Cần chăm sóc người cao tuổi để nâng cao tuổi thọ

(CDC Hà Nam)

Tuổi thọ của con người phụ thuộc vào nhiều tố, trong đó có yếu tố thói quen và môi trường sống. 5 yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ chúng ta có thể phòng ngừa được.

Yếu tố môi trường

Ngoài tính di chuyền, tuổi thọ của con người còn chịu tác động của môi trường sống. Khói độc, bụi, nước thải công nghiệp, bụi phóng xạ, thuốc trừ sâu, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường… sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Gây hệ lụy tử vong sớm hơn so với người sinh sống ở môi trường ít khói bụi, ít tiếng ồn và các chất độc hại.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh đường hô hấp. Theo báo cáo, khói thuốc lá trực tiếp làm giảm tuổi thọ trung bình 1,9 năm; nguồn nước không an toàn và thiếu vệ sinh làm giảm tuổi thọ 7 tháng,… Tuy nhiên, không giống như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí tác động đến tất cả mọi người và gần như không thể tránh khỏi.

Như vậy, việc bảo vệ môi trường là việc thiết thực mà ai cũng cần hành động, cụ thể như: Giữ gìn cây xanh, bảo vệ rừng, trồng cây phủ xanh đồi trọc; Giảm sử dụng túi nilông; Nên sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi và các loại hóa chất sử dụng trong vệ sinh hằng ngày; Nâng cao ý thức sống….giúp kéo dài tuổi thọ.

Ít hoạt động thể lực

Việc luyện tập thể dục thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Người già thường bị suy hô hấp do thiếu vận động và thể dục thể thao, nên thiếu oxy tế bào, suy hô hấp kéo dài, dẫn đến quá trình già cỗi nhanh chóng.

Chính vì vậy, vận động thường xuyên, hợp lý giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, tinh thần phấn chấn, yêu đời, trí óc sáng suốt và lao động có năng suất. Với người già nên rèn luyện thân thể với các loại thể dục thể thao phù hợp.

Phương pháp tập luyện thích hợp nhất với người cao tuổi là đi bộ và thở sâu. Tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ dưỡng sinh, thăm nom bạn bè, bà con, tham quan danh lam thắng cảnh… là cách sống năng động, bồi bổ cả tinh thần và thể chất… điều này sẽ giúp người cao tuổi sống thọ, sống khỏe.

Dinh dưỡng không khoa học, lạm dụng đồ ăn nhanh

Chế độ ăn không khoa học, lạm dụng đồ ăn nhanh, ăn quá nhiều thực phẩm giầu tinh bột, chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ béo phì, các bệnh mạn tính và tàn phế ở tuổi già. Vì vậy, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trong bào thai hay sớm hơn là từ khi người mẹ có ý định mang thai, chứ không phải đợi đến khi đã già.

Một con người sinh ra khỏe mạnh, được chăm sóc hợp lý, trong tương lai sẽ là một người già khỏe mạnh. Vì vậy cần chú ý dinh dưỡng trong cả cuộc đời.

Ăn uống hợp lý phù hợp cho từng độ tuổi, đảm bảo đủ dưỡng chất, đa dạng thực phẩm. Ăn đủ bữa trong ngày, không nên bỏ bữa sáng, không ăn quá no trong một bữa, không nên ăn quá nhiều chất đường, chất béo, các thức ăn có nguy cơ sản sinh các chất nguy hại như thức ăn chiên nướng quá cháy, dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, cần tăng cường rau xanh, quả chín trong khẩu phần hàng ngày…

Đối với người cao tuổi vẫn cần đủ chất đạm, sinh tố, khoáng chất như calci, sắt như người trưởng thành. Như vậy thức ăn cho người già số lượng ít nhưng phải giàu dinh dưỡng mới cung cấp đủ chất.

Bữa ăn nên có cá, ít nhất 3 lần mỗi tuần, đậu, nhiều rau xanh, trái cây cung cấp các chất chống oxy hóa, tăng lượng khoai củ như khoai lang, khoai môn, tăng cường chất xơ. Hạn chế trứng, thịt, chỉ nên ăn 2 – 3 lần mỗi tuần và tránh ăn thịt mỡ. Cách nấu nướng nên luộc hấp hơn là chiên, quay. Hạn chế ăn mặn, không nên uống rượu, bia.

Người cao tuổi cần uống đủ mỗi ngày 1 – 1,5 lít nước, không nên uống các loại nước ngọt, nên uống nước đun sôi để nguội, nước trà, ăn nhiều canh và nên uống sữa hoặc sữa đậu nành để tăng cường thêm dưỡng chất và canxi phòng tránh loãng xương.

Không tuân thủ chế độ chăm sóc, điều trị

Tuân thủ điều trị tức là dùng thuốc đúng liều và đúng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc được kê. Việc không tuân thủ điều trị là rất phổ biến và có thể gây hậu quả đáng kể như tình trạng bệnh nặng lên, biến chứng, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, sự tuân thủ điều trị còn bao gồm duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể dục, không hút thuốc… Việc tuân thủ kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, đến chất lượng sống. Lúc đó, những tiến bộ của y dược học cũng không làm gì được để giảm gánh nặng của bệnh mạn tính.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

7 điều nên làm để có được sức khỏe dẻo dai

Ngọc Nga

Triệu chứng bệnh cảm lạnh

Ngọc Nga

Loại quả “khó ngửi” với nhiều người nhưng có tác dụng chữa bệnh tuyệt diệu không thể ngờ

Ngọc Nga