Sáng 29/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Mít tinh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại đầu cầu Trung ương, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế; đại diện người sống chung với HIV; đại biểu dự tại 63 điểm cầu trực tuyến của 63 tỉnh/thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Hà Nam, có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc tại điểm cầu Trung ương, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau gần 35 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình. Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu Thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Để đạt được những thành tựu vô cùng nổi bật, công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm vừa qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, Ban Bí thư đã 03 lần ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Cùng với đó, đã thiết lập được một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS đến các văn bản dưới Luật. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định này thay thế cho nội dung được quy định tại 05 Nghị định, bảo đảm sự thống nhất và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế, các địa phương cũng đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch đảm bảo tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, chúng ta cũng đã và đang tiếp tục huy động và nhận được một nguồn lực đáng kể từ các tổ chức quốc tế. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ quý báu này cũng như thể hiện cam kết đối với cộng đồng tài trợ quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức có liên quan để kiện toàn Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, Lao và Sốt Rét.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết, sự tận tụy và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt thời gian qua. Đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và Nhân dân các nước, các tổ chức đa phương, song phương đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ to lớn về kỹ thuật và tài chính trong nhiều năm qua.
Để hướng tới chấm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Phó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nội dung của chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường đầu tư phân bổ tài chính; rà soát bổ sung hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phù hợp, thuận lợi công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS.
Đối với ngành Y tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của công nghệ 4.0 vào phòng, chống HIV/AIDS; tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn, ưu tiên cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Huy động y tế tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch bệnh.
Đối với người sống chung với HIV/AIDS cần có cái nhìn tích cực, tư duy mới về sống chung với HIV; thúc đẩy quyền lợi chăm sóc cho bản thân và những người có cùng hoàn cảnh hướng tới xã hội không còn phân biệt và tương lai không còn HIV.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long bày tỏ lời cảm ơn và mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là về tài chính để phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS trong năm 2030 để cùng các quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.
Ngọc Nga