Cục Y tế dự phòng vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai truyền thông, phổ biến khuyến nghị “Hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng, natri rất cần thiết đối với cơ thể người nhưng ăn thừa natri lại gây tác hại cho sức khỏe. Tiêu thụ thừa natri là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác.
Các nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, bao gói sẵn của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên. Việc đưa ra các khuyến cáo hàm lượng natri tối đa trong 100g thực phẩm là hết sức cần thiết nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng các biện pháp giảm natri trong công thức chế biến, thay thế natri bằng gia vị khác trong thực phẩm góp phần cung cấp cho cộng đồng sản phẩm thực phẩm ít natri hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng, căn cứ Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2025; Căn cứ Quyết định số 2033/QĐ-BYT ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018 – 2025;
Đồng thời căn cứ khuyến nghị toàn cầu về ngưỡng natri cho các loại thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới ban hành năm 2021, Cục Y tế dự phòng đã chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện và chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới xây dựng Khuyến nghị “Hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam”.
Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thêm điều kiện tiếp cận thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe, góp phần phòng ngừa bệnh không lây nhiễm;
Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm cải tiến công thức thực phẩm để tạo ra các thực phẩm giảm natri vì sức khỏe cộng đồng, đồng thời gia tăng giá trị của chính doanh nghiệp;
Hỗ trợ hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, hướng dẫn cộng đồng lựa chọn thực phẩm lành mạnh;
Đồng thời là công cụ để phân loại thực phẩm nhiều natri hay ít natri hơn nhằm góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng chung của chế độ ăn; cùng đó thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ natri tại Việt Nam và toàn cầu.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng khuyến nghị hàm lượng natri dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm xem xét áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm natri nhằm cung cấp đến người dân các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe và để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Khuyến nghị này dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và kết quả rà soát, khuyến nghị hàm lượng natri tối đa trên 100g thực phẩm đối với 11 nhóm thực phẩm chính và 46 tiểu nhóm thực phẩm phù hợp với danh mục quản lý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các sản phẩm có tại thị trường Việt Nam.
Đinh Hạnh (tổng hợp)