Cảnh giác bệnh dại vào cuối năm

(CDC Hà Nam)

Tỷ lệ tiêm phòng đàn chó mèo thấp, người dân chủ quan không tiêm vaccine sau khi bị cắn, cào khiến bệnh dại tiếp tục tăng cao, dù không phải mùa nóng.

Cao điểm bệnh dại mỗi năm thường là mùa hè, tháng 5-9. Tình trạng nhiều địa phương ghi nhận ổ dịch dại khi vào đông, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp… là yếu tố cần lưu tâm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2024, bệnh dại nước ta gia tăng đột biến. 8 tháng đầu năm ghi nhận 143.000 người tiêm vaccine dại, 65 ca tử vong ở 31 tỉnh, thành, tăng 10% so với cùng kỳ.

Số ca dại ở người tăng cao, dễ bùng phát mọi thời điểm trong năm vì nhiều yếu tố: quản lý chó mèo lỏng lẻo, không rọ mõm, để chúng chạy rông, nhất là không tiêm phòng dại cho vật nuôi khiến chúng bị bệnh.

Bên cạnh đó, hiện nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, nghĩ “chó nhà hoặc đã tiêm phòng cắn không sao”, sợ vaccine dại ảnh hưởng sức khỏe dẫn đến không tiêm kịp thời.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine ngừa dại – Verorab (Pháp), Abhayrab (Ấn Độ). Người bị động vật cắn, cào (chưa từng tiêm vaccine) gồm 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, tiêm trong da.

Trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị vật nuôi cắn, phác đồ gồm ba mũi cơ bản (ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và các mũi tiêm nhắc dành cho người có nguy cơ cao.

Nếu đã tiêm đủ số mũi vaccine, lần bị cắn, cào sau sẽ tiêm hai mũi vào ngày 0-3 qua đường bắp hoặc trong da.

Trường hợp đã phơi nhiễm cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Khi bị chó mèo cắn, dù vết thương nặng, bạn chỉ cần chích thêm hai mũi vào ngày 0-3, không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Ngoài ra, khi không may bị chó cắn mèo cào, mọi người cần rửa vết thương, hạn chế làm dập và không băng kín. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự can thiệp hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Dại do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật bị bệnh sang người qua vết cắn, cào, liếm… Thời gian ủ bệnh thường từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn hoặc kéo dài trên một năm, tùy mức độ tổn thương, vị trí vết thương và tải lượng virus xâm nhập cơ thể.

Các triệu chứng ban đầu gồm sốt, đau, cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát bất thường tại vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong.

Bác sĩ chỉ ra có hai dạng, một là bệnh dại hung dữ gây chứng tăng động, hành vi dễ bị kích động, ảo giác, thiếu sự phối hợp, sợ nước lẫn gió. Tử vong xảy ra sau vài ngày do ngừng tim, hô hấp.

Hai là bệnh dại thể liệt, chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc ở người, thường diễn tiến chậm và kéo dài hơn so với thể dại hung dữ. Khi bị bệnh, các cơ dần bị tê liệt bắt đầu từ vị trí vết thương. Tình trạng hôn mê phát triển chậm, cuối cùng dẫn đến tử vong. Lưu ý, dạng này thường bị chẩn đoán sai, dẫn đến báo cáo không đầy đủ về bệnh.

WHO khuyến cáo virus dại thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tổ chức này ước tính mỗi năm có 59.000 ca tử vong do dại, tạo gánh nặng tài chính cho người mắc lẫn cộng đồng.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Bí quyết giảm nguy cơ bệnh tật

CDC Hà Nam

Cảnh giác với biến chứng do viêm da cơ địa

CDC Hà Nam

10 biện pháp đơn giản trị tăng huyết áp

CDC Hà Nam