Say nắng là tình trạng rất thường gặp trong mùa hè. Vậy say nắng có biểu hiện gì và nên xử lý như thế nào khi bị say nắng?
Dấu hiệu say nắng
Say nắng là tình trạng sốc nhiệt do tác động của nắng nóng hoặc do hoạt động thể lực quá sức. Khi thân nhiệt cơ thể tăng nghiêm trọng dẫn theo rối loạn hoạt động của các cơ quan khác như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Thường say nắng hay đi kèm với say nóng.
Say nắng thường xảy ra vào thời điểm giữa trưa khi thời tiết nắng nóng gay gắt và có nhiều tia UV. Những người làm việc dưới thời tiết nắng nóng và không khí lưu thông kém thường dễ gặp tình trạng say nắng.
Say nắng có biểu hiện gì? Say nắng ở trường hợp nhẹ thường có các dấu hiệu như:
- Thở nhanh
- Tim đập nhanh
- Da đỏ
- Cơ thể vã mồ hôi
- Hoa mắt, chóng mặt có thể kèm theo đau đầu và buồn nôn
- Nếu người bệnh không được xử trí kịp thời có thể gây ra các dấu hiệu nặng hơn như:
Tụt huyết áp
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn chức năng hệ thần kinh: mê sảng, lú lẫn, hôn mê hoặc co giật
- Khi thân nhiệt tăng quá cao không được xử trí kịp thời có thể gây ra tình trạng rối loạn điện giải
Xử lý khi say nắng
Khi gặp tình trạng say nắng cần làm gì? Nếu người bệnh còn tỉnh táo cần nhanh chóng di chuyển người bệnh vào nơi thoáng mát (dưới gốc cây, nơi có bóng râm, trong nhà…). Đồng thời áp dụng các biện pháp sau để hạ thân nhiệt cho người bệnh như:
- Nếu có nhiệt kế nên đo thân nhiệt
- Để người bệnh nằm nghiêng hoặc ngồi ở tư thế tay chống vào gối
- Cởi bớt quần áo trên người bệnh nhân và dùng quạt để giảm bớt nhiệt trên cơ thể
- Dùng khăn lạnh đắp vào phần cổ, nách, bẹn…
- Cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải
- Trong trường hợp người bệnh bất tỉnh cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa say nắng vào mùa hè như thế nào?
Để tránh tình trạng say nắng khi thời tiết nắng nóng, mọi người cần lưu ý:
- Khi ra ngoài vào thời tiết nắng nóng cần che chắn kín có thể mặc áo chống nắng, quần áo dài tay, đội mũ rộng vành và sử dụng kem chống nắng. Nên mặc trang phục có màu sắc sáng để hạn chế hấp thụ nhiệt và mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, có chất liệu thấm hút mồ hôi.
- Uống đủ nước đặc biệt là khi phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Thường xuyên uống nước kể cả khi không khát và chia nhỏ thời gian uống trong ngày hạn chế đồ uống có cồn, nước ngọt có gas.
- Nếu làm việc quá lâu dưới thời tiết nắng nóng cần có thời gian nghỉ ngơi tại khu vực thoáng mát.
- Nếu có thể nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết nắng nóng khung giờ từ 10h đến 14h hàng ngày.
- Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại rau xanh, trái cây, đặc biệt là các loại rau củ có chứa nhiều kali như cà chua, rau mồng tơi, chuối…
- Tuyệt đối lưu ý không được để người già, trẻ nhỏ trong xe ô tô khi đã tắt máy quá lâu vì nhiệt độ có thể tăng cao rất nhanh gây ra tình trạng sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
- Khi vừa làm việc hoặc đi ra ngoài trời nắng nóng về, không nên bước vào phòng điều hòa hoặc tắm để tránh tình trạng chênh lệch nhiệt độ có thể dẫn tới đột quỵ.
Đinh Hạnh (tổng hợp)