Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ

(CDC Hà Nam)

Sau mưa lũ sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Chính vì vậy người dân cần biết các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ. Dưới đây là một số bệnh thường gặp sau mưa lũ.

Các bệnh về da thường gặp sau mưa lũ

Sau mưa bão, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa…

Viêm nang lông

Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

Ghẻ, bệnh thường gặp sau mưa lũ

Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Biểu hiện là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Chốc lở

Là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Nước ăn chân

Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

Phòng ngừa các bệnh về da

Trong các bệnh da mùa mưa lũ kể trên, một số bệnh có thể nhanh khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần được khám chuyên khoa để điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để dứt điểm bệnh hoàn toàn và hạn chế lây lan. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp sau:

Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nguồn nước sạch;

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng sau mưa lũ;

Mang các dụng cụ bảo hộ nếu đi vào vùng nước ngập;

Tránh tiếp xúc với nước lũ, vùng ngập nước nếu bạn có vết thương hở;

Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Làm sạch và băng kín vết thương để giảm nguy cơ nhiễm trùng;

Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh;

Không tự ý đắp lá hay bôi thuốc theo mách bảo vào vết thương.

                                                                       Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Bỏ thuốc lá ngay khi xuất hiện 2 “vết sưng” này

CDC Hà Nam

Các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Ngọc Nga

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus

CDC Hà Nam