Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Bài toán khó với bệnh viện công lập
Ngày 22/8, trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đã gửi Bộ Y tế bản tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, 2 bệnh viện tuyến trung ương là Bạch Mai và K đều xin thay đổi mô hình tự chủ.
Chưa được tự chủ đúng nghĩa
Theo nhận định của các lãnh đạo bệnh viện, khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá nên khó lấy thu bù chi. GS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay việc tự chủ toàn diện bệnh viện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cùng những rào cản về pháp lí khác.
TS Lê Văn Quảng thông tin, đối với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền. “Do vậy, bệnh viện sẽ khó khăn trong việc chủ động đầu tư máy móc, thiết bị này. Và trong hai năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào. Hiện nay, một trong những thách thức để thực hiện tự chủ bệnh viện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đúng, ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn”, Giám đốc Bệnh viện K nói.
Đến tháng 9 này, Bệnh viện K đã đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. “Bệnh viện đã họp và phân tích những ưu nhược điểm của việc tự chủ toàn diện và mong muốn được tự chủ theo Nghị định 60 tương tự như ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai”, TS Quảng cho hay.
Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Ngoài khó khăn do dịch COVID-19, bệnh viện còn vướng về viện phí, bảo hiểm y tế đã lỗi thời, cách đây 4-5 năm, quy định giá quá thấp, chưa tính đúng, tính đủ khiến bệnh viện thu không đủ chi.
“Để bệnh viện tự chủ trong điều kiện thu không đủ chi thì không thể được. Hậu quả không chỉ Bạch Mai mà các bệnh viện công đang tự chủ tài chính cũng không bảo đảm lấy thu bù đủ chi”, ông Cơ nói. Đồng thời cho biết, trước khi tự chủ, phần lớn dự án tại bệnh viện là liên doanh, liên kết, tổng tài chính thu được dồi dào. Đến nay, không liên doanh, liên kết nữa, không còn thiết bị, máy y tế xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ bây giờ thu giá của bảo hiểm y tế, mà nguồn chi rất lớn, dẫn tới nguồn cán bộ chất lượng cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương cao hơn nhiều lần.
Cần đánh giá lại cơ chế tự chủ
Đề cập vấn đề khúc mắc hiện nay của ngành Y tế là tự chủ bệnh viện, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ. Như vừa rồi, Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình. Dù họ đã rất cố gắng nhưng làm gì cũng vướng. Do đó, cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện.
Ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. “Vậy, việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế”, lãnh đạo Bộ Tài chính đặt vấn đề. Ông cũng cho rằng, cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ban hành ngày 21/6/2021. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ. Nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60. Nếu không làm được thì dừng lại.
“Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện xương sống của hệ thống bệnh viện công, của ngành Y tế, nếu để các bác sĩ đi sang khu vực tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại. Trong khi đó, một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao… nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá (Tiền phong, trang 5).
Lý giải nguyên nhân các bệnh viện “hụt hơi” khi tự chủ toàn diện
Như ANTĐ đã đưa tin, một vấn đề rất “nóng” của ngành y tế trong tuần qua là thông tin Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên.
Giao tự chủ nhưng không giao đủ quyền, điều kiện cho bệnh viện tự chủ
Năm 2019, tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15-9, Chính phủ giao thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K và Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bạch Mai.
Tuy nhiên trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế ở tuần trước, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện.
Các nguyên nhân được lãnh đạo bệnh viện chỉ ra như: ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến bệnh nhân ít hơn làm giảm nguồn thu, giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí) dẫn đến thu không đủ chi; hay không còn nguồn thu từ thiết bị, máy y tế xã hội hóa…
Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn cho biết, ngay cả các điều kiện cơ bản về tự chủ như tự chủ bộ máy, tự chủ về giá, nhưng trong 2 năm qua Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ đủ điều kiện làm tự chủ.
Phân tích về việc này, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan đến cơ chế tài chính.
Tự chủ là bệnh viện phải tự chi trả toàn bộ lương nhân viên, tự thu tự chi. Muốn như vậy thì buộc phải tăng thu, song với những bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá, mà giá viện phí thì hiện còn thấp, chưa được tính đúng, tính đủ.
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, theo quy định thì bệnh viện tự chủ toàn diện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Hay về tổ chức bộ máy quy định Bệnh viện tự chủ toàn diện thì được thuê giám đốc nhưng giám đốc lại đang nhận lương theo thang, bảng lương của nhà nước. Điều này khác với tự chủ ở bệnh viện tư, theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, còn bệnh viện công được quản lý theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập.
Trách nhiệm của Bộ Y tế phải đánh giá, khởi xướng
Một số ý kiến khác phân tích, khi tự chủ toàn diện, các bệnh viện phải được quyền quyết định nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y tế.
Trong Nghị quyết 33 của Chính phủ cũng nêu rõ, khi thực hiện tự chủ, các bệnh viện được thực hiện “mô hình như doanh nghiệp”, có hội đồng quản lý gồm từ 7 – 11 người. Hội đồng quản lý có quyền thành lập, giải thể các bệnh viện thành viên; điều động, miễn nhiệm với tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc… có quyền thuê tổng giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện, Ban Giám đốc bệnh viện đều do Bộ Y tế bổ nhiệm.
Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. “Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế” – ông Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh giá, sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.
Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần?
“Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích, muốn tính đúng, tính đủ viện phí thì chỉ có cách là người dân đóng góp, tăng mệnh giá mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.
Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua BHYT thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ và phải tăng đầu tư ngân sách. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất.
“Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu (An ninh thủ đô, trang 8).
Giọt nước tràn ly ở bệnh viện Bạch Mai: Nửa vời tự chủ toàn diện?
Sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 của Chính phủ, mới đây Bệnh viện Bạch Mai chính thức xin dừng. Hơn 200 cán bộ y tế tại đây xin nghỉ việc, trong khi đó nguồn thu giảm hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2021 như giọt nước tràn ly khiến bệnh viện này không còn mặn mà với tự chủ toàn diện.
Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, cán bộ y tế ở đây được đánh giá có chuyên môn cao đầu ngành. Đây cũng là một trong 4 BV được cho thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm nhiều khuyết điểm đã dần bộc lộ.
Chỉ riêng tại BV Bạch Mai, trong số 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc có 113 người do kiện toàn, tinh gọn. 28 bác sĩ chuyển công tác, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học. Trong số bác sĩ chuyển sang nơi khác có những người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng khoa dược, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa thăm dò chức năng và phó trưởng phòng tổ chức cán bộ. Lý do khiến họ chuyển việc, thôi việc là do áp lực công việc cao trong khi thu nhập không tương xứng.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ khi tự chủ toàn diện từ ngày 17/2/2020, do không được cấp ngân sách, ảnh hưởng dịch nên bệnh nhân nội trú tại BV Bạch Mai giảm từ 3.200 người xuống 1.000 người. Giường bệnh xây dựng theo kế hoạch không sử dụng hết.
Nhiều bất cập
Từ ngày 19/5/2019 Chính phủ thống nhất phê duyệt đề án thí điểm tự chủ toàn diện đối với 4 bệnh viện gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân nhưng triển khai không khéo sẽ trở thành áp lực với bệnh viện và cả người bệnh. Thực tế 2 trong 4 bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ toàn diện là Bạch Mai và Bệnh viện K dù đã hết thời gian thí điểm nhưng các văn bản hướng dẫn quy định ban hành thống nhất cho các bệnh viện vẫn chưa có.
Trong báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ về tình hình thực hiện thí điểm tự chủ ở BV Bạch Mai và Bệnh viện K cho thấy, nhiều bất cập tại các bệnh viện này. Theo đó, tại BV Bạch Mai giá dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá BHYT, chưa được tính đúng, tính đủ. Trong 7 yếu tố cấu thành, hiện mới tính 4 yếu tố gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. Còn 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá BHYT… Kết quả là BV giảm doanh thu, nhân viên giảm thu nhập và nghỉ việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp về tự chủ bệnh viện vào tháng 4/2021 cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, cơ chế tự chủ cũng đang tạo ra nhiều khó khăn thách thức. Đó là liên quan tới việc tổ chức bộ máy, biên chế, các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm. Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm còn chưa rõ ràng.
Đại diện BV Chợ Rẫy cho biết, tự chủ ở bệnh viện công lập là xu thế tất yếu nhưng cần lộ trình, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến cuối. Thực tế lâu nay, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên về tài chính, cũng như các bệnh viện Bạch Mai, K, Việt Đức (Tiền phong, trang 5).
Giám đốc CDC Tiền Giang và ba thuộc cấp bị khai trừ Đảng do liên quan Việt Á
Chiều 22/8, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết đã thống nhất thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Chơn – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC Tiền Giang; ông Võ Thanh Bình – Đảng viên, Bí thư Chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang; ông Triệu Vương Tuyền – Chi ủy viên Chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang; ông Đặng Minh Uy – Đảng viên Chi bộ 2, Đảng ủy CDC Tiền Giang. UBKT Tỉnh ủy nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, Đảng ủy Trung tâm CDC Tiền Giang cũng còn có những hạn chế thiếu sót nhất định như: Để đơn vị thực hiện một số gói thầu có sai sót về trình tự thủ tục; công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, yêu cầu đảng viên nộp lại quà tặng.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin CDC một số địa phương có liên quan đến việc vi phạm của Công ty Việt Á, lãnh đạo Đảng ủy CDC tỉnh đã yêu cầu, động viên nếu có cá nhân nào nhận quà từ Công ty Việt Á, phải trung thực khai báo và nộp lại. Do đó, UBKT Tỉnh ủy thống nhất tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với Đảng ủy CDC Tiền Giang.
Đối với bốn cá nhân liên quan, có vi phạm trong việc nhận tiền từ nhân viên của Công ty Việt Á, nhưng không khai báo và nộp đúng quy định, UBKT Tỉnh ủy Tiền Giang thống nhất thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Tiền Giang thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với ông Trần Thanh Thảo – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế bằng hình thức khiển trách.
Theo UBKT Tỉnh ủy Tiền Giang, với vai trò Tỉnh ủy viên, Đảng ủy viên Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Bí thư Đảng ủy Sở Y tế, ông Trần Thanh Thảo đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Đảng bộ, cơ quan, ngành y tế Tiền Giang hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Thảo chưa thật sự kiểm tra sâu sát, quyết liệt và ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách dẫn đến cấp dưới là ông Nguyễn Văn Nguyện – nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ (Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 4; Thanh niên, trang 4).
Thuốc giá rẻ trúng thầu: Chất lượng điều trị còn bỏ ngỏ
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/8, PGS.TS chuyên ngành dược Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Giá thuốc điều trị có những mặt hàng đang rẻ không bằng một viên kẹo. Thuốc giá rẻ có đảm bảo được chất lượng điều trị hay không là câu hỏi cần phải có nghiên cứu cụ thể để trả lời cho cộng đồng”.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện trên cả nước đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vì vướng các quy định liên quan đến đấu thầu. Trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố lập Trung tâm mua sắm tập trung để mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị cho toàn hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Theo kế hoạch dự kiến thì cuối tháng 7 đầu tháng 8/2022 trung tâm sẽ được thành lập. Tuy nhiên, đến nay trung tâm mua sắm tập trung của thành phố vẫn chưa thể chính thức ra mắt.
Đề cập đến vấn đề đấu thầu thuốc, bà Phong Lan cho rằng, thuốc điều trị bệnh là mặt hàng không phải muốn mua sắm là có ngay mà phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu, kiểm định, cấp phép… Nếu các bệnh viện đấu thầu thì “cái bánh” của thị trường thuốc sẽ chia đều cho nhiều công ty. Nếu đấu thầu tập trung, chỉ có 1 đơn vị trúng thì những công ty còn lại nguy cơ đóng cửa. Hiện nay, thị trường dược của Việt Nam là thị trường manh mún, công ty nhỏ lẻ, trước khi thực hiện đấu thầu tập trung thì phải tổ chức triển khai được phương án liên doanh, liên kết để tạo thành chuỗi cung ứng bền vững.
“Thực tế danh mục đấu thầu thuốc trúng bảo hiểm y tế thời gian qua cho thấy, những tên tuổi “rất lạ” đang chiếm đa số. Tôi không có cơ sở để khẳng định rằng thuốc rẻ là thuốc không đảm bảo chất lượng. Hiệu quả điều trị ra sao cần phải căn cứ trên những nghiên cứu cụ thể, đây cũng là giải pháp để phát hiện, ngăn chặn thuốc dỏm, thuốc giả bảo vệ người bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay ngành y tế vẫn lần lữa, không có nghiên cứu đánh giá nhóm thuốc giá rẻ trúng thầu ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và thời gian điều trị của bệnh nhân”- PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Theo bà Phong Lan, việc đánh giá chất lượng thuốc nếu chỉ mang thuốc giá rẻ đi kiểm nghiệm thì các loại thuốc này vẫn sẽ đầy đủ các hoạt chất. Tuy nhiên, người trong ngành sẽ hiểu được các mánh lới, tại sao loại thuốc biệt dược gốc (patent) độc quyền của hãng lại có giá cao gấp hàng chục lần so với thuốc nhượng quyền (generic). Ngay cả thuốc nhượng quyền generic cũng có sự khác biệt rất lớn giữa đơn vị sản xuất có uy tín, thương hiệu và thuốc được sản xuất bởi những công ty nhỏ lẻ. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách khách quan trên cơ sở vì quyền lợi của người bệnh.
“Việc đánh giá chất lượng của thuốc trong điều trị cần phải được nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, muốn khách quan và công tâm thì phải để các bác sĩ trực tiếp điều trị thực hiện. Điều quan trọng nhất là tác dụng trị liệu trên người bệnh chứ không phải là thông tin công bố sản phẩm từ nhà sản xuất, bởi giữa thông tin công bố và thực tế sản xuất có thể tồn tại khoảng cách rất lớn về chất lượng” – bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề TPHCM lập trung tâm mua sắm tập trung để đấu thầu các loại thuốc, trang thiết bị y tế, bà Phong Lan cho rằng, đây là phương án khó thực hiện. “TPHCM triển khai lập trung tâm mua sắm tập trung nhưng vẫn không giải quyết được những vấn đề mấu chốt của đấu thầu là giá thuốc càng ngày càng rẻ thì sẽ rơi vào tình thế lợi bất cập hại. Thay vì có đa dạng thuốc để cho nhiều bệnh viện sử dụng thì việc đấu thầu tập trung sẽ chỉ khu trú lại trong một mặt hàng cho mỗi nhóm thuốc. Nếu mặt hàng trúng thầu bị đứt hàng thì cả hệ thống y tế của thành phố sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”- bà Lan nói thêm.
Cũng theo bà lan, Nguyên tắc khi đấu thầu 1 năm thì đơn vị chào giá rẻ nhất sẽ trúng thầu. Giá trúng thầu sẽ được đưa lên mạng quốc gia và trở thành giá kế hoạch. Căn cứ giá kế hoạch, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch thầu, mức giá trúng thầu của năm sau sẽ không được vượt giá kế hoạch của năm trước. Như vậy, việc đấu thầu của năm sau sẽ tiếp tục lựa chọn ra một đơn vị cung cấp thuốc với mức giá thấp hơn năm trước. Nếu theo quy trình này, giá thuốc sẽ giảm dần và sẽ bằng 0, điều này trái với quy luật thị trường”.
Khi đấu thầu tập trung, các mặt hàng có mức giá thấp nhất sẽ được lựa chọn, tuy nhiên giá thấp sẽ đi kèm với chất lượng tương đương. Điển hình cho thực tế trên là vấn đề được TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phản ánh về việc dao mổ giá rẻ bệnh viện mua sắm qua đấu thầu phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với ngành y tế (ngày 21/8) (Tiền phong, trang 5).
Người về từ quốc gia có dịch đậu mùa khỉ cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày
Ngày 22.8, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2265/QĐ-BYT về ‘Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ’.
Đến ngày 21.8, VN chưa ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ. Theo “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ” (gọi tắt: hướng dẫn), người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành thì cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh, hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người.
Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch, cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị.
Dấu hiệu nghi ngờ
Theo hướng dẫn, trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là: có dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…), phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn; và kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt trên 38,5°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi; và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
Trường hợp bệnh xác định là khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gien.
Giám sát bệnh từ cửa khẩu
Về giám sát nhập cảnh, theo hướng dẫn, tại cửa khẩu sẽ giám sát thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.
Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ.
“Căn cứ kết quả khám, khai thác dịch tễ để quyết định chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Ngoài ra, sau nhập cảnh, hành khách nên hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người”, hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết (Thanh niên, trang 15; Nhân dân, trang 7).
Ngọc Nga