Cách phòng bệnh viêm da mủ khi thời tiết nóng nực

(CDC Hà Nam)

Mùa hè đến, cơ thể chúng ta ra nhiều mồ hôi, sức đề kháng của da cũng giảm sút là điều kiện thuận lợi cho các chứng bệnh ngoài da phát triển trong đó có bệnh viêm da mủ.

Trên da có nhiều loại vi khuẩn ký sinh, tập trung nhiều nhất ở vùng có nhiều lông, vùng đọng mồ hôi, các lỗ chân lông. Khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, vệ sinh kém, ngứa gãi làm xây xát da… thì các vi khuẩn này tăng sinh, tăng độc tố gây nên bệnh viêm da.

Các loại viêm da mủ

Bệnh viêm da mủ được chia làm 2 nhóm: bệnh do tụ cầu khuẩn và do liên cầu khuẩn gây nên.

  • Viêm da mủ do tụ cầu khuẩn

Tụ cầu khuẩn thường gây tổn thương ở nang lông. Có những thể bệnh chính sau:

 Viêm nang lông nông, sâu: Biểu hiện ban đầu lỗ chân lông hơi sưng đỏ, sau đó thành những mụn mủ nhỏ như đầu đinh ghim, ở quanh chân lông có quầng đỏ. Vài ngày sau mụn mủ khô đi để lại vảy tiết màu nâu, sau cùng vảy bong đi không để lại sẹo. Vị trí hay gặp ở lông nách, lông mu, đầu, râu.

Khi bị viêm nang lông sâu thì tổn thương lan sâu hơn dưới da làm vùng da quanh nang lông bị nhiễm cộm lên và tạo thành túi mủ. Mụn mủ không bị vỡ mà xẹp đi đóng vảy tiết, vảy tiết bong để lại sẹo lõm. Viêm nang lông sâu ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu tiến triển dai dẳng, hay tái phát.

Nhọt: Cũng là một tình trạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, số lượng nhiều có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau. Nặng hơn quanh nhọt tím, có nhiều mủ, nhiều ngòi. Khi vỡ mủ thoát ra ngoài qua các lỗ chân lông lỗ chỗ như tổ ong, sau khỏi để lại sẹo xấu. Thương tổn da đau nhức rất nhiều. Bệnh thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát, nhất là về mùa hè.

  • Viêm da mủ do liên cầu khuẩn

Chốc lây: Do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn phối hợp gây bệnh. Trẻ em hay mắc bệnh hơn người lớn. Vị trí hay gặp là đầu, mặt, cổ, chân tay. Bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác, nên có thể thành dịch ở nhà trẻ, trường học.

Ở trẻ em, chốc đầu tạo thành từng đám vẩy vàng sâu dính bết tóc, dưới lớp vảy, da trợt đỏ, rớm dịch. Hạch ở vùng lân cận thường sưng đau. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp biểu hiện bằng phù, tiểu ít, xét nghiệm có protein niệu.

Chốc loét: Là một loại chốc, nhưng tổn thương lan sâu đến trung bì. Thường gặp chốc loét ở bệnh nhân suy dinh dưỡng đang có bệnh đái tháo đường hoặc nghiện rượu.

Vị trí: hay gặp ở cẳng chân, cổ chân, nhất là ở chân có giãn tĩnh mạch. Bệnh bắt đầu như chốc lây bằng một phỏng nước hoặc phỏng mủ. Da xung quanh vết loét tím tái, tiến triển dai dẳng, lâu liền sẹo.

Hăm kẽ: Thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em mập mạp hoặc ở người lớn béo phì, ra mồ hôi nhiều. Hăm kẽ thường thấy ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng, đau rát.

Lời khuyên của bác sĩ

Để phòng ngừa các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè, bạn cần:

  • Luôn giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
  • Giữ cơ thể luôn sạch sẽ, khô thoáng, không để mồ hôi đọng lại trên người quá lâu.
  • Hạn chế ăn quá nhiều đồ nóng, đồ ăn có hàm lượng đường cao.
  • Nên sử dụng các loại thực phẩm và rau xanh có tính giải nhiệt. Tăng cường bổ sung vitamin, chất khoáng và có chế độ ăn nhiều đạm giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Uống đủ nước các loại ngay cả khi không khát.
  • Tránh cào xước vùng da bị viêm, không tự ý nặn mụn, nhọt.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng, thấm mồ hôi.
  • Người bệnh không tự ý dùng kháng sinh, thuốc bôi, dán cao, đắp lá…

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Bí quyết giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung ghi nhớ trong mùa thi

Ngọc Nga

Người bệnh gout nên ăn các loại thịt này

CDC Hà Nam

Rối loạn tiền đình có phòng được không?

Ngọc Nga