Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khoẻ cho con!

(CDC Hà Nam)

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường làm lây nhiễm HIV/AIDS. Nếu người mẹ nhiễm HIV thì nguy cơ lây truyền cho con là rất cao. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì phần lớn trẻ sinh ra sẽ không bị nhiễm HIV từ mẹ.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là gì?

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh.

Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con ở 3 giai đoạn: khi mang thai, khi chuyển dạ và khi cho con bú.

Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau/nhau thai để vào cơ thể thai nhi.

Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.

Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu.

Làm gì để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con?

Việt Nam đặt mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Để làm được điều đó việc dự phòng là hết sức quan trọng. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với các biện pháp sau:

Đối với phụ nữ chưa nhiễm HIV:

Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Không sử dụng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai; Mọi dụng cụ xuyên chích qua da và niêm mạc dùng trong tiêm, chích, trong thủ thuật, phẫu thuật chữa bệnh và phẫu thuật thẩm mỹ v.v… đều phải dùng riêng hoặc sau khi đã được tiệt trùng đúng cách; Dùng riêng mọi dụng cụ có khả năng dính máu.

Phòng lây nhiễm HIV qua tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục (quan hệ tình dục): Sống chung thủy với nhau từ cả hai phía và cả hai không nhiễm HIV, nếu có nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị thuốc kháng HIV (ARV) đạt K=K (Không phát hiện = Không lây truyền; Bằng chứng khoa học chỉ ra rằng một người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV đạt tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục); Sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục;

Phụ nữ cần xét nghiệm HIV trước khi quyết định mang thai hoặc xét nghiệm HIV khi biết mình mang thai.

Phụ nữ mang thai: Thời điểm xét nghiệm HIV tốt nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những phụ nữ từng có hành vi nguy cơ như đã từng quan hệ tình dục với người không biết tình trạng nhiễm HIV, sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích, hoặc bản thân họ thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ bán dâm, có nhiều bạn tình hoặc phụ nữ có chồng, bạn tình nghiện chích ma túy.

Đối với phụ nữ nhiễm HIV:

Cần tham khảo ý kiến bác sỹ chuyên khoa trước khi quyết định mang thai. Sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Phụ nữ nhiễm HIV muốn sinh con hoặc phát hiện nhiễm HIV khi mang thai: Cần tới ngay các cơ sở có điều trị thuốc kháng HIV (ARV); Cần uống thuốc ARV ngay sau phát hiện nhiễm HIV và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.

Phụ  nữ mang thai cần xét nghiệm HIV ngay trong ba tháng đầu để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời.

Nếu không được can thiệp, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể lên tới 30-40%.

Nếu phụ nữ nhiễm HIV được can thiệp và điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt, phần lớn trẻ sinh ra không bị nhiễm HIV từ mẹ

                                                   Đinh Hạnh (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Những ai dễ mắc ung thư vùng đầu cổ?

Ngọc Nga

3 căn bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, cần hết sức lưu ý

Ngọc Nga

Ăn hành tây mỗi ngày ngừa loãng xương, viêm khớp và nhiều lợi ích khác

Ngọc Nga