Những thực phẩm thiết yếu và an toàn trong vùng ngập lụt

(CDC Hà Nam)

Sau khi lũ rút, ngoài việc vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh thì một trong những vấn đề quan trọng là đảm bảo nhu cầu thực phẩm và an toàn thực phẩm cho người dân vùng ngập lụt. Người dân cần biết lựa chọn những thực phẩm nào là thiết yếu và cách sử dụng, bảo quản an toàn.

  1. Những thực phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt

Chuẩn bị và tiếp tế thực phẩm là nhu cầu cấp thiết trong các tình huống khẩn cấp như lũ lụt. Không phải tất cả các loại thực phẩm đều tốt để tiêu thụ trong những vùng ngập lụt và không phải tất cả các loại thực phẩm đều có thể bảo quản tốt trong thảm họa thiên nhiên. Lựa chọn đúng loại thực phẩm sẽ đảm bảo duy trì chế độ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe và tái thiết cuộc sống cho người dân sau khi lũ lụt.

Nước sạch

Mặc dù khu vực bạn đang sống nước có thể chỉ ngập tới đầu gối, nhưng nước đó không an toàn để uống. Nước lũ có thể chứa nhiều loại hóa chất và vi khuẩn có hại như thuốc trừ sâu, phân bón chảy ra từ vườn, đồng ruộng, chứa hóa chất gia dụng từ các công trình bị cuốn trôi. Ngay cả nước uống từ đường ống trong nhà cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn và hóa chất. Nước giếng cũng có thể bị nhiễm bẩn.

Người dân chỉ sử dụng nước từ các nguồn an toàn (nước đóng chai nếu có) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình đã được xử lý an toàn, không còn bị ô nhiễm.

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), nước đã xử lý có thể dùng cho mục đích nấu ăn, sinh hoạt. Tuy nhiên, nước dùng để uống trực tiếp cần được đun sôi trước khi uống. Để làm trong nước, người dân có thể sử dụng phèn chua, vải cotton lọc lại nhiều lần hoặc thiết bị lọc nước đảm bảo chất lượng xử lý theo đúng hướng dẫn.

Ưu tiên lương thực, thực phẩm đóng gói sẵn

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo các tổ chức/cá nhân cứu trợ thực phẩm nên ưu tiên quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày như: lương khô, các thực phẩm đóng hộp, bao gói kín như thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mỳ ăn liền, xúc xích tiệt trùng, nước uống đóng chai, đóng bình… của các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, có ghi nhãn và hạn sử dụng đầy đủ theo quy định.

  1. Cách kiểm tra và sử dụng thực phẩm an toàn

Cục An toàn thực phẩm lưu ý, những người cấp phát thực phẩm cứu trợ cần bao gói hàng cẩn thận để tránh bị ngấm nước mưa hoặc rơi, ngập trong nước lũ, bùn. Đối với các thực phẩm tự chế biến, bao gói có thời hạn sử dụng ngắn, cần lưu ý thời gian vận chuyển để đảm bảo khi thực phẩm tới tay người được cứu trợ không bị biến chất, ôi thiu, mốc hỏng.

Đối với người dân sử dụng thực phẩm cứu trợ cần:

– Kiểm tra bao gói thực phẩm được cấp phát, cứu trợ trước khi ăn.

– Tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, thực phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

– Thực phẩm đóng hộp dù bên ngoài có thể không phồng, nhưng khi mở ra nghe tiếng “xì”, tức là có không khí ở trong, hơi “nặng mùi” cũng không nên sử dụng để phòng đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí.

– Đối với các loại thực phẩm do người hỗ trợ tự làm như bánh chưng, bánh dày, bánh tét, .. được sản xuất thủ công, tự đóng gói, đóng kín bằng màng bọc hút chân không thì trước khi sử dụng cần quan sát kỹ, nếu phía trong màng bọc có các bóng khí, màng bọc căng phồng hoặc khi mở màng bọc ra thực phẩm bị nhớt, mốc, mùi, vị khác thường thì tuyệt đối không sử dụng.

  1. Tham khảo danh sách thực phẩm tốt nhất để sinh tồn

Trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, ngập lụt, mất điện, ô nhiễm nguồn nước… thì thực phẩm và nước là những nhu cầu cơ bản nhất để sinh tồn.

Những thực phẩm dùng trong những điều kiện này cần đảm bảo dinh dưỡng, có thời hạn sử dụng lâu dài, thuận tiện khi sử dụng, dễ mang đi trong trường hợp phải di tản.

Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm được đánh giá giúp sinh tồn tốt nhất trong các tình huống khẩn cấp như lũ lụt bao gồm:

  • Lương khô.
  • Nước uống sạch (nước đóng chai).
  • Thịt đóng hộp: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, hải sản và các thực phẩm giàu protein khác.
  • Đậu đóng hộp.
  • Rau đóng hộp.
  • Trái cây và nước ép trái cây đóng hộp.
  • Trái cây sấy khô.
  • Sữa đóng hộp, sữa hộp hoặc sữa khô.
  • Đường, gia vị khô.
  • Các loại ngũ cốc: ngũ cốc ăn liền, bánh quy, mỳ gói, thanh ngũ cốc và protein…

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ

Ngọc Nga

Cách phòng ngừa bệnh dại

Ngọc Nga

Những thay đổi tâm sinh lý trước và sau khi sinh em bé

CDC Hà Nam