Người cao tuổi nên ăn uống thế nào để khỏe

(CDC Hà Nam)

Người già nên tiêu thụ thực phẩm dễ tiêu hóa, bổ sung thêm vitamin và canxi, hạn chế ăn mặn, chia thành nhiều bữa trong ngày.

Khi tuổi tác tăng lên, người cao tuổi có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Khả năng cảm nhận mùi vị giảm, các cơ quan tiêu hóa cũng như răng miệng hoạt động kém hơn trước, dẫn đến khả năng tiêu hóa hấp thu thức ăn bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, quá trình lão hóa còn làm tăng khả năng mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Vì vậy, người cao tuổi cần chế độ ăn hợp lý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để sống vui, khỏe.

Đối với những người cao tuổi, việc lựa chọn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn cần đa dạng thực phẩm từ các nhóm ngũ cốc, trong đó nên dùng ngũ cốc nguyên hạt; nhóm thực phẩm giàu đạm như thịt lợn, bò, cá, gà, các loại hạt; sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo; nhóm thực phẩm giàu chất béo như dầu thực vật như dầu ôliu, dầu đậu nành; các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó…

Ngoài ra, người cao tuổi thường gặp phải tình trạng thiếu hụt một số vi chất như vitamin D, canxi. Việc bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa chua, phô mai, cá nhỏ kho nhừ cả xương, cá hồi,… là cần thiết. Nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ như rau, củ, quả.

Mỗi bữa ăn cần đa dạng thực phẩm từ các nhóm ngũ cốc, trong đó nên dùng ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm hạn chế dùng là thịt đỏ và thịt chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói); thức ăn chiên rán, thực phẩm nhiều dầu mỡ; đường, bánh kẹo, đồ uống có cồn, đồ uống có gas, cafe. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều natri như muối, mì chính, nước mắm, hạt nêm, bột canh…

Thực phẩm nên được hấp, luộc, hầm kỹ; cắt mềm, nhỏ. Thường xuyên thay đổi thực đơn, không ăn quá no nhất là buổi tối, không bỏ bữa. Chia thành nhiều bữa trong ngày (3 bữa chính, 2 bữa phụ), nên ăn chậm, nhai kỹ.

Sau khi ăn nên nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng 30 phút. Theo dõi cân nặng thường xuyên. Nếu có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… cần tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

Người cao tuổi cũng cần có chế độ tập luyện cũng như chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần. Lựa chọn môn vận động thể thao phù hợp với tình trạng sức khoẻ như đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng,… để cải thiện sức khoẻ và duy trì cân nặng hợp lý. Tham gia các lớp thể dục dưỡng sinh hay câu lạc bộ người cao tuổi để có thêm người bầu bạn. Khuyến khích tập luyện, vận động để duy trì khối cơ và chức năng. Tạo mối quan hệ trong gia đình vui vẻ, ấm cúng, quan tâm tới người cao tuổi.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Cần chăm sóc người cao tuổi để nâng cao tuổi thọ

Ngọc Nga

Cách phòng ngừa đột qụy ở người cao tuổi trong mùa đông

Ngọc Nga

Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

Ngọc Nga