Thông thường, người bị cúm A sẽ hồi phục sau vài ngày và khỏi bệnh sau một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người có thể gặp biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như viêm phổi, suy hô hấp.
Các chủng cúm A và sự nguy hiểm
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch.
Khi virus cúm xâm nhập vào các cơ quan tổ chức, ở phổi sẽ gây phù nề, xung huyết hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, làm tổn thương mạch máu dẫn đến xung huyết, xuất huyết, nếu nhân cơ hội này mà vi khuẩn xâm nhập vào phổi thì tình trạng bội nhiễm phổi trở nên rất nghiêm trọng.
Ở tim, gan, thận, màng não cũng bị tổn thương ở các mức độ khác nhau. Những đối tượng dễ bị biến chứng nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, trong đó có biến chứng viêm phổi là nguy hiểm nhất
Viêm phổi do vi khuẩn có thể phát triển từ viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới. Người bệnh ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt ngày càng tăng và đau ở ngực khi hít thở sâu, đây là những dấu hiệu cảnh báo viêm phổi. Biến chứng nặng của viêm phổi sau khi nhiễm cúm là viêm phổi hoại tử, điều trị không phải dễ dàng. Người bệnh sẽ khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… thiếu oxy và thậm chí là tử vong.
Đặc biệt đối với trẻ em sẽ có một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của trẻ.
Theo CDC Hoa Kỳ, cúm và viêm phổi cộng lại là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 ở Mỹ, giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm.
Nguyên nhân lây cúm A
Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo virus thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít phải hoặc chạm phải đồ vật có virus.
Ngoài ra, một người có thể bị nhiễm cúm A khi:
– Sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (bát, đũa, cốc, chén, khăn, quần áo…) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà (nắm cửa, bàn, ghế…) sau đó đưa lên mũi, miệng.
– Tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm… cũng có thể lây bệnh.
– Tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở… cũng là điều kiện để virus lây lan nhanh chóng.
Biểu hiện của cúm A
Triệu chứng cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt.
Người bệnh cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch.
Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.
Biểu hiện cúm khi trở nặng
+ Người bệnh bứt rứt, khó chịu, hoặc lừ đừ, ngủ lịm, gọi không trả lời, nặng nhất là co giật bất tỉnh.
+ Người bệnh thở nhanh, rút lõm phần dưới lồng ngực khi hít vào, thở rít khi nằm yên, môi nhợt nhạt, tím tái.
+ Chân tay lạnh, môi khô, da nổi bông, mạch không bắt được ở cổ tay, nếu có đo huyết áp thì ghi nhận huyết áp tụt hoặc bằng không.
Chỉ cần ghi nhận có một trong những triệu chứng kể trên, thì ngay lập tức đưa trẻ vào bệnh viện gần nhà nhất để cấp cứu kịp thời.
Để phòng cúm thì cần vệ sinh cá nhân cẩn thận: Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc người nghi mắc cúm, tránh tập trung nơi đông người trong mùa dịch.
Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.
Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
Tiêm vaccin cúm đầy đủ, đúng lịch, nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.
Ngọc Nga (tổng hợp)