Bệnh bạch hầu quay trở lại, những hệ luỵ khi trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ

(CDC Hà Nam)

Bệnh bạch hầu đang quay lại một số tỉnh như Điện Biên, Hà Giang, đến nay đã ghi nhận 3 ca tử vong. Như vậy có thể thấy những bệnh dịch trước đây tưởng như đã có thể ngăn ngừa bằng tiêm chủng thì nay đang trở lại.

  1. Những vụ dịch lớn khi trẻ không được tiêm chủng đầy đủ

Khi trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ dẫn đến 2 vấn đề nguy hiểm, đó là nguy hiểm cho chính đứa trẻ và nguy hiểm cho cộng đồng.

Khi trẻ không được tiêm chủng thì tỉ lệ trẻ bị nhiễm bệnh rất cao. Bởi chúng ta không thể nào ngăn cản bé tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi trẻ không được tiêm chủng, sẽ phải tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây bệnh một cách trực tiếp thì sức công phá của nguồn bệnh này rất mạnh và dễ mắc bệnh. Tất nhiên sau mỗi lần mắc bệnh này, cơ thể của trẻ cũng có thể tự tạo ra kháng thể, nhưng bé sẽ phải trả giá cho việc này rất lớn, thậm chí là nguy hiểm.

Còn đối với cộng đồng, thì để một vaccine có giá trị, phải đạt được trên 80% những đối tượng có cùng nguy cơ sử dụng vaccine, mới tạo nên miễn dịch cộng đồng. Nếu không đạt được con số trên và càng nhiều người không tiêm vaccine thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Lúc này dịch bệnh không chỉ nhắm đến đối tượng đích là trẻ em mà còn cả người lớn.

Không chỉ dịch bạch hầu đang diễn ra hết sức phức tạp, mà chúng ta có thể quay trở lại lịch sử của các vụ dịch trước đây, ví dụ như dịch sởi năm 2014 tại Việt Nam. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi tổng kết có tới 140 trẻ bị tử vong sau vụ dịch này. Đây là một con số rất đau lòng, bởi những em bé này có thể được phòng bệnh bằng vaccine… Cũng dịch sởi năm đó, không chỉ trẻ em mà còn rất nhiều người lớn cũng mắc sởi rất nặng. Đây là hậu quả của một khoảng thời gian trước đó đã xảy ra làn sóng chống lại vaccine.

  1. Vì sao vẫn còn nhiều phụ huynh không cho trẻ tiêm chủng đầy đủ?

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, nguyên nhân trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ có thể kể đến:

– Phụ huynh không nắm được trẻ em sau khi sinh, cần được tiêm chủng những vaccine phòng bệnh gì và lịch tiêm chủng như thế nào, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

– Tâm lý chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

– Không đưa con đi tiêm chủng vì nhiều lý do khác như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ; sợ trẻ ốm mà không đưa đi tiêm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm); trẻ không được giữ ấm đúng cách trong mùa đông xuân dẫn đến nhiễm bệnh làm mất cơ hội tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ trong tháng và khi cha mẹ không cho trẻ tiêm bù lại ngay khi có thể dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

– Một số đối tượng cần được tiêm chủng nhưng chưa được thống kê, điều tra đầy đủ dẫn đến số trẻ bị bỏ sót không được đưa vào danh sách theo dõi tiêm chủng.

Để phòng bệnh cho trẻ Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh các nhân cho trẻ, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách, giữ gìn vệ sinh nhà ở và đảm bảo thông thoáng; đồng thời thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

  1. Trẻ không được tiêm chủng sẽ dẫn đến nguy hiểm nào?

Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ cơ thể và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu như trẻ không được tiêm vaccine sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của trẻ.

Ngay từ khi sinh ra trẻ có hệ miễn dịch thụ động qua sữa mẹ cung cấp. Sau một thời gian, loại miễn dịch này sẽ thay đổi và yếu dần. Đó là lý do mà trẻ sau 6 tháng tuổi dễ bị ốm hơn, vì lúc này sức đề kháng thụ động của trẻ đã giảm, nên tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, các tác nhân xấu… xâm nhập và gây hại. Do đó để phòng ngừa những nguy cơ này, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ.

Nếu trẻ không được tiêm chủng sẽ không có miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao hơn. Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi – bạch hầu – ho gà – uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản… đều rất nguy hiểm và đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em trên toàn thế giới.

Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng ngừa bệnh cho trẻ và xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng, cha mẹ của trẻ cần lưu ý:

– Trẻ em cần phải được tiêm đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với trẻ hoãn tiêm vì lý do nào đó, cần được tiêm bù ngay trong tháng không chờ đợi sang tháng sau dẫn đến trẻ không có miễn dịch phòng bệnh và mắc bệnh sớm.

– Trẻ em phải sử dụng vaccine bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha mẹ của trẻ và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế trong việc sử dụng vaccine phòng bệnh bắt buộc. Đây là quy định trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

                                                                              Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Lợi ích của việc đi bộ

Ngọc Nga

Lưu ý một số tác dụng phụ khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2

Ngọc Nga

Bị cúm A rồi có mắc lại không?

CDC Hà Nam