Điểm báo ngày 28/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

Nhiễm khuẩn sau 1 năm nhấn mí mắt thẩm mỹ; Dồn lực đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS; WHO cảnh báo dịch sởi bùng phát tại nhiều quốc gia; Rượu, bia và những hệ lụy; Cứu sống nữ bệnh nhân bị xe trộn bê tông cán gần đứt người

 

Nhiễm khuẩn sau 1 năm nhấn mí mắt thẩm mỹ

TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ đã “gánh họa” sau khi nhấn mí mắt thẩm mỹ làm đẹp tại Spa.

Bệnh nhân là N.T.H (28 tuổi, Hà Nội), từng nhấn mí tại một Spa cách đây khoảng một năm. Thời gian gần đây, cả hai bên mí của bệnh nhân nổi nốt đỏ, đau, gây khó chịu. Kiểm tra mắt của bệnh nhân, bác sĩ phát hiện phần chỉ nhấn mí bị lộ ra ngoài khiến da nhiễm khuẩn, từ đó hình thành u hạt ở cả hai bên mí mắt.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật u hạt, loại bỏ mủ ở khu vực nhiễm khuẩn và cắt bỏ đoạn chỉ lộ. Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm, với những trường hợp u hạt nhiễm khuẩn như trên, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị “ăn” hết mí dẫn tới hoại tử (An ninh thủ đô, trang 8).

Dồn lực đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS

Thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, TPHCM phát hiện 2.430 trường hợp nhiễm HIV mới (tăng 732 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017). Sở dĩ ghi nhận số người mắc HIV tăng là do TPHCM d dang tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh việc tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng  dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm dồn lực triển khai mục tiêu 90- 90- 90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc đại dịch này vào năm 2030… (Sài Gòn giải phóng, trang 8)

 

WHO  cảnh báo dịch sởi bùng phát tại nhiều quốc gia

Theo thông báo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong nửa đầu năm 2018. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, trong thời gian gần đây bệnh sởi cũng gia tăng nhanh chóng tại Hà Nội với hơn 300 trường hợp mắc bệnh từ đầu năm đến nay… (Sài Gòn giải phóng, trang 8)

Rượu, bia và những hệ lụy

Uống rượu, bia là thói quen của người Việt Nam trong những dịp lễ, Tết, hội hè. Tuy nhiên, tình trạng “quá chén” gây ra nhiều hệ lụy, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ…

Ngay tại thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng về mọi mặt, từ nhân sự đến trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế… Sở dĩ phải chuẩn bị kỹ như vậy là vì vào mỗi dịp nghỉ lễ, lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, số ca chấn thương nặng, tử vong do tai nạn giao thông thường tăng mạnh, mà một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là bệnh nhân, nạn nhân đã “quá chén”…. (Hà Nội mới, trang 7)

Tạo đột phá cho y tế địa phương từ bệnh viện vệ tinh

Từ khi các bệnh viện (BV) ở Nghệ An và Hà Tĩnh tham gia Đề án “Bệnh viện vệ tinh” của Bộ Y tế, ngành y tế địa phương đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân không phải đi lại xa, giảm quá tải tại các BV tuyến cuối.

Từ năm 2015 đến nay, thay vì phải thường xuyên ra Hà Nội để điều trị căn bệnh ung thư tuyến vú, bà Nguyễn Thị Chiên (60 tuổi) ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã được điều trị ngay tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (UB và YHHN), Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh. “Với hoàn cảnh đơn thân, không có người chăm sóc, từ khi được chữa bệnh tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, tôi giảm được nỗi lo về chi phí do không phải ra Hà Nội để điều trị như trước. Các y, bác sĩ ở đây tận tình, chu đáo, máy móc và các kỹ thuật cũng hiện đại, không khác gì ở BV tuyến trên, khiến tôi rất yên tâm”, bà Chiên tâm sự… (Nhân dân, trang 2)

Cứu sống nữ bệnh nhân bị xe trộn bê tông cán gần đứt người

Ngày 27.8, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đã cấp cứu và điều trị thành công cho một nạn nhân bị tai nạn giao thông hy hữu, gần đứt lìa thân người do va chạm với xe trộn bê tông ở khu vực cầu Tuyên Sơn (Đà Nẵng) cách đây 20 ngày. Bệnh nhân là chị N.T.B.N (28 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dập đứt phần bụng, mất máu suy hô hấp, cả mạch và huyết áp đều không đo được. Theo Th.S-BS Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, khi đưa vào bệnh viện, toàn bộ phần bụng bệnh nhân đã dập nát và lộ ra ngoài, vết thương lóc dập da cân cơ thành bụng đi từ trong ra mặt sau lưng đến gần cột sống (Thanh niên, trang 5).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 23/5/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận