Những yếu tố nguy hại người bệnh suy tim cần tránh xa

(CDC Hà Nam)

Suy tim là một hội chứng bệnh lý rất thường gặp và là hậu quả của nhiều bệnh về tim mạch. Nhiều bệnh nhân suy tim rất có thể xảy ra đột tử bất kỳ lúc nào mà không thể dự báo trước được…

 Suy tim là vấn đề rất thường gặp ở người lớn tuổi có thể khiến người bệnh mất khả năng lao động, giảm chất lượng sống, trong sinh hoạt thường ngày. Bệnh gây tốn kém sức lực và kinh tế cho bản thân và gia đình vì nhập viện nhiều lần.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân suy tim rất có thể xảy ra đột tử bất kỳ lúc nào mà không thể dự báo trước được. Nếu điều trị đúng thì có thể giảm nguy cơ đột tử, giảm suy tim tiến triển và kéo dài tuổi thọ. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, cần có thái độ lạc quan, lối sống lành mạnh… để đem đến một tiên lượng khả quan.

  1. Biểu hiện suy tim mạn tính

Tùy thuộc giai đoạn bệnh và tình trạng suy tim trái, suy tim phải hay suy tim toàn bộ mà triệu chứng có thể khác nhau:

 Nếu suy tim trái: Người bệnh có biểu hiện khó thở khi gắng sức, cơn hen tim và phù phổi cấp. Bệnh nhân khó thở dữ dội, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp và tiếng ran ẩm dâng lên nhanh chóng từ hai đáy phổi.

Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như: mệt mỏi do giảm cung lượng tim, ho, đau ngực, đái ít… Bên cạnh các triệu chứng có thể gặp của một số bệnh van tim (nếu có) đã gây nên suy thất trái, các dấu hiệu thường gặp là: tần số tim nhanh, tiếng ngựa phi trái, thổi tâm thu do hở hai lá cơ năng…

Huyết áp động mạch tối đa thường giảm, huyết áp tối thiểu lại bình thường nên số huyết áp chênh lệch thường nhỏ đi.

Nếu suy tim phải: Người bệnh sẽ có biểu hiện khó thở: khó thở thường xuyên, ngày một nặng dần nhưng không có các cơn kịch phát như trong suy tim trái. Bệnh nhân có cảm giác đau tức vùng hạ sườn phải (do gan to). Mệt mỏi, tiểu ít, khi thăm khám bác sĩ sẽ thấy biểu hiện gan to, lúc đầu gan to căng do ứ nước, khi điều trị thuốc lợi tiểu thì gan nhỏ đi , về sau gan trở nên xơ cứng.

Ngoài ra bệnh nhân còn có biểu hiện khác như: Tím da và niêm mạc, phù mềm, lúc đầu chỉ khu trú ở hai chi dưới, về sau nếu suy tim nặng thì có thể thấy phù toàn thân, tràn dịch các màng (tràn dịch màng phổi, màng bụng…).

Ngoài các triệu chứng của bệnh đã gây ra suy tim phải ta còn có thể thấy tần số tim thường nhanh, đôi khi có tiếng ngựa phi phải, tiếng thổi tâm thu nhẹ ở trong mỏm hoặc ở vùng mũi ức do hở van ba lá cơ năng. Tiếng thổi này thường rõ hơn khi hít vào sâu…

 Nếu suy tim toàn bộ: Thường là bệnh cảnh của suy tim phải ở mức độ nặng nên người bệnh thường có biểu hiện khó thở thường xuyên, phù toàn thân. Gan to nhiều, tĩnh mạch cổ nổi to, thường có thêm tràn dịch màng phổi, màng tim hay cổ chướng. Huyết áp tối đa hạ, huyết áp tối thiểu tăng, làm cho huyết áp trở nên kẹt.

  1. Người bệnh suy tim mạn tính cần phải làm gì?

Tùy từng bệnh nhân, nguyên nhân, mức độ suy tim mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Tuy nhiên, những biện pháp điều trị chung cho tất cả các loại nguyên nhân gây ra suy tim, chế độ không dùng thuốc, dùng thuốc và can thiệp.

Để giảm những nguy hại hệ lụy không mong muốn người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi. Đây là một việc khá quan trọng vì góp phần làm giảm công việc của tim. Tuy nhiên, cần hiểu nghỉ ngơi theo ý nghĩa linh hoạt. Tùy mức độ suy tim mà có chế độ nghỉ ngơi, tập luyện khác nhau.

Bệnh nhân suy tim nhẹ với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch vẫn cần khuyến khích tập luyện thể lực nhưng không được gắng sức nặng hay thi đấu thể thao.

Khi suy tim nặng hơn cần hoạt động nhẹ hơn và trong trường hợp suy tim rất nặng thì phải nghỉ tại giường theo tư thế nửa nằm nửa ngồi.

Trong trường hợp suy tim mà bệnh nhân phải nằm điều trị lâu ngày, nên khuyến khích bệnh nhân xoa bóp, lúc đầu là thụ động, sau đó là chủ động ở các chi, nhất là hai chi dưới để làm cho máu tĩnh mạch trở về tim được dễ dàng hơn, giảm bớt các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Dinh dưỡng cũng quan trọng với bệnh nhân suy tim, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn của mình khi được các bác sĩ điều trị khuyến cáo.

Chế độ ăn giảm muối hoặc chế độ ăn gần như nhạt hoàn toàn và cần hạn chế lượng nước và dịch dùng cho bệnh nhân hàng ngày nhằm giảm bớt khối lượng tuần hoàn và giảm gánh nặng với tim.

Nói chung, chỉ nên dùng cho bệnh nhân khoảng 500 – 1000 ml lượng dịch đưa vào cơ thể mỗi ngày tùy mức độ suy tim nặng hay nhẹ.

Người bệnh suy tim cần có một lối sống khoa học, loại bỏ các yếu tố nguy cơ có hại như:

Bỏ thuốc lá, cà phê…

Giảm cân nặng ở những bệnh nhân béo phì.

Tránh các xúc cảm mạnh (stress).

Ngừng những thuốc làm giảm sức bóp của cơ tim nếu đang dùng.

Tránh các thuốc giữ nước như corticoid; NSAID… và điều trị những yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy tim như thiếu máu, nhiễm trùng, rối loạn nhịp tim…

Thanh Huyền

Bài viết liên quan

Sơ cứu đúng bệnh nhân co giật do động kinh

Ngọc Nga

Kiểm soát tăng huyết áp buổi sáng

Ngọc Nga

Tiêm phòng cúm cho trẻ em sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng

Ngọc Nga