Dấu hiệu nhận biết người sử dụng chất ma túy

(CDC Hà Nam)

Sử dụng ma túy nói chung hay ma túy đá nói riêng có thể gây ảo giác, hoang tưởng, từ đó người sử dụng không thể kiểm soát được hành vi của bản thân. Cũng do tác hại của ma túy mà nhiều vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra khiến dư luận ám ảnh. Có thể sớm nhận biết một người đã nghiện ma túy qua các biểu hiện, như: thở hụt hơi, run, mắt đảo qua đảo lại, đồng tử nở rộng, xuất hiện quầng thâm mắt rõ rệt, hay bị chảy máu.

Ma tuý là gì?

Ma túy là những chất có tính gây nghiện, có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo. Khi đưa vào cơ thể người dưới bất kỳ hình thức nào, nó sẽ làm thay đổi tâm trạng, ý thức và hành vi của người sử dụng. Ma tuý không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, làm gia tăng tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

Ma tuý là chất gây nghiện, chất hướng thần:

Ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần gồm những chất như: cao côca, lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma tuý khác ở thể lỏng hay thể rắn. Ma túy là các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ma túy theo nghĩa rộng nhất là: “Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.

Tác hại của ma tuý với sức khoẻ thể chất, tinh thần:

Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Ma tuý làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần, thay đổi nhân cách, suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm tuổi thọ và làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS. Người nghiện nặng có biểu hiện rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động dẫn tới tội ác. Nếu dùng ma tuý liều cao có thể bị ngộ độc cấp tính, biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, hôn mê.

Do chất ma túy ảnh hưởng đến hệ thống hoóc môn sinh dục, làm giảm nhu cầu tình dục, giảm khả năng sinh con hoặc sinh con ốm yếu, chậm phát triển về thể lực và trí tuệ, suy thoái chất lượng giống nòi.

Khi lên cơn nghiện, người nghiện thường không làm chủ được bản thân nên dễ đánh mất nhân cách và phạm tội. Gia đình người nghiện phải chịu một gánh nặng rất lớn về kinh tế, đồng thời còn phải chịu áp lực tinh thần do bị cộng đồng kỳ thị. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, dẫn tới nghèo đói, con cái thất học, thậm chí hư hỏng.

Bên cạnh đó, việc quản lý điều trị cho các đối tượng nghiện cũng là một gánh nặng cho xã hội. Số lượng người nghiện ngày càng gia tăng thì các vấn đề về kinh tế, mất trật tự an ninh xã hội, tội phạm và tệ nạn xã hội khác trở nên nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu nhận biết người sử dụng chất ma túy:

Mức độ lệ thuộc ma tuý:

Theo các tài liệu nghiên cứu về ma tuý, nghiện ma túy là một quá trình. Bắt đầu từ dùng thử do tò mò, sau đó sẽ tiếp tục sử dụng và khi tần suất sử dụng thường xuyên hơn người đó sẽ dần bị lệ thuộc vào ma túy. Khi không có ma túy sẽ thấy thèm, khó chịu. Theo thời gian, mức độ lệ thuộc vào ma túy tăng lên và trở thành nghiện.

Một số dấu hiệu nổi bật như sau:

Thay đổi bất thường giờ giấc sinh hoạt: Thức khuya, đêm ít ngủ, dậy muộn, ngày ngủ nhiều, ăn uống thất thường;

Hay tụ tập với những người sống buông thả, không có công ăn việc làm, không lao động hoặc chơi thân với người nghiện;

Mỗi ngày, cứ đến một giờ nhất định nào đó dù có đang bận việc cũng tìm cách, kiếm cớ để đi ra khỏi nhà;

Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người, kể cả người thân trong gia đình.

Người sử dụng chất ma túy thường có tâm trạng, biểu hiện khác thường:

Hay lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, hay nói dối quanh, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt hơn trước đây; Hay ngáp vặt, sụt cân, xanh xao; người mệt mỏi, không chịu lao động; không chăm lo vệ sinh cá nhân.

Nếu là học sinh thường đi học muộn, trốn học, bỏ giờ học, ngồi trong lớp hay ngủ gật, học lực giảm sút; Nhu cầu tiêu tiền ngày một nhiều, thường xuyên xin tiền người thân; hay bán đồ đạc cá nhân và của gia đình, nợ nần nhiều, ăn cắp vặt; Túi quần áo, cặp sách, phòng ở thường có giây bạc thuốc lá, vỏ kẹo cao su, bật lửa ga, bơm kim tiêm, ống thuốc; Có dấu hiệu tiêm trên mu bàn tay, cổ tay, mặt, trong mắt cá chân, ở bẹn, ở cổ…

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Răng nhạy cảm vì sao?

CDC Hà Nam

Nhận biết và điều trị viêm đường hô hấp dưới

Ngọc Nga

Phòng, chống lây nhiễm COVID-19 tại khu vực chế biến thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống thế nào?

Ngọc Nga