Những biểu hiện và cách phòng ngừa Bệnh viêm phổi ở trẻ em

(CDC Hà Nam)

Vào thời điểm giao mùa là lúc khí hậu nước ta có nhiều biến đổi thất thường tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, đặc biệt là các bệnh về hô hấp ở trẻ em. Thời điểm này trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi nhất là ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp đặc biệt là bệnh viêm phổi, bệnh nặng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng nhu mô phổi do các mầm bệnh như Liên cầu khuẩn, Phế cầu… hoặc vi rút gây ra.

Viêm phổi thường xảy ra khi gặp các điều kiện thuận lợi như: Cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột do thời tiết; uống đồ lạnh; ngồi trong phòng điều hòa lâu; trẻ ra nhiều mồ hôi không được lau khô khiến trẻ bị lạnh thấm ngược; hoặc trẻ tắm ngay sau khi đi chơi về chưa kịp lau khô mồ hôi, tắm lâu khiến cơ thể nhiễm lạnh cũng dẫn tới viêm phổi…

Những trẻ có cơ thể suy yếu, lười ăn, suy dinh dưỡng, thiếu chất càng có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch kém phát triển.

Dấu hiệu nhận biết của bệnh

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39 – 40oC, hoặc sốt tăng dần kèm theo ho khan trong những ngày đầu, ho khạc ra nhiều đờm mủ xanh vàng, thở nhanh, thở khò khè, bỏ bú, hoặc ngủ li bì là những triệu chứng điển hình của viêm phổi. Bố mẹ nên cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ

– Cho trẻ bú sữa mẹ, bú sớm ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.

– Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung cần đủ 4 nhóm thực phẩm (Ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả).

– Mùa hè thời tiết nóng bức khó chịu, nhưng không vì thế mà cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm để lâu trong tủ lạnh càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó không loại trừ viêm phổi.

– Nếu trong phòng có điều hòa thì không nên để chế độ lạnh dưới 25 độ, để trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát, cũng không nên để trẻ ra quá nhiều mồ hôi, nếu không kịp lau khô trẻ sẽ dễ bị cảm lạnh.

– Chú ý vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và than bụi trong nhà.

– Theo dõi lịch tiêm chủng và đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.

– Nếu trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.

– Nếu trẻ có những biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp như cảm lạnh, viêm mũi, họng thì cần được phát hiện và xử lý sớm, chăm sóc tốt để ngăn chặn bệnh chuyển sang viêm phổi.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Cách chăm sóc đúng khi trẻ mắc thủy đậu để tránh bị sẹo

Ngọc Nga

Top các thực phẩm giúp trẻ tăng chiều cao

Ngọc Nga

Rối loạn khứu giác hậu COVID-19: Khi nào có thể hồi phục ?

Ngọc Nga