Một số lời khuyên phòng bệnh tim mạch

(CDC Hà Nam)

Bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim…) là  căn bệnh nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây với tỷ lệ tử vong cao. Do đó các biện pháp phòng chống bệnh tim mạch là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết.

Chế độ ăn hợp lý:

Cần có chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn dưới 5 gram muối mỗi ngày (tương đương với 1 thìa cà phê), không nên ăn mặn. Lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ăn nhiều rau và hoa quả, đây được coi là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch có hiệu quả. Vì trong rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, chúng cung cấp rất ít calo. Hạn chế ăn mỡ động vật nên ăn dầu ăn thực vật sẽ giúp cho trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, các loại thức ăn nhiều chất xơ và tinh bột như lúa mì, yến mạch, hạt ngũ cốc, gạo nếp vàng, bột mì…cũng là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch rất tốt và cả đột quỵ. Chúng có thể làm giảm cholesterol máu, chất xơ khiến cơ thể cảm thấy nhanh no, do đó giúp giảm cân tốt hơn. Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh vì các thức ăn này có hàm lượng muối cao, giàu chất béo… có thể gây tăng huyết áp và gây nên các bệnh lý tim mạch.

Nên tập  thể  dục  thường  xuyên: 

Mỗi người nên tập thể dục từ 30 phút  –  60  phút mỗi ngày góp phần phòng chống các bệnh lý tim mạch. Tập thể dục sẽ  giúp  cơ thể khỏe mạnh, trái tim và thành mạch máu thêm dẻo dai. Tùy vào tình trạng sức khỏe, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một môn thể dục phù hợp. Rèn luyện đi bộ, chạy, đạp xe, bơi lội… là những môn thể thao nhiều người lựa chọn và ưa chuộng.

Không hút thuốc lá, thuốc lào:

 Không  hút  thuốc  lá,  thuốc  lào  vì  hút  thuốc  lá,  thuốc  lào  là  nguyên nhân  trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Thống kê cho thấy thuốc lá gây rất nhiều nguy hiểm đến tim mạch, người hút thuốc có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn hai lần người không hút và người hít khói của người hút cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn người thường.

Duy trì cân nặng hợp lý:

Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp. Cần kiểm tra cân nặng thường xuyên để kiểm soát được trọng lượng cơ thể. Cần giảm cân bằng các biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giảm ăn để giảm lượng calo đưa vào cơ thể. Đồng thời, tăng cường luyện tập thể dục để tiêu hao bớt lượng ca lo dư thừa.

Khám sức khỏe định kỳ:

Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được chỉ số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, hàm lượng  đường trong máu, chỉ số vòng eo và vòng mông trên cơ thể. Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe.

Hạn chế uống rượu, bia:

Vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và làm tăng trọng lượng cơ thể. Khi trọng lượng cơ thể tăng lại là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, cần tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường xã hội đoàn kết, lành mạnh để góp phần phòng chống tăng huyết áp và tai biến mạch máu não hiệu quả.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

11 dấu hiệu trầm cảm ở trẻ cha mẹ không thể bỏ qua

CDC Hà Nam

Dấu hiệu, thời điểm xảy ra đột quỵ dễ bị bỏ qua

CDC Hà Nam

Ngừa các bệnh gia tăng đầu hè

Ngọc Nga