7 nhóm người nên thực hiện tầm soát ung thư gan

(CDC Hà Nam)

Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam về số mắc mới, tử vong. Việc tầm soát ung thư gan nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt ở nhóm người dưới đây.

Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do TNGT năm 2020 (6.700 ca).

Ung thư gan 77% gặp ở nam giới, có thể ở bất cứ lứa tuổi nào. Ai cũng nên thực hiện tầm soát ung thư gan định kỳ, đặc biệt là 7 nhóm người dưới đây:

  1. Người mắc bệnh gan, có tiền sử gia đình bị ung thư gan

Những người mắc bệnh  viêm gan  virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ, …hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát. Đặc biệt, nếu không may mắc viêm gan B, C thể hoạt động cần điều trị sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan. Bởi virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.

Các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác: như đái tháo đường type 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ… cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau.

  1. Những người béo phì, tiểu đường

Trong vài năm gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường, béo phì kèm theo ung thư gan trên thế giới đã gia tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao, sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hóa các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.

  1. Người uống nhiều bia rượu

Uống nhiều bia rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan (Ảnh minh họa: Getty).

Rượu bia có khả năng thúc đẩy gen sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Acetaldehye được sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu cũng làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào, từ đó khối ung thư sẽ hình thành.

Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương các tế bào gan: khi uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên các mô sẹo, xơ, từ đó hình thành các bè gan xơ và ung thư gan.

  1. Người ăn thực phẩm nấm mốc

Aflatoxin trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gen p53. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô…

  1. Người hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán

Thực phẩm tươi sống không được chế biến kỹ càng (như ăn gỏi) thường chứa nhiều loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…), trong đó có những loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan.

  1. Người lạm dụng thuốc, hóa chất gây tổn thương gan

Một số thuốc, hóa chất nếu sử dụng hay tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan và dẫn tới ung thư gan như: thorotrast (trước đây được sử dụng cho chẩn đoán hình ảnh), vinyl chloride (sử dụng trong công nghiệp nhựa)v.v…

  1. Người sử dụng chất kích thích

Các chất kích thích như thuốc lá, café nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.

Các chuyên gia cho biết, việc khám tầm soát ung thư gan không quá phức tạp. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm chỉ số ung thư gan (Alphafetoprotein-AFP) và siêu âm hình thái gan là có thể sơ bộ đánh giá về nguy cơ đối với lá gan của các bác rồi. Sau đó, nếu nghi ngờ sẽ làm thêm một số xét nghiệm khác nữa để chẩn đoán xác định.

Ngọc Nga (tổng hợp) 

Bài viết liên quan

Nhận biết bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi

Ngọc Nga

10 lời khuyên dinh dưỡng trong mùa dịch COVID

CDC Hà Nam

Những thói quen đơn giản để ngừa bệnh tật hiệu quả và ít tốn kém mà chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng triệt để

Ngọc Nga