Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh khớp cao hơn nam giới

(CDC Hà Nam)

Do khác biệt về đặc điểm sinh lý, cấu trúc xương khớp… phụ nữ có nguy cơ viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương cao hơn nam giới, cần được bảo vệ từ sớm.

Thông tin từ trang y học Medscape cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nữ bị viêm khớp dạng thấp hiện đang cao gấp 3 lần so với nam. Với bệnh thoái hóa khớp, số lượng bệnh nhân nữ cao hơn nam giới 1.5 lần. Còn với bệnh loãng xương, phái nữ cũng chiếm tỷ lệ áp đảo khi nhiều hơn đấng mày râu đến 4 lần.

Thông tin từ Osteoarthritis Action Alliance thuộc trung tâm Nghiên cứu Viêm khớp Thurston tại Đại học North Carolina (Mỹ) cho thấy, 62% số người bị viêm xương khớp là phụ nữ. Theo WebMD, phụ nữ trên 50 tuổi là đối tượng dễ bị loãng xương nhất. Tình trạng này xảy ra ở nữ cao gấp 4 lần so với nam giới.

Vì sao nữ giới có nguy cơ bệnh khớp cao?

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp phải cơn đau xương khớp ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ khiến tỷ lệ phụ nữ (ở mọi lứa tuổi) dễ bị đau khớp và mắc bệnh khớp hơn nam giới.

Đặc điểm sinh lý của nữ giới yêu cầu hệ thống dây chằng và các khớp thuộc phần thân dưới, bao gồm khớp háng, khớp gối, khung chậu…, phải co giãn và hoạt động nhiều. Trong khi đó, cấu trúc khớp và dây chằng của nữ giới yếu hơn nam, xương nhỏ và mỏng hơn nên khi cử động liên tục rất dễ tổn thương, tiến triển cơn đau khớp và bệnh lý khớp.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể (đặc biệt là estrogen) trong các giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con, tiền mãn kinh, mãn kinh cũng khiến xương khớp phụ nữ suy yếu nhanh hơn nam giới. Nội tiết tố nữ đóng vai trò bảo vệ mô sụn – lớp đệm bao bọc các đầu xương tạo nên khớp. Khi hàm lượng nội tiết tố này giảm đi, chất lượng sụn khớp cũng giảm theo, làm tăng quá trình hủy xương, lâu dần gây loãng xương, thoái hóa khớp.

Không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng sụn khớp, sự mất cân bằng nội tiết còn khiến sức đề kháng và khả năng miễn dịch của phái nữ bị rối loạn. Rối loạn miễn dịch cũng là nguồn cơn làm bùng phát quá trình viêm hủy hoại khớp, dẫn đến bệnh viêm khớp tự miễn.

Ngoài ra, việc phụ nữ thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, lười tập thể dục, có xu hướng dễ tăng cân hơn so với nam giới cũng là lý do khiến nữ giới có nguy cơ đau khớp và mắc bệnh khớp cao hơn nam.

Chăm sóc xương khớp đúng cách cho phái nữ

Để khớp bớt đau, giảm nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ Trần Thị Thanh Tú khuyên phái nữ nên chủ động chăm sóc sức khỏe xương khớp từ sớm bằng các giải pháp khoa học.

Trước hết, nữ giới nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, chú trọng vào nhóm thực phẩm giàu vitamin D, protein nạc, canxi và axit béo omega-3… đặc biệt, tăng cường rau xanh và trái cây tươi, hạn chế tối đa thức ăn nhanh và đồ uống chứa chất kích thích, nhiều đường.

Cùng với đó, phái nữ cần bổ sung những dưỡng chất có tác dụng hỗ trợ điều hòa miễn dịch, giúp làm dịu phản ứng gây viêm ở khớp như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide, turmeric root, chondroitin sulfate… Theo bác sĩ Tú, các tinh chất này khi được chiết xuất bằng công nghệ hiện đại, giữ được hoạt tính cao sẽ giúp ức chế quá trình viêm, tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, tăng cường chất lượng dịch khớp. Điều này giúp duy trì sự linh hoạt và khả năng vận động cho khớp xương nữ giới.

Phụ nữ cũng cần duy trì hoạt động thể chất đều đặn để tránh hiện tượng căng cứng các khớp, bằng cách: đi lại thường xuyên trong ngày, tránh đứng hoặc ngồi tại một vị trí quá lâu; rèn luyện thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày với các bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, khiêu vũ… Lưu ý, trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào, bạn nên bảo vệ khớp của mình bằng cách thực hiện các bài tập khởi động và đeo thiết bị bảo hộ thích hợp (nếu cần thiết).

Việc giữ cân nặng hợp lý cũng là biện pháp bảo vệ xương khớp. Bởi vì thừa cân, béo phì sẽ gây thêm áp lực, khiến các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, mắt cá chân, hông, lưng dễ đau mỏi và tổn thương. Do đó, bác sĩ Tú khuyến nghị phái nữ cần duy trì chỉ số khối cơ thể trong khoảng 18,5 – 24,9 (BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét)).

Mỗi người nên chủ động thăm khám xương khớp định kỳ 6 tháng hoặc một năm. Việc kiểm tra thường xuyên giúp nữ giới phát hiện kịp thời các bất thường của khớp để có phương án phòng trị phù hợp.

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Giảm muối ăn bảo vệ sức khỏe

Ngọc Nga

Mới: Bộ Y tế hướng dẫn dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh

Ngọc Nga

Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình

Ngọc Nga