Vai trò của vaccine trong phòng bệnh bạch hầu

(CDC Hà Nam)

Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn này có thể sống lâu trong vùng hầu họng của người bệnh. Khi cơ thể bị vi khuẩn xâm nhập và tấn công, sẽ gây ra một số triệu chứng. Tùy vào từng thể bệnh mà các triệu chứng có thể khác nhau.

Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề. Bạch hầu lây lan qua hô hấp, qua sinh hoạt chung, sử dụng chung đồ dùng nên có thể nhanh chóng bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát tốt.

Các biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, huyết khối tim… có thể khiến người bệnh tử vong đột ngột.

Các biến chứng khác như biến chứng thần kinh có thể khiến bệnh nhân liệt màn hầu dẫn đến khó nuốt và nói, liệt bàn tay, liệt hai chân, liệt các cơ quan khác… Biến chứng thận gây tổn thương ở cầu thận và ống thận. Nhưng những biến chứng này có thể hồi phục sau một thời gian, khi bệnh bạch hầu đã được điều trị tốt và bệnh nhân khỏi bệnh.

Vaccine có vai trò gì trong phòng bệnh bạch hầu?

Khi chưa có vaccine, bệnh bạch hầu thường rất phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Từ khi có vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh giảm đi rõ rệt và không xuất hiện thành dịch bệnh. Ngoài ra với sự tiến bộ của y học, thì các thuốc điều trị đặc hiệu được phát triển tốt nên hiệu quả điều trị bệnh được cải thiện rõ rệt.

Kể từ năm 1923, khi y học tìm ra vaccine phòng bệnh bạch hầu, thì đến nay, tiêm vaccine vẫn là biện pháp bệnh hiệu quả nhất được thực hiện rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng đưa vaccine bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm phòng miễn phí cho trẻ nhỏ toàn quốc.

Khi được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ 4 mũi với lịch tiêm đúng hẹn, cơ thể con người tự sản sinh kháng thể đặc hiệu tồn tại lâu dài trong máu. Khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh, kháng thể sẽ nhanh chóng tiêu diệt vi khuẩn, nên cơ thể sẽ không bị mắc bệnh. Do đó, tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hiệu quả giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng tử vong do bệnh gây ra.

Các vaccine phòng bạch hầu có thể lựa chọn để tiêm cho trẻ đủ 3 liều vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Sau đó tiêm nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ lớn hơn hoặc người lớn tiêm đủ số mũi theo vaccine phòng ngừa và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì kháng thể.

– Vaccine 6 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib.

– Vaccine 5 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib gây viêm màng não mủ/viêm phổi.

– Vaccine 4 trong 1: Phòng ngừa đồng thời các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.

Trên thực tế trong rất nhiều năm qua, hiệu quả của tiêm vaccine trong phòng các dịch bệnh truyền nhiễm đã được chứng minh. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu đang được kiểm soát rất tốt bởi chiến dịch tiêm phòng nhưng ngay lúc này tình hình dịch bệnh lại đang trở nên phức tạp.

Trong tình hình hiện nay, tại các gia đình có trẻ nhỏ, người bệnh suy yếu, trước hết cần tự bảo vệ mình bằng cách:

– Vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

– Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao miễn dịch.

– Hạn chế tối đa tiếp xúc với nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh.

– Khi có các triệu chứng, dù chỉ là cảm cúm, viêm mũi họng, viêm đường hô hấp… người bệnh cần hạn chế tới nơi đông người. Học sinh nên nghỉ học. Người lao động nên nghỉ làm để tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác.

– Phụ huynh cần cho con đi tiêm phòng đầy đủ 3 mũi và tiêm nhắc lại như đã nêu ở trên. Chỉ có tiêm vaccine mới là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 diễn ra từ ngày 12 – 14/5/2019 tại Chùa Tam Chúc, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam

CDC Hà Nam

Tiêm vắc xin – biện pháp phòng bệnh hiệu quả

admin

Gặp mặt, tri ân cán bộ Ngành Y tế nhân 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 -27/2/2022)

Mậu Ngọ