Điểm báo ngày 18/8/2022

(CDC Hà Nam)
Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74 của Omicron; Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Không để dịch chồng dịch; Thêm 28.000 ống thuốc chống đông máu dùng trong mổ tim chuyển đến các bệnh viện; Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đồng loạt thiếu vật tư khám chữa bệnh…

Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74 của Omicron

Chiều ngày 17/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 của Omicron được ghi nhận. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ lây lan nhanh như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 08/8/2022 của Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1, nhất là thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, cả nước có 14.490 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngày đỉnh điểm số ca mắc lên đến gần 3.000, cao nhất trong hơn 3 tháng qua ở nước ta.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.370.462 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.631 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.035.040 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 99 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 90 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.

Cũng trong chiều ngày 17/8, Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, ngày 15/8/2022, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) ban hành Công văn số 917/DP-DT về việc tăng cường công tác quản lý báo cáo trường hợp mắc COVID-19, trong đó nội dung “Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện với các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1)”.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu, rà soát lại Cục Y tế dự phòng xin đính chính như sau: ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, tại Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74, KHÔNG phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin trong Công văn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Không để dịch chồng dịch’

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19 và các dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, không để “dịch chồng dịch”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 102/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với địa phương.

Nghị quyết nêu rõ, trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng khắc phục những hạn chế, bất cập, vượt qua khó khăn, thách thức, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả các đối sách, giải pháp phù hợp trên các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa, hợp lý cả trước mắt và lâu dài, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính… Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bảo đảm yêu cầu có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác phát sinh; quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng dịch trong tình hình mới.

Các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hóa thị trường tại địa phương, nhất là các hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, nhất là phải bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; không để xảy ra thiếu điện; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước gắn với tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19 và các dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, không để “dịch chồng dịch”; tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2022 – 2023, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định để đón học sinh, sinh viên tựu trường an toàn; bảo đảm chất lượng giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới, tài liệu và sách giáo khoa phục vụ học tập, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Thêm 28.000 ống thuốc chống đông máu dùng trong mổ tim chuyển đến các bệnh viện

Chiều 17/8, thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, có thêm 28.000 ống thuốc Protamin sulfat – thuốc cầm máu và chống đông máu, chỉ sử dụng trong quy trình mổ tim – lồng ngực đã về đến Việt Nam và được chuyển đến các bệnh viện.
Như vậy, với thêm 28.000 ống thuốc Protamin sulfat – thuốc cầm máu và chống đông máu này, các bệnh viện chuyên khoa tim mạch và cơ sở y tế triển khai mổ tim có thêm nguồn thuốc để sẵn sàng phục vụ nhu cầu mổ tim cho người bệnh.

Liên quan đến thuốc này, Thông tin từ Sở Y tế TP HCM tối 15/8 cho biết, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của thành phố có triển khai phẫu thuật tim hở đều khẳng định không thiếu thuốc Protamin và vẫn mổ tim cho bệnh nhân bình thường.

Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa của thành phố có triển khai kỹ thuật mổ tim như Viện Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP, tất cả đều báo cáo với Sở Y tế không có tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat – một hoạt chất không thể thiếu khi triển khai kỹ thuật mổ tim hở.

Tại bệnh viện chuyên phẫu thuật tim hàng đầu của thành phố như Viện Tim cho biết, hiện còn hơn 3.300 ống có thể đủ dùng trong 3 tháng và khi hết thuốc chắc chắn sẽ có nguồn thuốc khác bổ sung. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng TP hiện còn hơn 400 ống có thể sử dụng trong 1 năm…

Protamin sulfat là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm (được quy định tại thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế) nên được ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành.

Trước đó, ngày 14/8, Cục Quản lý Dược đã có văn bản về cung ứng thuốc Protamin sulfat gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; Các cơ sở nhập khẩu thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, vừa qua, có một số phản ánh về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat tại một số cơ sở khám, chữa bệnh.

Về nội dung này, Cục Quản lý Dược cho biết Protamin sulfat là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm (quy định tại thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019) nên được ưu tiên trong việc xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành tuy nhiên đến nay, chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat.

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, mặc dù số lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu là theo đúng số lượng dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu; tuy nhiên số lượng thuốc Protamin sulfat nhập khẩu vào Việt Nam sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại.

Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác. Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho thị trường Việt Nam; đồng thời, nếu chờ để sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).

Cũng tại văn bản này, Cục Quản lý Dược nêu rõ, do thuốc này là mặt hàng không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực, vì vậy, để đảm bảo kịp thời, cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; các cơ sở nhập khẩu thuốc nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý Dược liên quan đến việc cung ứng thuốc Protamin sulfat.

Cùng đó, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/08/2022 kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat trong thời gian tới (số lượng nhập, thời điểm dự kiến nhập); các nguy cơ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung (nếu có) và đề xuất các giải pháp khắc phục; Báo cáo về Cục Quản lý Dược về số lượng nhập khẩu thuốc Protamin sulfat ngay sau khi các lô thuốc này được nhập khẩu về đến cảng Việt Nam theo đúng quy định tại Khoản 21 Điều 91 Nghị định 54/2017/NĐ-CP. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đồng loạt thiếu vật tư khám chữa bệnh

Đoàn kiểm tra số 1 của BYT do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai và BV Tai mũi Họng TƯ (Chi tiết xem báo An ninh Thủ đô, trang 8).

Khi đi khám bệnh cần mang Căn cước công dân gắn chíp hay Thẻ Bảo hiểm y tế?

Gọi điện thoại đến Đường dây nóng Báo ANTĐ nhiều bạn đọc hỏi, khi đi khám bệnh tôi đều sử dụng Thẻ Bảo hiểm y tế, nhưng gần đây tôi được biết chỉ cần mang theo thẻ CCCD gắn chíp. Vậy, Thẻ BHYT cũ có còn giá trị sử dụng? Người chưa được cấp CCCD gắn chíp sẽ khám bệnh ra sao?
Mục 1, 2, 3 Công văn 931/BYT-BH của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp quy định nêu rõ, để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, trong đó cần lưu ý một số nội dung:

Cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

Với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp, trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Điều này rất thuận tiện, có thể đơn giản thủ tục hành chính tối đa khi thực hiện KCB trong trường hợp đột xuất KCB hoặc xảy ra rủi ro.Song, trong thời gian đầu bệnh nhân cần lưu ý mang theo thẻ BHYT giấy hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID kèm giấy tờ tùy thân có ảnh phòng trường hợp dữ liệu thẻ BHYT chưa được đồng bộ.

Với các cá nhân khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì nhân viên y tế giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp được tiếp đón theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Như vậy, hiện nay người dân khi đi khám chữa bệnh chỉ được dùng thẻ Căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ Bảo hiểm y tế trong các trường hợp theo quy định nêu trên. Với những cá nhân chưa được cấp CCCD gắn chíp hoặc đã được cấp nhưng chưa tích hợp mã Thẻ BHYT thì khi đi khám chữa bệnh vẫn mang theo Thẻ BHYT như bình thường.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tạo miễn dịch cộng đồng với dịch bệnh COVID-19 là một trong bốn mục tiêu của Chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong phiên bản cập nhật vào tháng 7.2022. Theo đó, mỗi quốc gia phấn đấu 70% dân số có miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Để cơ thể có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, hoặc là theo cách chủ động bằng cách tiêm vắc xin để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, hoặc là theo cách thụ động sau khi mắc bệnh cơ thể sẽ tạo ra kháng thể kháng lại virus.

Theo WHO, miễn dịch cơ thể có được từ nhiễm virus SARS-CoV-2, còn gọi là miễn dịch tự nhiên, có khả năng bảo vệ cơ thể ở nhiều mức độ khác nhau chống lại sự tái nhiễm, và nếu có tái nhiễm thì ngăn chặn khả năng bệnh trở nặng. Miễn dịch tự nhiên sẽ giảm tác dụng theo thời gian và khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn đối với các biến thể mới của virus. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Miễn dịch tự nhiên hay do tiêm vắc xin hiệu quả hơn

Theo Sở Y tế TP.HCM, tạo miễn dịch cộng đồng với dịch bệnh Covid-19 là một trong bốn mục tiêu của Chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong phiên bản cập nhật vào tháng 7.2022. Theo đó, mỗi quốc gia phấn đấu 70% dân số có miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Để cơ thể có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, hoặc là theo cách chủ động bằng cách tiêm vắc xin để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, hoặc là theo cách thụ động sau khi mắc bệnh cơ thể sẽ tạo ra kháng thể kháng lại virus.

Theo WHO, miễn dịch cơ thể có được từ nhiễm virus SARS-CoV-2, còn gọi là miễn dịch tự nhiên, có khả năng bảo vệ cơ thể ở nhiều mức độ khác nhau chống lại sự tái nhiễm, và nếu có tái nhiễm thì ngăn chặn khả năng bệnh trở nặng. Miễn dịch tự nhiên sẽ giảm tác dụng theo thời gian và khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn đối với các biến thể mới của virus. (Tuổi trẻ, trang 14).

Đà Nẵng: Không bắt buộc trẻ tiêm vắc xin mới được tới trường

Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin một số trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt buộc học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin để được đến trường. Nhiều phụ huynh nhận được thông báo từ nhà trường, giáo viên yêu cầu học sinh phải tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thậm chí có trường còn nhấn mạnh nếu học sinh không tiêm thì nhà trường từ chối nhận học sinh ăn ở bán trú.

Trước thông tin này, UBND TP Đà Nẵng và Sở GD&ĐT khẳng định không có chủ trương, văn bản quy định việc bắt buộc phải tiêm vắc xin mới được đến trường.

Các đơn vị chức năng chỉ tuyên truyền việc động viên phụ huynh cho học sinh trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu trước khi đến trường, đồng thời tạo môi trường an toàn để tổ chức dịch vụ bán trú ở các trường.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, thành phố phấn đấu 100% học sinh từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và tối thiểu 70% học sinh từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi có đủ điều kiện được tiêm các mũi cơ bản; tối thiểu 80% cán bộ, giáo viên có đủ điều kiện được tiêm các mũi nhắc lại trước khi bước vào năm học mới. (Tiền phong, trang 6).

Đưa bệnh nhân đi “mổ nhờ” vì thiếu thuốc, vật tư y tế

Làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn, lãnh đạo Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết phải gửi cả bệnh nhân sang cơ sở y tế khác để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân tăng gấp 5 lần không chỉ gây quá tải bệnh viện mà còn làm xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất… Hiện 2 đơn vị này vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu. Qua báo cáo của cả hai bệnh viện cho thấy, khó khăn chung là giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch dẫn đến tình trạng trượt thầu. Trong đó, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương có 262 danh mục gồm hóa chất, vật tư không chọn được nhà thầu. Tại Bệnh viện Bạch Mai 23%- 70% gói thầu hóa chất, vật tư dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu. Một số thuốc thiết yếu sử dụng trong điều trị tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc giải độc… cũng đang thiếu tại Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, giai đoạn cao điểm mùa hè, công suất tối đa giường bệnh là 98-100% (gồm 350 giường nội trú). Mỗi ngày 10 phòng mổ của bệnh viện thực hiện từ 80- 90 ca mổ. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang các nơi khác để thực hiện dịch vụ kĩ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh… “Đã có tình trạng bệnh nhân xin ra viện hoặc chuyển đến bệnh viện khác để điều trị; cùng đó bệnh viện phải áp dụng kĩ thuật, phương pháp cũ để điều trị cho người bệnh. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, chất lượng dịch vụ cũng như sự hài lòng của người bệnh đối với bệnh viện và chính nhân viên y tế cũng cảm thấy áp lực”, đại diện Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết có 18 Cty trúng thầu thuốc, vật tư chưa cung ứng đủ theo đơn đặt hàng của bệnh viện. Trong đó, một số thuốc thiết yếu thiếu ceftriaxone, cefazolin, amikacin, vancomycin, clindamycin… Đặc biệt, một số gói thầu hóa chất, vật tư y tế dùng trong tiêu hóa và can thiệp tim mạch trượt thầu với tỉ lệ từ 23 – 70%. Điều này đã gây ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.

Vẫn phải chờ

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng thuốc của doanh nghiệp. Nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kĩ thuật. Còn tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, lí do không lựa chọn nhà thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc không vượt qua vòng đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; kĩ thuật; 140 danh mục giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch…

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, đại diện các bệnh viện đề xuất, đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành, đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc độc, thuốc hướng tâm thần. Bổ sung hướng dẫn xử lí tình huống thay thế thuốc, mua sắm thuốc khi nhà thầu không cung ứng đủ thuốc. Đồng thời triển khai đấu thầu tập trung và cấp số đăng kí trang thiết bị y tế. Ngoài ra kiến nghị với một số thuốc biệt dược gốc nên thực hiện đàm phán giá, một số mặt hàng trang thiết bị y tế và vật tư nên tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia; xây dựng các cấu hình, thông số để tránh rơi vào bẫy chỉ định thầu.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các bệnh viện, ông Khuê đồng thời yêu cầu các bệnh viện cũng cần có báo cáo cụ thể hơn, đầy đủ về vấn đề này gửi cho đoàn để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế. “Chúng tôi cho rằng cũng có những vấn đề tháo gỡ được ngay, cũng có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh kiến nghị tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia tất cả các danh mục thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Về các giải pháp trước mắt là cơ quan quản lí cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn và xây dựng giá kế hoạch để đảm bảo cho các cơ sở y tế có thể mua sắm được. Đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản, quy trình và sớm ban hành các văn bản về đấu thầu để các bệnh viện có cơ sở thực hiện; Có văn bản hướng dẫn việc mua sắm các trang thiết bị chỉ có duy nhất 1 nhà cung cấp và làm dịch vụ sau bán hàng như bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa. (Tiền phong, trang 15).

Cấp tốc đặt hàng, mua sắm thuốc Protamin sulfat dùng trong mổ tim

Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20.8.2022 kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat (loại thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết), trong thời gian tới về số lượng nhập, thời điểm dự kiến nhập; các nguy cơ và tình trạng thiếu hụt nguồn cung (nếu có) và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Protamin sulfat – loại thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm dùng trong phẫu thuật tim mạch đang thiếu trầm trọng tại nhiều cơ sở y tế. Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, nhiều cơ sở y tế có nguy cơ phải… dừng mổ tim, người bệnh sẽ phải gánh chịu những nguy hiểm, những hậu quả khó lường.

Hết thuốc, bác sĩ không thể mổ tim cứu bệnh nhân

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, PGS-TS Đoàn Quốc Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức – cho hay: “Không chỉ ở trung tâm của tôi mà ở các nơi khác cũng đều thiếu như vậy. Đây là tình trạng chung tại các trung tâm, các khoa phẫu thuật tim mạch tại nhiều bệnh viện. Đối với các bệnh nhân có thể trì hoãn mổ thì chúng tôi buộc phải làm như vậy, chỉ ưu tiên phẫu thuật cho những bệnh nhân cấp cứu tối cấp. Chúng tôi phải sắp xếp cho các bệnh nhân có thể trì hoãn được và họ phải chờ”.

Theo bác sĩ Hưng, thiếu loại thuốc này thì không thể mổ được. “Đó là thuốc trung hòa đông máu. Muốn mổ tim thì phải có một loại thuốc làm loãng máu, sau khi mổ xong, buộc phải có một loại thuốc giải chất làm loãng máu để máu trở lại đông máu bình thường. Nếu không có loại thuốc này thì chúng tôi cũng bó tay” – bác sĩ Hưng nói.

“Ngoài thuốc đó ra thì nhiều loại thuốc men, kim chỉ khác cũng thiếu cả”- bác sĩ Hưng nói thêm.

TS-BS Phùng Duy Hồng Sơn – Trưởng khoa ngoại Tim mạch – Lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức – cho biết thêm về tình trạng này: “Thiếu thuốc, chúng tôi phải “giật gấu vá vai” mượn thuốc chỗ nọ chỗ kia để có thuốc làm cho bệnh nhân. Có thuốc để mà đi “vay” cũng là tốt rồi. Dù vay được, chỉ có thể túc tắc thôi chứ không đủ. Nhưng ở nhiều nơi mổ nhiều hơn như Bệnh viện Bạch Mai, có khi các bác sĩ phải dừng mổ. Hiện chúng tôi cũng hết thuốc rồi, chỉ dành để lại cho cấp cứu thôi”.

Theo bác sĩ Sơn, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện tình trạng thiếu loại thuốc này mà hầu như năm nào cũng gặp phải, nguyên nhân là do thuốc này là thuốc đặc chủng nên chỉ có 1 công ty nhập khẩu, rất dễ gặp… trục trặc. Việc thiếu thuốc, không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các bác sĩ…

Không chỉ có Bệnh viện Việt- Đức, Bệnh viện E cũng phải “vay” Bệnh viện Tim Hà Nội 20 ống, hay “vay” của Bệnh viện Bạch Mai… Thế nhưng, việc đi “vay” thuốc từ các cơ sở y tế khác chỉ là giải pháp tình thế, không thể đáp ứng đủ nhu cầu phẫu thuật tim mạch cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện vẫn phải giảm công suất phẫu thuật, như Bệnh viện E đã phải giảm công suất phẫu thuật từ 1,5 tháng nay xuống còn 50% so với mức bình thường. Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, hiện việc mua sắm thuốc Protamin sulfat cho bệnh viện đã hoàn tất, từ ngày 15.8, bệnh viện có thể quay lại thực hiện phẫu thuật như công suất trước đây.

“Nếu tình hình chưa được giải quyết trong 2 tuần tới, nguy cơ chúng tôi phải tạm dừng mổ tim- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Sinh Hiền chia sẻ với báo chí và cho hay thông thường, bệnh viện phẫu thuật 10 ca mổ phiên và 2 ca cấp cứu, nhưng gần đây giảm còn 5 ca mổ phiên và 3 ca cấp cứu/ngày.

Thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại

Theo Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, Protamin sulfat là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm (quy định tại thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30.8.2019) nên được ưu tiên trong việc xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở nào nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat.

Thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho một số cơ sở để nhập khẩu thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat (chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể: Dung dịch tiêm Prosulf (hoạt chất Protamin sulfat 10mg/ml); Dung dịch tiêm Pamintu 10mg/ml (hoạt chất: Protamin sulfat 10mg/ml).

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, mặc dù số lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu là theo đúng số lượng dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu; tuy nhiên số lượng thuốc Protamin sulfat nhập khẩu vào Việt Nam sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với số lượng dự trù hiện tại.

Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.

Trong khi đó, các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Do đó, trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng từ các cơ sở khám chữa bệnh với các cơ sở nhập khẩu thuốc và từ cơ sở nhập khẩu thuốc với các nhà cung cấp thuốc nước ngoài thì có thể dẫn đến việc có khoảng thời gian thiếu thuốc tạm thời khi cơ sở nhập khẩu của Việt Nam đặt hàng nhưng các nhà cung cấp thuốc nước ngoài không còn đủ hàng dự trữ để cung ứng theo yêu cầu cho thị trường Việt Nam; đồng thời, nếu để chờ sản xuất thêm thì cũng mất thời gian khá dài (khoảng vài tháng).

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, do Protamin sulfat là thuốc hiếm nguồn cung ứng và nhu cầu sử dụng thấp hơn so với các loại thuốc khác nên trong nhiều năm gần đây, Cục Quản lý Dược đều có Công văn gửi các Sở Y tế, Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ, các cơ sở nhập khẩu trong đó đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện/chỉ đạo thực hiện chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu thuốc Protamin sulfat để đặt hàng, mua sắm kịp thời.

Đối với các cơ sở nhập khẩu thuốc Protamin sulfat khẩn trương tổng hợp toàn bộ các dự trù của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lập kế hoạch và ký hợp đồng sớm với cơ sở sản xuất, cơ sở cung ứng thuốc nước ngoài nhằm đảm bảo các cơ sở này có thể chủ động trong việc sản xuất, cung ứng thuốc kịp thời cho thị trường Việt Nam, tránh thiếu thuốc do ký hợp đồng muộn.

Phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu để lập hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc Protamin sulfat theo đúng quy định và nộp hồ sơ về Cục Quản lý Dược ngay sau khi chuẩn bị xong hồ sơ và sớm nhập khẩu thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin sulfat về Việt Nam khi Cục Quản lý Dược cho phép.

Do đây là mặt hàng không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim – lồng ngực, vì vậy, để đảm bảo kịp thời, cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc bộ; các cơ sở nhập khẩu thuốc nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Quản lý Dược liên quan đến việc cung ứng thuốc Protamin sulfat. (Lao động, trang 7).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/4/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/1/2021

CDC Hà Nam