Bệnh viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ) và những điều bạn nên biết

(CDC Hà Nam)

Trước diễn biến của bệnh viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ) tại các địa phương, Trang thông tin điện tử tổng hợp (https://cdchanam.vn) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giới thiệu bài viết của ThSBS. Lê Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam về Bệnh đau mắt đỏ và những điều cần biết.

Bệnh đau mắt đỏ thực chất là tên gọi dân gian của bệnh viêm kết mạc cấp.  Lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (hay lòng trắng) và kết mạc mi bị viêm nhiêm bởi vi rút (Adenovirus, Herpes…) vi khuẩn, do dị ứng (phấn hoa, bụi và lông động vật…).

Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ Hè đến cuối Thu và thường là do vi rút.

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua:

– Tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi.

– Chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như: gối, khăn mặt, ca uống nước, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi…

– Sử dụng nguồn nước bị nhiễm các tác nhân gây bệnh.

– Thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

– Không vệ sinh đúng cách kính áp tròng.

Người bị mắc bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện:

Mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt;

Mắt đỏ;

Mắt tiết nhiều dử mắt (có nơi gọi là gỉ mắt hay cò ke), chảy nước mắt;

Mi mắt sưng nề, đau nhức;

Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai.

Khi bị bệnh đau mắt đỏ mọi người cần thực hiện

Đối với đôi mắt

– Sử dụng thuốc đúng loại và đúng liều lượng theo đơn đã được kê của bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc khác nhau như kháng viêm, kháng sinh, nước mắt nhân tạo, thuốc tra mắt…

– Sử dụng thuốc tra mắt đúng cách: Lưu ý không để đầu thuốc chạm vào mắt. Đối với thuốc tra dạng mỡ hoặc gel thì bôi vào khoảng 1cm cùng đồ mi dưới, với thuốc nước thì nhỏ từ 1 – 2 giọt.

Đối với toàn thân và nâng cao thể trạng

– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày: Chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột để tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh nên tránh ăn uống quá kiêng khem để tránh cơ thể rơi vào suy nhược.

– Tích cực ăn các loại trái cây để bổ sung vitamin như cam, bưởi, chanh…

– Bệnh có khả năng lây qua đường tiếp xúc nên người bệnh cần được cách ly hợp lý và sử dụng khẩu trang y tế khi đi ra ngoài.

– Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

– Trong thời gian bị bệnh tốt nhất nên tránh tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử.

– Nên trang bị kính chắn bụi, gió… để giảm thiểu việc tiếp xúc với các loại khói bụi dễ gây kích thích cho mắt.

– Không để nước bẩn dây vào mắt, tránh đi bơi khi bị bệnh.

– Để không làm bệnh nghiêm trọng hơn, người bệnh không được dụi, day mắt tránh làm tổn thương giác mạc.

– Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh thì nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc thấy mắt sưng hơn, đau hơn hay chảy máu thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong trường hợp thấy có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng, dân gian như: nhỏ sữa mẹ, đắp hành củ, xông lá trầu… Ngoài ra, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Một số lời khuyên để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ hiệu quả:

Để có thể ngăn ngừa được bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả, mọi người nên lưu ý một vài điều sau đây:

– Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.

– Vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%.

– Không dùng chung khăn mặt, mỗi người nên có một chiếc khăn mặt riêng.

– Tránh để các loại hóa chất như: sữa tắm, dầu gội… dây vào mắt.

– Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra đường.

– Có chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.

– Khi vào mùa dịch nên hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.

– Nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn khi đi bơi, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.

– Thường xuyên mở cửa thông gió và luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

– Nếu nhà có người bị đau mắt đỏ thì cần được cách ly hợp lý, ví dụ như đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, tuyệt đối không ôm hôn người khác nhất là trẻ em.

Đau mắt đỏ tuy không nguy hiểm nhưng vẫn nên được điều trị sớm để tránh gây nhiều trở ngại đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của người bệnh. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, người bệnh nên đến ngay Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Nam để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bài viết liên quan

Vi nhựa trong nước uống có gây nguy cơ cho sức khỏe không?

CDC Hà Nam

WHO cảnh báo thảm họa dịch sởi trên toàn thế giới

CDC Hà Nam

Từ 1/7/2019, mức đóng BHYT thay đổi như thế nào?

CDC Hà Nam