Biến chứng thường gặp khi mắc sốt xuất huyết

(CDC Hà Nam)

Bệnh sốt xuất huyết trở nặng có thể gây tụt huyết áp, đau đầu, giảm tiểu cầu, cô đặc máu.

Bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ trải qua ba giai đoạn từ nhẹ đến nguy hiểm và phục hồi, từng giai đoạn có thể gặp biến chứng khi không điều trị đúng cách, như:

Tụt huyết áp và đau đầu: người bệnh khó đứng thẳng và đi bộ do huyết áp giảm đột ngột. Cơn nhức đầu nặng khiến bệnh nhân choáng váng, khi tăng nặng có thể gây xuất huyết não.

Giảm tiểu cầu, cô đặc máu: giảm tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu thấp, ảnh hưởng khả năng đông, cầm máu của cơ thể. Với các ca chuyển nặng, nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, tử vong. Ở giai đoạn hạ sốt, các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn sẽ xuất hiện, gây tụt huyết áp, sốc…

Sốc do mất máu: sốt xuất huyết gây ra tình trạng thoát huyết tương. Biểu hiện lâm sàng là người bệnh sẽ chảy máu cam, chân răng, hoặc qua vết thương hở. Mất máu sẽ khiến người bệnh kiệt quệ, sốt cao không giảm, vã mồ hôi, nôn nhiều.

Suy đa tạng: người bệnh rối loạn hệ thống tuần hoàn do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể, như: tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất huyết liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng khiến tim bị phù nề, xuất huyết cơ tim, suy tim. Ngoài ra, thận cũng phải làm việc quá tải để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.

Tràn dịch màng phổi, ổ bụng: virus Dengue làm tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài. Nếu truyền dịch nhiều nhưng không tăng cường thải dịch sẽ khiến bệnh nhân bị viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi…

Phòng bệnh và biến chứng nặng do sốt xuất huyết

Để giảm tình trạng sốt xuất huyết trở nặng, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh và chủ động phòng ngừa. Dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng gồm đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu. Người bệnh nên chủ động đến thăm khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ hướng dẫn theo dõi và ra chỉ định điều trị phù hợp. Bệnh nhân không tự ý dùng kháng sinh, thuốc có chứa aspirin hoặc corticoid.

Nhằm phòng sốt xuất huyết hiệu quả hơn, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành  vaccine sốt xuất huyết , triển khai tiêm từ tháng 9. Vaccine giúp phòng 4 type virus huyết thanh gây bệnh (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4). Mũi tiêm chỉ định cho người từ 4 tuổi trở lên, không cần sàng lọc tình trạng nhiễm Dengue trước đó. Lịch tiêm hai liều cách nhau ba tháng.

Bên cạnh đó, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, dọn dẹp nơi ở và môi trường sống, đóng nắp các lu nước tránh làm môi trường cho lăng quăng, muỗi vằn sinh sôi và đẻ trứng. Ngoài ra, người dân cần mắc màn khi ngủ, bất kể thời gian nào trong ngày, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc diệt muỗi..

Mậu Ngọ (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Ăn ít 5 thực phẩm này để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

CDC Hà Nam

Người cao tuổi cần ăn, uống gì để tăng đề kháng chống lại COVID-19

Ngọc Nga

Phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người

Ngọc Nga