Cần tăng cường các biện pháp để bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá

(CDC Hà Nam)

Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm và hơn 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc thụ động trên toàn thế giới. Để tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các quốc gia đối với công tác phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.

Năm 2024, chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” được WHO lựa chọn nhằm kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ trẻ em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số. Theo WHO, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà  Nam tuyên truyền về PCTH của thuốc lá tại Nhà máy May trên địa bàn xã Liêm cần huyện Thanh Liêm

Tại Việt Nam, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác PCTH thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Qua thực tế cho thấy, hiện nay số lượng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng, nhất là ở nhóm lứa tuổi từ 15 -24 là nhóm tuổi biết đến thuốc lá điện tử nhiều nhất. Để bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá bảo, thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá; xây dựng Môi trường trường học không khói thuốc; phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền, vận động cha mẹ, người thân gương mẫu không hút thuốc lá. Các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào nội quy, quy chế của trường, là tiêu chí để đánh giá thi đua hằng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về thuốc lá thế hệ mới tới đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Theo đó, tạo môi trường làm việc không khói thuốc lá; treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền, gắn bảng, biểu tượng cấm hút thuốc tại những địa điểm công cộng; tổ chức các buổi tuyên truyền tới thế hệ trẻ và người dân trên địa bàn về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đối với sức khỏe con người. Qua đó, đã thu hút đông đảo đoàn viên và Nhân dân tham gia, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử. Từ đó, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.

Phát tờ rơi tuyên truyền về PCTH của thuốc lá cho công nhân tại huyện Thanh Liêm

Thực tế hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã ban hành việc nghiêm cấm sử dụng thuốc lá trong trường học. Tuy nhiên, phần lớn học sinh, đoàn viên thanh niên có hút thuốc thường sử dụng ở phạm vi ngoài trường học nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, các em dễ dàng mua thuốc lá ở nhiều nơi như quán nước, quán ăn… Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng giới trẻ hút thuốc lá, hạn chế tác hại của thuốc lá đối với trẻ em cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình và nhà trường; tạo cho các em một môi trường phát triển lành mạnh, không khói thuốc lá…

Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc hút thuốc lá gây hại và có ảnh hưởng xấu đến tương lai của các em. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên không hút thuốc, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ tương lai có đầy đủ thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Phan Hạnh

 

 

Bài viết liên quan

Xây dựng môi trường Bệnh viện không khói thuốc

CDC Hà Nam

Mẹ hút thuốc lá tăng nguy cơ mù lòa cho thai nhi

Mậu Ngọ

Vì sức khỏe của mỗi người, chúng ta không hút thuốc lá

Mậu Ngọ