Chủ động phòng tránh bệnh truyền nhiễm

(CDC Hà Nam)

Hiện nay, thời tiết đang chuyển từ Thu sang Đông. Đây là thời điểm thuận lợi cho các loại bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Đặc biệt là bệnh tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và một số bệnh mới nổi. Để người dân có thêm thông tin, chủ động phòng tránh nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa, Ban biên tập Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có cuộc phỏng vấn với TS.BS Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm.

TS.BS Trần Đắc Tiến      Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

PV: Xin TS.BS Trần Đắc Tiến cho biết những bệnh thường gặp vào thời điểm chuyển từ mùa Thu sang mùa Đông?

TS.BS Trần Đắc Tiến: Hiện tại thời tiết đang chuyển dần từ mùa Thu sang mua Đông với hình thái thời tiết chủ đạo là lạnh khô, chênh lệch nhiệt độ rộng (ban ngày nhiệt độ cao, đêm nhiệt độ thấp) xen kẽ đợt nhiệt độ thấp ẩm lạnh và đợt gió mùa do đó bất lợi cho sức khỏe của người dân đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Các bệnh truyền nhiễm thường hay gặp trong mùa này là các bệnh lây theo đường hô hấp: Cúm, sởi, ho gà, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não do não mô cầu…; một số bệnh lây theo đường da và niêm mạc: bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng, thủy đậu, viêm da thần kinh, một số bệnh do côn trùng: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, viêm da do kiến ba khoang đốt…

PV: Trên địa bàn tỉnh Hà Nam những dịch bệnh này diễn ra thế nào thưa Tiến sĩ?

TS.BS Trần Đắc Tiến: Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, một số dịch bệnh có tính chất lưu hành tại tỉnh có tỷ lệ mắc tiếp tục giảm sâu so với các năm trước đây: Dịch sốt xuất huyết giảm 60% so cùng kỳ năm 2022, dịch tay chân miệng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt dịch COVID-19 nhiều tuần nay chỉ ghi nhận dưới 05 trường hợp/tuần, thậm chí có tuần không ghi nhận ca bệnh; từ đầu năm đến nay không ghi nhận tử vong. Duy nhất, đến thời điểm này ghi nhận dịch viêm kết mạc cấp (hay gọi là dịch đau mắt đỏ); tuy nhiên, không có biến chứng nặng, thời gian mắc trung bình của bệnh nhân khoảng 03 đến 05 ngày là khỏi.

PV: Tiến sĩ có khuyến cáo gì cho người dân để thực hiện tốt công tác phòng bệnh giao mùa?

TS.BS Trần Đắc Tiến: Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới người dân hãy:

  1. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  2. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: Cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
  3. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
  4. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: Sởi, rubella, ho gà, bạch hầu…).
  5. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
  6. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Xin cảm ơn TS.BS Trần Đắc Tiến!

Mậu Ngọ thực hiện

Bài viết liên quan

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người năm 2024

Mậu Ngọ

Đại hội Chi bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nhiệm kỳ 2023-2025 thành công tốt đẹp

Mậu Ngọ

13 mẫu bệnh phẩm thực hiện ngày 19/12/2020 âm tính với SARS-CoV-2

Ngọc Nga