Tắc ống dẫn trứng, rối loạn rụng trứng… là những lý do phổ biến gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới, nếu phát hiện điều trị sớm sẽ tăng cơ hội thụ thai.
Tắc ống dẫn trứng
Vòi trứng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ thai vì đây là nơi hầu hết trứng được thụ tinh. Nếu vòi trứng bị tổn thương, gặp các vấn đề như viêm, sẹo, ứ dịch… sẽ gây nên hiện tượng tắc vòi trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thụ tinh và mang thai của phụ nữ.
Tắc vòi trứng (tắc ống dẫn trứng, tắc buồng tử cung) là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, ngăn cản trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ thai; hoặc trứng và tinh trùng đã thụ tinh không thể di chuyển vào buồng tử cung để “làm tổ”. Tình trạng này có thể dẫn đến thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.
Theo nghiên cứu, ống dẫn trứng bị tắc thường do các yếu tố như: bệnh viêm vùng chậu (PID), lạc nội mạc tử cung, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (chlamydia và lậu là hai bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có thể gây vô sinh), tiền sử mang thai ngoài tử cung. Tình trạng tắc ống dẫn trứng còn có thể do bẩm sinh hoặc di chứng sau phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là các phẫu thuật trên ống dẫn trứng hay sự phát triển của các u xơ…
Tắc vòi trứng chiếm 25 – 30% các trường hợp vô sinh ở phụ nữ, nhưng bệnh có thể được điều trị dứt điểm, mang lại cơ hội thụ thai thành công. Hiện nay, để xác định bệnh nhân có gặp phải vấn đề về tắc vòi trứng hay không, bác sĩ sẽ chụp X-quang tử cung – vòi trứng hoặc nội soi.
Dị dạng tử cung
Tử cung (hay còn gọi là dạ con) là một cơ quan có hình dạng quả lê, nằm trong vùng khung xương chậu. Kích thước tử cung thường là dài 7,5 cm, rộng 5 cm và sâu 2,5cm. Cấu tạo của tử cung bao gồm đáy tử cung, thân tử cung và phần cổ tử cung.
Tử cung của một số phụ nữ có bất thường về hình dạng hoặc cấu trúc so với tử cung bình thường. Đây được gọi là bất thường ở tử cung, dị dạng tử cung hay bất thường dạ con. Các khiếm khuyết bên trong tử cung bao gồm: u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung hoặc tử cung có hình thái bất thường (tử cung hình vòm, tử cung một sừng hoặc hai sừng…) làm giảm khả năng mang thai.
Để phát hiện ra những bất thường ở tử cung, bác sĩ sẽ siêu âm hoặc nội soi, sau đó có phác đồ điều trị riêng biệt cho từng đối tượng.
Rối loạn rụng trứng
Một số tình trạng y tế như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), căng thẳng và trọng lượng cơ thể quá cao hoặc thấp sẽ ảnh hưởng đến sự rụng trứng của phụ nữ, gây ra rụng trứng không thường xuyên.
35% lý do khiến vợ chồng không thể có con là do phụ nữ, trong đó rối loạn rụng trứng hoặc hoàn toàn không rụng trứng là một trong những nguyên nhân chính. Rối loạn rụng trứng thường do hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc hoàn toàn không có rụng trứng do nguyên nhân bất thường hoạt động nội tiết của hệ thần kinh trung ương.
Trong trường hợp những yếu tố khác như tinh trùng bình thường, 2 vòi trứng thông thoáng và hoạt động tốt, nội mạc tử cung bình thường, nhưng trứng không rụng, bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách kích thích buồng trứng làm cho trứng rụng. Sau khi kích thích, có thể quan hệ tự nhiên hoặc thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Để điều trị tình trạng rối loạn rụng trứng, sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ kích thích buồng trứng để lấy trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Thanh Huyền (tổng hợp)