Những vấn đề sức khỏe thường gặp khi mang thai

(CDC Hà Nam)

Thai phụ có thể bị chuột rút, chóng mặt, giãn tĩnh mạch chân, táo bón trong thai kỳ nhưng thường không nguy hiểm đến sức khỏe.

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Đôi khi những vấn đề này có thể gây mệt mỏi, khó chịu.

Chuột rút

Chuột rút chân là cơn đau đột ngột, dữ dội ở bắp chân hoặc bàn chân, thường xảy ra vào ban đêm, trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên khi mang thai, nhất là chuyển động vùng chân hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, ngăn ngừa chuột rút. Thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về bài tập phù hợp nhằm đảm bảo thai kỳ an toàn. Uống đủ nước, bổ sung canxi, tắm nước ấm, massage chân cũng góp phần giảm triệu chứng.

Chóng mặt

Nồng độ hormone thay đổi trong thai kỳ khiến mạch máu giãn ra, tăng lưu lượng máu nuôi thai nhi trong tử cung. Điều này làm giảm huyết áp, dẫn đến não không nhận đủ máu và oxy, gây chóng mặt. Thai phụ bị thiếu máu hoặc giãn tĩnh mạch cũng dễ gặp tình trạng này.

Thai phụ đứng dậy hoặc thay đổi tư thế từ từ, làm việc nhẹ nhàng. Bổ sung thực phẩm giàu sắt, hoa quả chứa vitamin C để tránh thiếu máu.

Ra nhiều mồ hôi

Một số thai phụ cảm thấy cơ thể ấm hơn bình thường trong thời gian mang thai do những thay đổi về hormone hoặc lượng máu cung cấp cho da tăng lên, khiến mồ hôi tiết ra nhiều hơn. Nên mặc quần áo rộng rãi, làm từ sợi tự nhiên vì chất liệu này thấm hút và thoáng khí hơn. Giặt quần áo, chăn gối, ga trải giường thường xuyên, giữ phòng mát mẻ giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu.

Táo bón

Nguyên nhân phổ biến gây táo bón trong thai kỳ bao gồm thay đổi nội tiết tố, sử dụng thuốc, thực phẩm bổ sung, chế độ ăn thiếu chất xơ. Để ngăn ngừa táo bón, thai phụ cần uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau củ, các loại hạt, đậu…), tập bài thể dục phù hợp.

Tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ hay són tiểu là vấn đề phổ biến trong và sau khi mang thai. Thai phụ có thể không ngăn được cơn tiểu đột ngột khi ho, cười, hắt hơi, thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng. Tình trạng này thường tạm thời vì các cơ sàn chậu (cơ xung quanh bàng quang) thư giãn để chuẩn bị sinh. Một số bài tập phù hợp có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu giúp thai phụ kiểm soát tiểu không tự chủ.

Da thâm, rạn da

Sự thay đổi của hormone diễn ra trong thai kỳ thường khiến da của mẹ bầu sẫm màu hơn, từng mảng hoặc toàn bộ. Các vết bớt, nốt ruồi, tàn nhang cũng có thể đậm hơn. Những thay đổi này dần biến mất sau sinh. Vết rạn da xuất hiện khi da bị kéo căng để thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Thai phụ nên dùng kem hoặc dầu dành cho bé xoa lên da ngay từ khi bụng vẫn còn nhỏ để tránh rạn da.

Giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch là triệu chứng phổ biến trong thời kỳ mang thai, có thể khiến thai phụ khó chịu nhưng không gây hại. Nếu bị giãn tĩnh mạch hoặc phù chân, thai phụ nên hạn chế đứng trong thời gian dài, không ngồi bắt chéo chân, kiểm soát tăng cân (tăng cân quá nhiều làm tăng áp lực lên chân). Phụ nữ đặt chân cao khi ngồi hoặc ngủ để bớt khó chịu, tập chân, bài tập trước khi sinh giúp máu lưu thông…

Thai phụ nên đến cơ sở y tế để khám nếu các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng. Tuân thủ lịch khám thai có thể phát hiện sớm các bất thường, nhờ đó đảm bảo thai kỳ diễn ra thuận lợi.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Nghiên cứu vắcxin sốt xuất huyết tại Việt Nam đã hoàn tất

CDC Hà Nam

Có 5 triệu chứng này khi ngủ, bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe

CDC Hà Nam

Dấu hiệu cảnh báo quý ông đã mắc ung thư tinh hoàn

Ngọc Nga