Phòng bệnh cho trẻ khi trời nồm ẩm

(CDC Hà Nam)

Thời tiết nồm, ẩm ướt kéo dài khiến không khí ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút, nấm mốc gây bệnh phát triển… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho bé trong những ngày nồm ẩm kéo dài, cần chăm sóc và phòng bệnh cho bé đúng cách.

Thời tiết hiện nay đang bước vào giai đoạn đặc trưng của mùa xuân;Vì vậy trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết. Nền nhiệt độ ẩm thấp còn tạo điều kiện cho các vi rút gây các bệnh về đường hô hấp như: cảm, cúm, viêm phế quản và viêm phổi. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Sốt vi rút cũng là một bệnh thường phát ở trẻ em mùa nồm. Khi trẻ em mắc bệnh này sẽ có tình trạng ho, sốt kéo dài, tuy nhiên, đây là bệnh không ảnh hưởng lâu dài hay nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Bệnh có thể khỏi nhanh nếu được chăm sóc tốt.

Ngoài các bệnh liên quan đến hô hấp, thời tiết nồm, ẩm cũng khiến trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn, do nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm vi rút đường ruột, đặc biệt là vi rút rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da,…

Cách tốt nhất để trẻ không bị mắc các bệnh trong mùa nồm là cần có những giải pháp để phòng bệnh đúng cách, bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây bệnh trong kiểu thời tiết khó chịu này.  Các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Chú ý chăm sóc trẻ

Việc chủ động giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh là điều các gia đình cần quan tâm. Theo đó, khi đưa trẻ đi ra ngoài trời phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như: cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi…       Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.

Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy… hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Giữ ấm bàn chân trẻ

Gan bàn chân thường là nơi dễ bị ảnh hưởng khi ở môi trường lạnh, tác động đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giày ấm. Trước khi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trong nước ấm, lau khô để ngừa cảm lạnh. Tránh để trẻ bị ướt chân vì mưa lạnh, làm khô ngay để tránh cảm lạnh. Không cho trẻ dầm mưa, không đi chân đất, tắm quá lâu hoặc mặc quần áo ẩm ướt khi trời nồm.

Giữ gìn vệ sinh môi trường sống

Tạo môi trường sống sạch, vệ sinh nhà cửa, giữ sạch môi trường sống cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Vì thế thời tiết ẩm, các gia đình cần tích cực dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ tránh mọc nấm mốc không biết. Nên đóng kín các cửa phòng, dùng các khăn thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà. Trong mỗi gia đình, không nên dùng thảm trải nhà. Nếu có thảm thì phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch, tránh nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như dị ứng, viêm da.

Vệ sinh cơ thể bé luôn sạch sẽ

Thường xuyên tắm rửa cho trẻ là bước quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ nhỏ mùa mưa, nồm, để vi rút không có cơ hội tấn công bé. Các mẹ cũng nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô để thấm mồ hôi, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh và luôn sạch sẽ, khô ráo. Vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, nên có sẵn vài chiếc khăn mềm thấm nước lau mồ hôi. Lau kỹ nơi ra nhiều mồ hôi nhất như: vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân. Ngoài ra, các mẹ nên tắm cho trẻ với loại xà phòng hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày để giúp trẻ tránh nhiễm phải các vi khuẩn gây bệnh.

Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt, phát ban, mọc mụn nước, sổ mũi… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt là phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, dúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.

  Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

7 bộ phận trên cơ thể không nên vệ sinh quá sạch

CDC Hà Nam

Cứng khớp gối cần làm gì?

Ngọc Nga

Ở nhà tránh dịch- Làm gì để phòng vẹo cột sống ở trẻ em?

CDC Hà Nam