Ai dễ mắc bệnh sa sút trí tuệ?

(CDC Hà Nam)

Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình mà người cao tuổi ở nước ta thường mắc phải, điều này kéo theo những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật.

 Sa sút trí tuệ hay thường gọi là mất trí, là một quá trình suy giảm nhận thức gây ra các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, hiểu, tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và phán đoán.

Ngoài suy giảm trí nhớ, sự suy giảm nhận thức có thể đi kèm việc giảm khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi xã hội, ví dụ như dễ bị kích thích, lo lắng, biến đổi nhân cách và hành vi.

Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể bắt gặp ở nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt phổ biến nhất là căn bệnh Aizheimer bệnh này chiếm 60% đến 80% tổng số các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

  1. Nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ, trong đó hay gặp nhất là các nguyên nhân sau.

– Sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi (chiếm 65% sa sút trí tuệ ở các nước phương Tây). Khởi phát và tiến triển mơ hồ. Trí nhớ thường bị ảnh hưởng đầu tiên, theo sau là ngôn ngữ và định hướng không gian.

Sự minh mẫn và phán đoán ít bị ảnh hưởng khi khởi bệnh, nhưng sau vài năm tất cả các khía cạnh của trí năng đều bị ảnh hưởng, bệnh nhân trở nên yếu đuối, không ổn định.

– Sa sút trí tuệ với các thể Lewy

Sa sút trí tuệ với các thể Lewy chiếm khoảng 15% sa sút trí tuệ ở các nước phương Tây. Triệu chứng về trí năng tương tự như trong Alzheimer, nhưng có nhiều khuynh hướng phát triển, ảo giác thị giác và các đợt lú lẫn.

Các thuốc hướng thần kinh có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh Parkinson, thậm chí gây tử vong.

 Sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu

Với nguyên nhân này sa sút trí tuệ chiếm khoảng 10%, gây ra do bệnh lý mạch máu nhỏ trong não, đái tháo đường, dẫn đến tổn thương chất trắng dưới võ não lan rộng.

Một số trường hợp do xơ vữa động mạch cảnh, gây nhồi máu não đa ổ. Biểu hiện bằng các đợt tiến triển kèm theo các triệu chứng như đột quỵ.

– Sa sút trí tuệ do các bệnh lý trong não tiến triển

Trong các bệnh lý thì u não lớn vùng trán và thái dương có thể gây giảm trí năng nặng, trước khi có biểu hiện tăng áp lực nội sọ, yếu liệt.Tụ máu dưới màng cứng mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, nghiện rượu hoặc đang dùng kháng đông. Bệnh nhân thường không nhớ các chấn thương đầu trước đó, dần dần trở nên buồn ngủ, không vững và giảm trí năng trong vài tuần, dấu yếu liệt thường xuất hiện trễ.

Người ta ghi nhận bệnh xơ cứng rải rác nặng cũng có thể gây ra sút trí tuệ, với dao động cảm xúc. Ngoài ra, sa sút trí tuệ do ảnh hưởng thùy trán, biểu hiện hành vi bộc phát và không hợp lý như trong bệnh Huntigton, bệnh nơ-ron vận động và bệnh Pick. Bệnh nhân không biết các vấn đề của mình, thường từ chối giúp đỡ.

Ngoài ra, những người nghiện rượu, nghiện ma túy có liên quan đến chứng mất trí. Bệnh nhân, đặc biệt là những người già, có thể nhầm lẫn và lãng quên trong khi sử dụng thuốc, đặc biệt là, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau và thuốc chống co giật.

Nhiễm trùng, nội tiết… có thể gây sa sút trí tuệ, thông qua viêm não do HIV hoặc do biến chứng suy giảm miễn dịch thần kinh trung ương

  1. Ai có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ?

Với những nguyên nhân trên, nhiều người thường lo lắng vậy ai là người dễ mắc phải căn bệnh này. Trên thực tế, người càng cao tuổi thì sẽ đối diện với nguy cơ cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tìm ra những người có các yếu tố nguy cơ sau dễ bị sa sút trí tuệ hơn đó là:

– Người mắc huyết áp: Nếu người tăng huyết áp ở tuổi trung niên, có liên quan đến quá trình thoái hóa thần kinh hoặc gây teo não; ngược lại ở nhóm tuổi già,  dường như báo trước khả năng bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

– Người béo phì ở tuổi trung niên có liên quan đến tăng nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già.

– Người đái tháo đường

– Người mắc bệnh tim: Nếu mắc bệnh tim mạch thường phối hợp với tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

– Người bệnh mạch máu não: Nếu người bệnh mắc nhồi máu não đa ổ, đột quỵ dễ mắc sa sút trí tuệ hơn, vì đây là yếu tố nguy cơ chính gây sa sút trí tuệ sau đột quỵ.

– Ngườ tăng mỡ máu: Nếu uống rượu quá mức có thể gây sa sút trí tuệ do rượu và làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ do mạch máu.

Ngoài ra, sa sút trí tuệ còn liên quan đến một số nghiên cứu cho thấy có liên quan giữa chế độ ăn nhiều mỡ bão hòa với tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer…

  1. Biểu hiện của sa sút trí tuệ

Triệu chứng thể hiện qua nhiều giai đoạn.

– Giai đoạn đầu người bệnh có thể suy giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tính tình, dễ nóng giận và kích động. Ở giai đoạn tiếp theo người bệnh khó khăn trong tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu thông tin mới, rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể gặp hoang tưởng bị ám hại, vô cớ tấn công người khác.

– Ở giai đoạn nặng người bệnh mất toàn bộ khả năng sinh hoạt, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh không nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại.

  1. Lời khuyên thầy thuốc

Sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, cần nâng cao sự hiểu biết và cách phòng ngừa bệnh trong cộng đồng.

Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối. Tăng cường luyện tập thể thao, chơi các trò chơi trí tuệ, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội, sống vui vẻ, lạc quan.

Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế rượu, bia, thuốc lá và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, Parkinson, phòng ngừa đột quỵ…

Trên thực tế dấu hiệu bệnh thường hay bị bỏ sót, nếu phát hiện thì đã bước vào giai đoạn trung bình hoặc nặng. Việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu và cũng giúp quá trình điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu

CDC Hà Nam

Bệnh nhân COVID-19 bị mất mùi vị – Cần làm gì?

Ngọc Nga

Nhận biết dấu hiệu viêm da ở trẻ trong mùa nắng

Ngọc Nga