và D2.
Đến nay, số ca mắc SXH tại nhiều địa phương khu vực ĐBSCL tăng gấp hàng trăm lần so với cùng kỳ năm 2021 và có nhiều ca tử vong. Trong khi đó, người dân vẫn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Trong đó, số mắc SXH tại An Giang cao nhất ĐBSCL. Ngày 26.7, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết thời tiết mưa, nắng xen kẽ và mùa mưa đến sớm cùng với 2 năm triển khai phòng chống dịch nên công tác vệ sinh môi trường ở các địa phương không tốt như hằng năm đã tạo điều kiện cho muỗi phát sinh, gây bệnh SXH. Dự báo trong tháng 7 này có thể mỗi tuần cả tỉnh có hơn 1.000 ca mắc SXH, nhưng hiện nay dưới 500 ca cho thấy dịch bệnh đang dần được kiểm soát.
Ngày 26.7, đại diện Sở Y tế Bình Dương cho biết hiện nay số ca SXH nặng là 279 ca, trong đó có 171 ca là trẻ em dưới 15 tuổi. Số ổ dịch SXH được phát hiện trên địa bàn là 1.520, tăng 500 ổ dịch so với đầu năm 2022.
Thiếu thuốc, phương tiện
Ngày 26.7, đoàn công tác của Bộ Y tế do TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), làm trưởng đoàn đã làm việc với Đồng Nai về tình hình dịch SXH. Đoàn đã đi kiểm tra tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) và công tác điều trị tại BV Nhi đồng Đồng Nai.
Báo cáo với đoàn công tác, Sở Y tế Đồng Nai cho biết dịch SXH bùng phát mạnh trên địa bàn từ tháng 3.2022 và đến nay đã có hơn chục ca tử vong. Nguyên nhân tử vong do phát hiện trễ; người nhà và bệnh nhân tự ý dùng thuốc, không đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm nên điều trị sai cách khiến bệnh ngày càng nặng. Ngoài ra còn do điều trị chưa đúng phác đồ, chuyển viện không an toàn và nhiễm khuẩn tại BV.
Sở Y tế Đồng Nai nhận định, với diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch, sự lưu hành đồng thời của 2 chủng vi rút Dengue và đang ở giai đoạn mùa mưa, dự báo dịch SXH còn tăng mạnh trong thời gian tới. Điều đáng quan tâm là hiện dù chưa phải là đỉnh dịch nhưng đã có tình trạng quá tải ở một số cơ sở điều trị. Nếu số ca mắc tiếp tục tăng nhanh như hiện nay thì số ca nặng, ca tử vong có nguy cơ tăng cao.
Trong khi đó, ngành y tế Đồng Nai đang gặp một số khó khăn, đó là tình trạng thiếu hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số địa phương; thiếu nhân lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở…
Trả lời Thanh Niên, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc BV Nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh nhân SXH năm nay đến khám và điều trị tại BV tăng cao về số lượng cũng như ca bệnh nặng. Cụ thể, đến nay có khoảng 8.400 bệnh nhân đến khám SXH, trong đó nhập viện hơn 3.500 ca, số ca nặng là 850, ca rất nặng phải thở máy, lọc máu 10 ca. “Do bệnh nhân quá đông, quá tải nên BV phải huy động nhân lực ở các khoa, phòng khác hỗ trợ. Nhiều điều dưỡng phải đi tua ba, tua đôi”, BS Nghĩa nói.
Về hóa chất điều trị bệnh, BS Nghĩa cho biết BV đang thiếu dung dịch đại phân tử. Vừa qua, BV phải đi mượn từ các BV khác mỗi nơi vài chục bịch sử dụng tạm. BV cũng đã đặt mua nhưng công ty không cung cấp đủ. “Mới đây, chúng tôi đặt 500 bịch nhưng công ty chỉ giao có 200 bịch, sau đó đặt tiếp 500 bịch nữa nhưng hàng vẫn chưa về”, BS Nghĩa nói.
Ông Tạ Tùng Lâm, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết ngành y tế Đồng Tháp đã xử lý hơn 2.100 ổ dịch SXH trong cộng đồng. Hiện tình hình dịch SXH trong tỉnh đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, lực lượng y tế cơ sở còn ít nhưng có nhiều hoạt động, chương trình trọng tâm khác phải làm nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch SXH. Ngoài ra, hóa chất diệt muỗi đang bị thiếu, người dân chưa chủ động tự diệt lăng quăng, việc cung cấp nước sạch tại một số nơi không thường xuyên… làm tăng nguy cơ và điều kiện cho muỗi phát triển.
Chiều 26.7, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, thông tin số ổ dịch SXH ở tỉnh được ghi nhận và xử lý là 220 ổ dịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (108 ổ dịch). Hiện tại, cơ số thuốc và cơ sở y tế ở tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị các ca bệnh SXH.
Phòng ngừa vẫn là giải pháp chính
Trước tình hình SXH gia tăng, các lãnh đạo TP.HCM trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại các quận, huyện. Ngành y tế đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH, ưu tiên hỗ trợ giám sát tại các quận, huyện có ca SXH tăng cao và có ca tử vong.
Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn theo 3 kịch bản: Dưới 2.000 ca, từ 2.000 – 4.000 ca, từ 4.000 – 6.000 ca đang điều trị tại BV nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong do SXH. Hiện mỗi ngày TP có từ 300 – 600 ca SXH nhập viện. Sở Y tế đã đề nghị tất cả các BV được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị người bệnh.
Theo kế hoạch, TP.HCM huy động 54 BV chuyên khoa, đa khoa công lập và tư nhân tham gia điều trị. Bệnh nhân người lớn có triệu chứng nặng ưu tiên điều trị tại các BV Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Đại học Y Dược và các BV đa khoa khác… Trẻ em thì điều trị tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Bộ Y tế giao BV Nhi đồng 1 hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở trẻ em cho 11 tỉnh, gồm: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cần Thơ. BV Nhi đồng 2 hỗ trợ cho 10 tỉnh, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai và Lâm Đồng. BV Nhi đồng TP hỗ trợ cho 10 tỉnh, gồm: Kiên Giang, An Giang, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum. BV Bệnh nhiệt đới hỗ trợ về SXH người lớn cho 31 tỉnh trên.
Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết: “Trong phòng chống SXH của tỉnh, khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức người dân. Mọi người cần phải phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước có lăng quăng, chú ý ngủ mùng không cho muỗi đốt gây bệnh”.
Sở Y tế An Giang đã chỉ đạo các BV và trung tâm y tế các huyện tăng cường tập huấn chẩn đoán, điều trị. Củng cố hoạt động của nhóm điều trị SXH và điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch SXH tại các cơ sở khám, chữa bệnh để thường xuyên trao đổi chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Dự trù và bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm máu, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc, các thuốc thiết yếu sử dụng trong cấp cứu và điều trị SXH. Báo số lượng thuốc trúng thầu, nhập, xuất, tồn kho, số lượng các thuốc thiếu hoặc có khả năng thiếu trong thời gian tới, hướng giải quyết việc thiếu thuốc của đơn vị, gửi báo cáo về Sở Y tế.
“Hiện CDC tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp các trung tâm y tế và trạm y tế điều tra thông tin, diệt lăng quăng, phun hóa chất xung quanh nhà ca bệnh. Tuyên truyền cho người dân cần đi khám ngay khi có biểu hiện sốt. Tuyệt đối không chủ quan trước bệnh”, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, khuyến cáo.
Sở Y tế Bình Dương cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông mới và duy trì chiến dịch tổng vệ sinh môi trường (Thanh niên, trang 4).
Hà Nội giám sát ổ dịch cũ
Tại Hà Nội, ghi nhận SXH rải rác tại 20 quận, huyện, 40 xã, phường, thị trấn, tập trung chủ yếu tại Q.Ba Đình (5 ca), H.Mê Linh 5 (ca), Q.Long Biên (5 ca). Các quận, huyện khác có dưới 5 ca. Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sở đã phân tuyến điều trị, giao việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh SXH đối với 19 BV đa khoa tuyến TP công, tư.
Các BV tuyến TP tập trung nguồn lực thu dung điều trị SXH Dengue nặng; các BV tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn liên khoa, liên viện… trung tâm y tế quận, huyện triển khai phòng chống SXH và phòng tái bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt phải giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, tại các ổ dịch cũ (Thanh niên, trang 4).
TPHCM ghi nhận hơn 32.000 người mắc sốt xuất huyết
Chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu và đoàn công tác của thành phố có buổi làm việc với huyện Nhà Bè về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Nhà Bè có 59 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 574 ca (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021), không có ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 7, địa phương đã tăng đột biến 44 ổ dịch (tăng 200%). Ngoài ra, huyện Nhà Bè vẫn còn 128 điểm nguy cơ cần xử lý. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho rằng, qua số liệu của huyện Nhà Bè cho thấy con số tăng tới 200% là rất đáng lo ngại, đòi hỏi huyện phải có giải pháp quyết liệt phòng chống dịch SXH trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Lãnh đạo địa phương phải làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch.
Đồng chí Ngô Minh Châu lưu ý, trong công tác phòng chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại ở các lứa tuổi. Đồng thời, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của các cơ quan chức năng với cá nhân, tập thể vi phạm hành chính phòng chống dịch cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, để góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi.
Ngày 26-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đến hết ngày 21-7, TPHCM ghi nhận 32.011 người mắc SXH, tăng 293,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó SXH nặng có 502 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến ngày 24-7 là 1,6% (502/32.011 ca), tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5% (38/8.128 ca). Riêng trong tuần 29 (từ 15 đến 21-7), thành phố ghi nhận 3.108 ca mắc SXH, giảm 3 ca so với trung bình 4 tuần trước. Cũng trong tuần này, thành phố ghi nhận 1 ca tử vong do SXH tại quận 6. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 13 người (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Đảng uỷ Sở Y tế Gia Lai bị yêu cầu kiểm điểm
Ngày 26/7, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế tỉnh này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện mua sắm kit xét nghiệm COVID-19.
Trước đó, UBKT Tỉnh uỷ đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Sở Y tế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện mua sắm kit xét nghiệm COVID-19.
UBKT Tỉnh uỷ nhận thấy, năm 2020-2021, dịch COVID-19 cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng diễn biến phức tạp, xảy ra trên diện rộng. Nhu cầu sử dụng sinh phẩm hóa chất để xét nghiệm bóc tách các trường hợp nhiễm bệnh, thực hiện cách ly và điều trị rất cấp bách. Trước tình hình đó, Đảng ủy Sở Y tế Gia Lai đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo không để thiếu hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, theo UBKT Tỉnh uỷ Gia Lai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Sở Y tế chưa chấp hành nghiêm quy chế làm việc, quy định số 98-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan; thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý, đôn đốc tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, để Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có một số khuyết điểm, vi phạm trong việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19.
UBKT Tỉnh uỷ yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, vi phạm như đã nêu (Tiền phong, trang 11).
Giám sát vi rút gây dịch, duy trì các đội phản ứng nhanh
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, xu hướng chung trên cả nước, vi rút lưu hành chủ yếu là týp vi rút D1, D2. Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu tăng cao từ tháng 5 vừa qua.
Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh thành phía bắc ghi nhận gần 1.500 ca mắc SXH (chủ yếu tại Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa…), chiếm khoảng 1% tổng số ca của cả nước (miền Nam chiếm nhiều nhất với 82%). Tại phía nam, dịch SXH tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, TP lớn, khu công nghiệp.
Số mắc hiện đang tạm thời chững lại. Tuy nhiên, dịch SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vừa qua, từ tháng 5 – 7.2022, Bộ Y tế liên tục có các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ công tác phòng chống SXH tại một số tỉnh, thành.
Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư kiến nghị các viện, các địa phương cần tiếp tục giám sát đặc điểm tác nhân vi rút gây bệnh dịch như SARS-CoV-2, vi rút Dengue, bệnh tay chân miệng để đánh giá diễn biến dịch, độc lực vi rút phục vụ cho công tác phòng chống dịch và điều trị. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch tại tuyến; chủ động phân tuyến điều trị ca bệnh SXH, bao gồm các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị; cần hướng dẫn đến người dân nhận biết các dấu hiệu nghi mắc SXH; nhận biết các triệu chứng SXH tăng nặng phải đến bệnh viện ngay, tránh biến chứng nguy hiểm (sốc, xuất huyết não…), tử vong.
Đến nay, SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh:
Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…
Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà (Thanh niên, trang 4).
Nắng nóng bảo vệ sức khỏe ra sao?
Trong tuần này, khu vực miền Bắc và miền Trung dự báo nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở ngưỡng gây hại rất cao. Không những được cảnh báo cấp độ 1 về rủi ro thiên tai mà thời tiết này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Sống và làm việc trong tiết trời oi bức ở cả 3 miền, làm sao bảo vệ sức khỏe?
Phòng bệnh do nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở Bắc Bộ và khu vực miền Trung có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 – 37oC, có nơi trên 37oC. Tại Nam Bộ cũng có thời tiết hanh nóng. Dự báo nắng nóng ở những khu vực Bắc Bộ và miền Trung có khả năng kéo dài đến cuối tháng 7.
Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Những ngày qua, nhiều người dân ở miền Trung phải chịu cảnh “cháy da, vàng mắt” mỗi khi ra ngoài. Tiết trời oi bức, cộng với không khí hanh khô, cũng khiến nhiều người “ăn không nổi” và cơ thể đổ nhiều mồ hôi dù đang ở nhà.
Sống trong tiết trời oi bức, chị T.G. (24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) uống nước đá liên tục và thường xuyên mở máy điều hòa không khí nên có biểu hiện khô rát cổ họng. Chị G. cho biết thời tiết này khiến cơ thể rất khó chịu. Mỗi khi đi đường vào buổi trưa, chị cảm nhận mặt đường “bốc hơi” nóng rát vào mặt.
Dù đã đội nón, trang bị đồ dài tay, đeo khẩu trang nhưng bà L.T.S. cho biết vẫn cảm thấy khó chịu, rát da khi ra giữa sân phơi lúa. Khi bước vào nhà, bà bị hoa mắt, mọi vật đều là màu đen, mờ mờ và mất vài chục giây sau mắt bà mới nhìn lại được bình thường.
Để phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khuyến cáo người dân nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h. Người dân cũng cần lưu ý chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống.
Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Đặc biệt khi đi dưới trời nắng, dù cơ thể nóng bức, khó chịu thì không được tắm ngay, kể cả không tắm nhiều lần trong ngày.
Một sai lầm nhiều người mắc phải trong tiết trời oi bức được các bác sĩ khuyến cáo là thời gian ở phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh… Những hoạt động này vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Do đó, cần hạn chế ăn uống đồ lạnh, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể. Vì vậy cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Cẩn trọng đột quỵ, viêm màng não
Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa cấp cứu, cho biết tháng trước trong đợt nắng nóng cao điểm mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận lên tới 30 trường hợp, trong đó hơn một nữa là các ca nặng cần can thiệp cấp cứu. Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với những bệnh thường gặp là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải.
Viêm não, viêm màng não là bệnh thường gặp ở trẻ và gia tăng vào mùa hè. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải – phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não.
Bác sĩ Hải cũng cảnh báo, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, một triệu chứng khác là trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho. Nhưng đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm não.
Bác sĩ Hải thông tin, khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, phải xử trí liền bệnh viêm não cấp diễn tiến rất nhanh trong vòng 48 tiếng. Đối với các trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ hỗ trợ hô hấp, chống phù não, dùng thuốc kháng virus, hỗ trợ hồi sức, đảm bảo tim mạch…
Đối với đột quỵ vào mùa hè, các chuyên gia cũng cảnh báo mặc dù nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh nhân đột quỵ tăng cao nhưng đây là tác nhân quan trọng làm gia tăng nguy cơ. Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo đối với những người có sẵn bệnh lý nền cần mang theo thuốc điều trị. Khi ra ngoài trời cần mặc các bộ đồ thông thoáng, đội mũ, dùng ô che nắng, uống bù nước.
Đối với những người trẻ, khi tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời phải chú ý uống bù nước, tránh vận động mạnh vùng đầu cổ đột ngột gây tổn thương mạch máu vùng đầu cổ và không sử dụng chất kích thích làm huyết áp tăng vọt.
Theo bác sĩ Dương Thánh Sơn – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), nhiều người lúng túng khi chứng kiến người đột quỵ, nghĩ rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm. Bác sĩ Sơn cho rằng cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đột quỵ tới cơ sở y tế gần nhất (Tuổi trẻ, trang 14).
Thủ tướng yêu cầu quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết
Ngày 25-7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy).
Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 26-7 cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố vẫn đang ở mức cao. Trong tuần 29 (từ ngày 15 đến 21-7), TP.HCM ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết trong năm nay đã là 13 ca.
Tính đến ngày 21-7, thành phố ghi nhận 32.011 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 502 ca (Tuổi trẻ, trang 14; An ninh thủ đô, trang 6).
Ngọc Nga