Viêm tai giữa cấp mủ ở trẻ và những điều cần biết

(CDC Hà Nam)

 Viêm tai giữa cấp mủ là một bệnh lý hay gặp ở trẻ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

 Cấu trúc giải phẫu tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tai ngoài: gồm vành tai, ống tai.

Tai giữa: gồm màng nhĩ, chuỗi xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp), các thông bào xương chũm, vòi Eustachian là ống thông giữa hòm nhĩ với thành sau họng.

Tai trong: gồm các ống bán khuyên có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể và ốc tai có nhiệm vụ tiếp nhận âm thanh sau đó mã hóa và chuyển lên não.

Thế nào là viêm tai giữa cấp mủ?

Viêm tai giữa cấp mủ là tình trạng viêm và tạo mủ trong tai giữa do vi khuẩn gây nên, thời gian dưới 12 tuần.

Vì sao trẻ dễ viêm tai giữa cấp mủ?

Sức đề kháng của trẻ em còn yếu nên rất dễ bị viêm mũi họng, dễ nôn trớ khiến dịch dạ dày và sữa trào vào vòi nhĩ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm tai giữa hình thành và phát triển.

Vòi nhĩ nối giữa tai và mũi họng của trẻ em ngắn, nằm ngang hơn so với người lớn nên viêm nhiễm ở mũi họng dễ lan lên tai.

Dấu hiệu viêm tai giữa cấp mủ ở trẻ?

Thông thường, trẻ đang viêm mũi họng xuất hiện triệu chứng gợi ý viêm tai giữa:

Sốt cao hơn

Trẻ lớn có thể kêu đau tai, ù tai, nghe kém hơn trước.

Trẻ nhỏ hay lắc đầu, lấy tay dụi vào tai, quấy hơn, khóc khi chạm vào tai khi tắm, thay áo hoặc bế nằm nghiêng về tai bị viêm.

Chảy dịch ở tai xuất hiện khi có thủng màng nhĩ, mủ chảy ra ngoài ống tai.

Một số trẻ thường đồng thời gặp vấn đề về tiêu hóa như: đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, có thể nôn mửa

Biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa cấp mủ?

Viêm tai giữa thể cấp tính ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.Biến chứng cấp tính: viêm xương chũm cấp, tổn thương viêm từ tai giữa lan sang các cơ quan lân cận gây biến chứng tại các cơ quan này như viêm màng não, áp xe não, liệt mặt do tổn thương dây thần kinh mặt…

Tình trạng ứ mủ trong tai giữa kéo dài gây ảnh hưởng đến các xương con (viêm xương, cứng khớp xương con) gây nghe kém, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc khiến trẻ chậm nói.

Cách phòng bệnh cho trẻ?

Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội.

Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ,

Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ và để các đồ vật không sạch sẽ cách xa tầm với của trẻ.

Giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, gan bàn chân khi thời tiết lạnh..

Điều trị sớm các bệnh viêm mũi họng khi trẻ có biểu hiện, tránh triệu chứng nặng lên.

Khuyến khích cho con bú sữa mẹ, nếu cho trẻ bú bình hãy giữ trẻ ngồi thẳng và tránh cho bú khi đang nằm.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Các địa phương phải quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới Omicron

Ngọc Nga

Ngành Y tế quyết liệt dập các ổ dịch sốt xuất huyết

Ngọc Nga

Loãng xương ở tuổi 30

hanh phan