Vận động thể lực cách khắc phục mệt mỏi hiệu quả

(CDC Hà Nam)

Có rất nhiều nguyên nhân gây mệt mỏi. Biểu hiện cơ thể uể oải, nặng nề, khó chịu, năng lực hoạt động của cơ thể tạm thời bị giảm sút…

 1.Nguyên nhân gây mệt mỏi

Theo y học hiện đại, nguyên nhân sinh mệt mỏi tùy thuộc vào những hoạt động khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là do hệ thống thần kinh trung ương, bộ phận chỉ huy bị mệt mỏi trước tiên.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như:

Thiếu oxy do làm việc nặng mà không kịp thở hoặc làm việc nơi không thoáng khí.

 Thiếu chất bồi dưỡng do làm việc lâu, cơ thể bị đói gây hạ đường huyết … người sẽ mệt mỏi.

 Có nhiều chất độc tích lũy trong cơ thể do phổi hoạt động kém, khí carbonic ứ đọng không được thải bỏ kịp thời.

Nhiệt độ cơ thể tăng: Khi làm việc ở nơi nhiệt độ cao, ngoài nắng cũng có thể gây mệt mỏi.

Cơ thể bị mất nước: Khi cơ thể bị mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, đưa đến cảm giác mệt mỏi.

 Các bệnh về mắt cũng có thể là căn nguyên gây mệt mỏi mạn tính.

Theo y học cổ truyền, những thể bệnh khác nhau sẽ dẫn tới mức độ mệt mỏi khác nhau:

Mệt mỏi do khí hư: Nhiều bệnh tác động lên cơ thể khiến khí ở các tạng phủ bị tổn thất lâu ngày không khỏi, gây ra mệt mỏi…

Mệt mỏi do tỳ hư: Do sử dụng quá nhiều đồ ăn béo ngọt khiến cơ thể tích nước, tụ thấp sinh đờm, gây cản trở sự trao đổi của tân dịch, khiến khí vận hành không thông.

Mệt mỏi do đờm đục (cholesterol và chất béo dư thừa tạo ra): Do ăn uống quá độ và lười vận động, hoặc người cơ thể quá béo, đờm sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sự tuần hoàn của khí huyết gây mệt mỏi.

  1. Khắc phục mệt mỏi bằng vận động thể lực

Trước hết cần khắc phục được những nguyên nhân trên, bên cạnh đó ngoài việc nghỉ ngơi tích cực thì việc vận động thể lực là cách khắc phục mệt mỏi hiệu quả nhất.

Nghỉ ngơi tích cực có nhiều hình thức đa dạng: Khi học tập, nghiên cứu, nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể nghe nhạc để thư giãn hoặc làm những công việc lao động chân tay như làm việc nhà, chăm sóc cây…

Nếu cảm thấy cơ thể mệt mỏi mà không hoạt động thì cảm giác mệt mỏi sẽ tích tụ lại, khiến cơ thể rơi vào vòng tuần hoàn ác tính không muốn vận động. Do đó, cho dù mệt mỏi, bạn cũng phải vận động, tốt hơn cả là tập thể dục.

Một số động tác thể dục giúp làm giảm mệt mỏi là các động tác vận động cơ kết hợp với thở sâu như sau:

Động tác uốn cong

Đứng với chân rộng bằng vai, đầu gối hơi trùng, hai tay đan vào nhau để phía sau đầu.

Giữ lưng thẳng, từ từ uốn cong người về phía trước cho đến khi lưng song song với mặt đất, giữ trọng lượng ở gót chân và hông.

Trở về tư thế đứng ban đầu. Làm lại nhiều lần.

Động tác đứng thẳng

Đứng thẳng, lưng sát vào một bức tường sao cho cột sống chạm vào tường từ vai đến hông.

Giơ tay sang ngang, song song với sàn nhà và áp sát vào tường. Từ từ đưa tay thẳng lên cao hết sức có thể.

 Hạ xuống vị trí bắt đầu. Làm lại nhiều lần như vậy.

Động tác nghiêng người

 Ngồi trên một chiếc ghế, hai tay đan vào nhau đặt phía sau đầu.

Thở căng ngực. Uốn cong người sang trái, từ thắt lưng trở xuống vẫn giữ thẳng. Trở lại tư thế trước đó và nghiêng mình sang phải.

Làm lại lần lượt vài lần mỗi bên.

Các động tác vận động cơ, uốn cong, đứng thẳng, nghiêng người…kết hợp với thở sâu để cơ duỗi cột sống và cơ căng lồng ngực hoạt động sẽ tạo nên những xung động và cảm ứng thần kinh rất lớn. Các nhà khoa học đã chứng minh khi các cơ vận động thì thần kinh trung ương được nạp thêm năng lượng, đó cũng là cơ sở của sự nghỉ ngơi tích cực, giúp giảm mệt mỏi hiệu quả.

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Người bị viêm cầu thận cần hạn chế những thực phẩm nào để kiểm soát bệnh?

CDC Hà Nam

Các biểu hiện nặng của bệnh viêm phổi ở trẻ em

Ngọc Nga

Trẻ sơ sinh có nên tắm hàng ngày không?

Ngọc Nga