Cách giúp giảm cholesterol có thể làm ngay tại nhà

(CDC Hà Nam)

Cholesterol cao (hay mỡ máu cao) làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Cách giúp giảm cholesterol có thể làm ngay tại nhà trước tiên cần thay đổi lối sống như cải thiện chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm nguy cơ này…

Cholesterol là một chất béo do gan sản xuất và được tìm thấy trong máu. Cơ thể sử dụng cholesterol để tạo ra vitamin D, hormone và các chất khác giúp tiêu hóa thức ăn. Thế nhưng chế độ ăn hàng ngày của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến mức cholesterol. Bạn có thể bổ sung thêm cholesterol từ các nguồn động vật như thịt và các sản phẩm từ sữa. Do ăn quá nhiều những thực phẩm này, có thể tăng nguy cơ bị cholesterol cao.

Có quá nhiều cholesterol trong cơ thể sẽ có thể ngăn chặn lưu lượng máu, dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ hoặc đau tim. Đó là lý do tại sao việc giảm cholesterol, nếu bạn bị cholesterol cao lại trở nên quan trọng.

  1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Đối với người bị cholesterol cao, thay đổi chế độ ăn uống thường được đề xuất đầu tiên trong kế hoạch điều trị. Trong một số trường hợp, cần phối hợp với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch ăn uống phù hợp với tình trạng cụ thể.

Một chế độ ăn uống phù hợp nhất để giảm cholesterol bao gồm:

 Trái cây, rau củ

Cá, thịt nạc

Đậu và các loại ngũ cốc…

Cần hạn chế ăn các thực phẩm như:

Đồ ngọt và món tráng miệng, đồ uống có đường

Thịt mỡ, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo…

Rượu bia…

  1. Tập thể dục đều đặn

Việc thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao. Đối với người bị cholesterol cao, việc vận động cơ thể thường xuyên hơn có thể giúp đưa mức cholesterol về mức khỏe mạnh.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người lớn nên tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, với các hoạt động như:

Đi bộ hoặc chạy bộ

Đi xe đạp

Bơi lội

Khiêu vũ

Điều quan trọng là tìm ra sự kết hợp của các hoạt động mà bạn yêu thích và đảm bảo cơ thể năng động suốt cả tuần.

  1. Quản lý cân nặng

Thừa cân, béo phì làm tăng khả năng bị cholesterol cao. Để giảm mức cholesterol và giảm nguy cơ biến chứng, cần quản lý cân nặng hợp lý nếu bị thừa cân, béo phì.

Trong hầu hết các trường hợp, việc thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện có thể giúp giảm cân. Ngoài ra, cần quản lý căng thẳng để giúp nâng cao tinh thần và giúp bạn lưu tâm hơn đến các lựa chọn thực phẩm và tập thể dục của mình – điều này có thể giúp bạn giảm cân.

  1. Giảm căng thẳng

Căng thẳng tâm lý có liên quan đến lượng cholesterol LDL “xấu” cao hơn và làm giảm cholesterol HDL “tốt”. Do đó, việc xác định các yếu tố gây căng thẳng và học cách quản lý chúng có thể giúp giảm mức cholesterol cao.

Mặc dù căng thẳng là một phần của cuộc sống hàng ngày, nhưng việc có quá nhiều căng thẳng hoặc không thể kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng đúng cách, có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và cản trở sức khỏe cảm xúc của bạn. Do đó, trong những trường hợp này có thể cần có sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý hoặc trị liệu.

  1. Tránh sử dụng chất gây nghiện

Nghiên cứu cho thấy việc bỏ hút thuốc có thể làm tăng cholesterol HDL (tốt), giảm cholesterol LDL (xấu) trong động mạch hoặc các mạch máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan và mô của cơ thể.

Ngoài ra, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến tăng cân, điều này có thể làm tăng cholesterol LDL và giảm cholesterol HDL. Do đó, nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày, và không quá 1 ly đối với nữ giới.

Người bệnh cần chủ động kiểm tra mức cholesterol sớm, giúp đưa chúng trở lại mức khỏe mạnh. Điều này có thể làm giảm nguy cơ biến chứng sức khỏe như đau tim hoặc đột quỵ và giảm khả năng phát triển các tình trạng sức khỏe khác trong tương lai.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Chăm sóc mắt khi bị đau mắt đỏ mùa mưa

Ngọc Nga

Khẩn: Bộ Y tế hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

Ngọc Nga

Trầm cảm và rối loạn lo âu ở trẻ em

Ngọc Nga