6 nguyên nhân khiến đầu gối không thể duỗi thẳng

(CDC Hà Nam)

Rách dây chằng chéo trước, gãy xương đầu gối, viêm khớp dạng thấp… có thể ảnh hưởng tới chuyển động của khớp gối, gây đau đớn.

Đầu gối không thể duỗi thẳng hoặc uốn cong còn được gọi là “đầu gối bị khóa”. Tình trạng này gây đau đớn, làm hạn chế không chỉ phạm vi chuyển động của đầu gối mà cả khả năng đi lại, bước lên hoặc thậm chí ngồi xuống một cách thoải mái. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến “đầu gối bị khóa”.

Rách dây chằng chéo trước

Rách dây chằng chéo trước (ACL) có thể là lý do khiến một người không thể duỗi thẳng hoặc co đầu gối, gây đau đớn. Vết rách ACL độ 3 thường sẽ cần phẫu thuật nhưng điều quan trọng là phải đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau và chẩn đoán chính xác.

Gãy xương đầu gối

Đầu gối có thể bị gãy hoặc bị trật khớp do chấn thương khi vận động. Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây gãy xương đầu gối là do bị va đập trực tiếp hoặc ngã. Đau, khó duỗi thẳng chân, bầm tím và sưng tấy có thể xảy ra.

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là một túi chứa đầy chất lỏng làm đệm cho khớp. Hoạt dịch có tác dụng bôi trơn hệ thống xương khớp, nuôi dưỡng những sụn khớp của cơ thể. Ngoài ra, chất nhầy này còn có chức năng chống nhiễm khuẩn. Khi bao hoạt dịch ở đầu gối bị viêm sẽ gây đau đớn và khiến một người không thể duỗi thẳng hoặc uốn cong chân như mong muốn.

Viêm gân

Viêm gân là tình trạng viêm mô nối cơ với xương ở đầu gối. Tình trạng viêm thường xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục kéo dài hoặc không được khởi động kỹ trước khi vào các bài tập chính. Chấn thương này thường gặp ở những người chơi các môn thể thao như: bóng rổ hay vận động viên chạy bộ.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công mô của chính nó. Các triệu chứng bao gồm đau, sưng và cứng khớp. Khi không được điều trị, tổn thương và biến dạng khớp có thể dẫn đến khó cử động bàn tay, cổ tay, đầu gối hoặc hông. RA cũng có khả năng gây tổn thương da, mạch máu, phổi, mắt hoặc tim.

Bệnh gout

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng có thể gây ra các triệu chứng ở bất kỳ khớp nào. Trong bệnh gout, axit uric dư thừa tích tụ trong cơ thể làm hình thành các tinh thể ở khớp và tạo ra các cơn gout cấp. Chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên vận động sẽ giúp hạn chế những cơn đau do gout gây ra.

Việc điều trị “đầu gối bị khóa” tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Nếu nguyên nhân là do rách sụn khớp, phẫu thuật nội soi khớp gối thường được thực hiện. Nếu cơn đau là nguyên nhân chính, người bệnh chỉ cần chườm đá, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Hầu hết mọi người đều có thể hồi phục hoàn toàn với phương pháp điều trị thích hợp.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Đau thượng vị- dấu hiệu “đỏ” cảnh báo ung thư dạ dày hay bị bỏ qua

Ngọc Nga

Vai trò của canxi và cách bổ sung toàn diện hiệu quả

Ngọc Nga

Con đường lây truyền và biện pháp có thể ngăn ngừa nhiễm virus

Ngọc Nga