Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng: Cần ý thức từ chính người dân

(CDC Hà Nam)

Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ lâu, song tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh những người hút thuốc lá nơi tập trung đông người, như: Nhà hàng, bến xe, khuôn viên bệnh viện, trường học… thậm chí ngay cạnh biển “Cấm hút thuốc lá”. Dù biết việc hút thuốc lá tại nơi công cộng bị cấm và có thể bị xử phạt, thế nhưng nhiều người vẫn dửng dưng, thờ ơ, ngang nhiên hút thuốc mọi lúc, mọi nơi.

Biết hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, song do thói quen, áp lực công việc nên anh Phạm Mạnh Cường, xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý chưa thể bỏ được hút thuốc lá, mặc dù anh đã từng bỏ hút thuốc được khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, anh không bao giờ hút thuốc trong nhà hoặc cạnh những người xung quanh, mà thường lựa chọn góc riêng để tránh khói thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người khác.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn tồn tại, như: Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; việc cai nghiện thuốc lá không dễ dàng, người hút thuốc lá khó có thể bỏ thuốc được ngay; thuốc lá được bày bán công khai, ai cũng có thể dễ dàng mua được. Hơn nữa, bản thân những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng chưa chủ động, mạnh dạn đấu tranh, phê bình hành vi hút thuốc lá của những người xung quanh. Trong khi đó, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng không dễ bởi việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian… Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền lại thiếu lực lượng chuyên trách và không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt, nên tình trạng trên vẫn diễn ra rất phổ biến.

Khi được hỏi, ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe chính mình và những người xung quanh; biết về những quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, thế nhưng không phải người hút thuốc nào cũng thực hiện nghiêm quy định trên và không phải người không hút thuốc nào cũng dám nêu ý kiến. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc lá thụ động.

Thông tư 11/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là văn bản mới nhất quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Theo đó, các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở, hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định về phòng cháy và chữa cháy.

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác; khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng như: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác. Ô tô, tàu bay, tàu điện là những phương tiện giao thông cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

Đây được xem là nỗ lực mới nhằm bảo vệ sức khỏe, môi trường; ứng xử văn minh trong đời sống. Cùng với đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Ngoài nỗ lực của các ngành chức năng, yếu tố quan trọng và giữ vai trò quyết định để việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng đạt hiệu quả, đó chính là ý thức người dân. “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” là chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống thuốc lá 31/5 năm nay. Do đó, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá và hãy giảm thuốc lá, tiến tới cai nghiện thuốc lá; kiên quyết nói không với thuốc lá khi chưa từng hút, hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá.

Bài viết liên quan

Tập đoàn Tetra Laval trao tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thiết bị xét nghiệm y tế phòng, chống dịch COVID-19 trị giá 2 tỷ đồng

Ngọc Nga

4 loại cháo giảm triệu chứng ho, sốt, tăng đề kháng cho F0 tại nhà

Ngọc Nga

Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa lũ

CDC Hà Nam