Ăn gì giảm viêm khớp?

(CDC Hà Nam)

Súp lơ, bắp cải, cá béo, tỏi, quả anh đào, nghệ, thực phẩm giàu vitamin C hỗ trợ giảm viêm, làm chậm tiến trình bệnh viêm khớp.

Viêm khớp là tình trạng sưng, nóng, đỏ đau tại khớp bị viêm trên cơ thể. Bệnh do nhiều nguyên nhân gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiều loại bệnh lý khác. Bên cạnh điều trị, chế độ ăn khoa học, duy trì cân nặng phù hợp là yếu tố quan trọng kiểm soát viêm khớp.

Súp lơ và bắp cải chứa hợp chất sulforaphane chống viêm mạnh, ức chế sản xuất tế bào miễn dịch gây viêm như tế bào B, các cytokine (yếu tố hoại tử khối u) thúc đẩy viêm khớp. Thực phẩm này cũng có lợi cho sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson, Alzheimer và ung thư.

Cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu… cung cấp omega-3 dồi dào, loại axit béo chống viêm tự nhiên, giảm đau và viêm khớp. Mỗi người nên bổ sung cá béo vào chế độ ăn khoảng 2-3 lần mỗi tuần. Người không ăn cá thường xuyên, có thể bổ sung omega-3 bằng viên uống dầu cá hoặc dầu từ tảo phù hợp cho người ăn chay.

Tỏi và các loại rau, gia vị thuộc họ allium (bao gồm hành tây, tỏi tây, hẹ) có chứa hợp chất diallyl disulfide, hỗ trợ giảm các enzyme gây hại cho sụn, giảm viêm. Sử dụng tỏi tươi trong chế độ ăn hàng ngày có thể tăng cường tác dụng bảo vệ sụn khớp, giảm viêm nhiễm.

Quả anh đào (cherry) chứa anthocyanin và flavonoid – hai chất chống viêm mạnh, giảm triệu chứng viêm do gout, hạ mức axit uric. Loại quả này hỗ trợ giảm viêm khớp, cải thiện giấc ngủ nhờ tác dụng an thần tự nhiên.

Nghệ chứa chất curcumin có tác dụng chống viêm hiệu quả, tác động vào các cytokine và tế bào miễn dịch T, B bị rối loạn trong viêm khớp dạng thấp. Nghệ hỗ trợ giảm căng thẳng, huyết áp cao, cholesterol, điều hòa đường huyết, bảo vệ gan, nâng cao sức khỏe tổng thể. Kết hợp nghệ với hạt tiêu đen hoặc dầu dừa để tăng cường khả năng hấp thụ của cơ thể.

Rau củ quả giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi, dâu tây, ớt chuông và rau mùi tây hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, chữa lành tổn thương khớp. Vitamin C còn giúp ức chế các cytokine gây viêm, hạn chế sự tiến triển của viêm khớp. Người trưởng thành nên bổ sung khoảng 75 mg vitamin C mỗi ngày đối với phụ nữ và 90 mg đối với nam giới.

Một số tinh chất từ thiên nhiên như tinh chất eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thuỷ phân, turmeric root, chondroitin sulfate… hỗ trợ giảm đau thoái hóa khớp, viêm khớp. Chúng bảo vệ màng hoạt dịch tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, góp phần làm chậm quá trình thoái hóa khớp.

Trước khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn hoặc thực phẩm bổ sung, người bệnh viêm khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. Người bệnh nên tuân thủ lịch khám của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, nhất là khi bùng phát đợt viêm khớp cấp.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Một số điều cần lưu ý giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa

Ngọc Nga

Không muốn ‘rước ung thư’ thì thèm đến mấy cũng nên tránh xa những thực phẩm ‘sát thủ’ dạ dày này

Ngọc Nga

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

CDC Hà Nam