Hen phế quản và cách phòng ngừa cơn hen phế quản

(CDC Hà Nam)

Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là một bệnh mạn tính do đường hô hấp bị viêm khiến phế quản co thắt, gây ra tình trạng không khí lưu thông trong phổi bị cản trở. Người mắc bệnh này, đường dẫn khí luôn trong tình trạng viêm nhiễm, sưng nề và dễ bị kích ứng với các dị nguyên như: thay đổi thời tiết, bụi, phấn hoa, một số loại thức ăn… với các biểu hiện: ho, khó thở, thở khò khè… Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Yếu tố nguy cơ của hen phế quản

Yếu tố cơ địa: Di truyền: gặp 35 – 70% ở bệnh nhân hen phế quản.

Tạng Atopy (cơ địa dị ứng): Là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển hen phế quản, khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng Atopy.

Giới tính: Giới tính nam là yếu tố nguy cơ hen phế quản trẻ em (trẻ em tỷ lệ mắc hen phế quản ở bé trai nhiều hơn bé gái). Khi trưởng thành tỷ lệ mắc hen phế quản ở nữ nhiều hơn nam.

Chủng tộc: Người da đen có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn người da trắng.

Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hen phế quản.

Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với phấn hoa, nấm, bụi trong môi trường sinh hoạt và lao động, lông vật nuôi (chó, mèo), ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, các chất hóa học độc hại trong công nghiệp…

Nhiễm trùng hô hấp: Giả thuyết nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh ở người Hen phế quản không có cơ địa dị ứng. Hay gặp nhiễm vi rút hô hấp (Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, Respiratory syncytial virus, Adenovirus), nhiễm khuẩn (Chlamydiae pneumoniae, Mycobarterium bovis), nhiễm ký sinh trùng.

Các yếu tố khác: Tình trạng kinh tế xã hội chưa phát triển, gia đình đông người, chế độ ăn kiêng, dùng thuốc.

Triệu chứng lâm sàng cơn hen phế quản điển hình

Giai đoạn khởi phát: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng; thời gian xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tiếp xúc dị ứng nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm virus đường hô hấp trên… Các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn… nhưng không phải lúc nào cũng có.

Giai đoạn lên cơn hen: cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm, khó thở kỳ thở ra xuất hiện nhanh, trong cơn hen lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Đứng xa có thể nghe tiếng rít của bệnh nhân. Cơn khó thở dài hay ngắn tùy theo từng bệnh nhân.

Giai đoạn lui cơn hen: Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giảm dần, bệnh nhân ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Khạc đờm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.

Giai đoạn giữa các cơn: Giữa các cơn, các triệu chứng trên không còn.

Biến chứng của bệnh:

-Tràn khí màng phổi, trung thất: gặp khoảng 5% số người mắc bệnh Hen, dễ bị chẩn đoán nhầm, tràn khí màng phổi hai bên rất dễ nguy cơ gây tử vong ở bệnh nhân Hen phế quản

– Nhiễm khuẩn phổi – phế quản: thường do virus hoặc vi khuẩn (Lao phổi), hay gặp ở hen phế quản mạn tính, khó thở liên tục.

– Xẹp phổi: hay gặp ở trẻ em (30%).

– Tâm phế mạn, khí thũng phổi: hay gặp ở hen phế quản mạn tính, nặng.

– Suy hô hấp mạn tính, biến dạng lồng ngực

Phòng bệnh hen phế quản:

Hen phế quản là một bệnh mạn tính và cần phải dùng thuốc điều trị suốt đời. Do những tác nhân gây bệnh hen phế quản rất phức tạp, hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh tận gốc. Đối với những người mắc bệnh hen, quan trọng nhất là cần phải được kiểm soát và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ. Ngoài việc phát hiện và xử trí kịp thời các cơn hen cấp tính có thể gặp, người bệnh còn cần phải tuân thủ một số nguyên tắc để dự phòng cơn Hen tái phát như sau:

Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc vì khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp làm khởi phát bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn phải tránh cả các yếu tố gây kích ứng đường thở khác như: phấn hoa, hóa chất…

Vào mùa đông, cơn hen rất dễ xuất hiện và trở thành cơn hen kịch phát nguy hiểm cho tính mạng, do vậy cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh. Nếu phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, quàng khăn, đầu đội mũ ấm, đeo khẩu trang và trong túi có sẵn lọ thuốc xịt hen.

Tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng, người bệnh nên theo dõi và ghi chép lại để xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để phòng tránh.

Thận trọng khi sử dụng thuốc và cần gặp bác sĩ để tư vấn trước khi sử dụng thuốc đặc biệt là những thuốc như: kháng sinh, thuốc giảm đau Aspirin…

Phòng các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, viêm phổi…vì đây là các tác nhân gây khởi phát cơn hen khá phổ biến. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời cần tránh những những nơi tập trung đông người, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài… để đề phòng nhiễm khuẩn.

Thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao sức khỏe, cần phải làm ấm cơ thể và xịt thuốc giãn phế quản trước khi tập, tránh không khí lạnh và khô, áp dụng bài tập thể dục phù hợp.

Giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát, loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông chó mèo…. Thời tiết lạnh cần đóng kín cửa sổ tránh gió lùa vì có thể gây nhiễm lạnh và gây đợt bùng phát hen phế quản.

Hen phế quản gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng đều đặn và khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ thì bệnh nhân hen phế quản vẫn có cuộc sống và tuổi thọ như người bình thường.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Biểu hiện sớm ung thư phổi ở giai đoạn đầu

Ngọc Nga

Trẻ em cần bao nhiêu kẽm?

CDC Hà Nam

KHUYẾN CÁO BỆNH MÙA ĐÔNG – XUÂN

Ngọc Nga