Điểm báo ngày 11/9/2018

(CDC Hà Nam)

Tiếp bài “Sự thật về “thần dược” nano vàng chữa được ung thư: Thị trường “ngầm” cần được loại bỏ; Nâng cấp tuyến y tế cơ sở; Tăng cường nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng; Cứu sống bệnh nhi nguy kịch tính mạng

Tiếp bài “Sự thật về “thần dược” nano vàng chữa được ung thư: Thị trường “ngầm” cần được loại bỏ

Như Lao Động đã thông10 tin trong số báo ra ngày 10.9.2018 trong bài “Sự thật ấn giấu phía sau “thần dược” nano vàng chữa được ung thư!”, nói về việc nhiều bệnh nhân níu kéo hy vọng về sự sống và tin vào vào những lời quảng cáo “có cánh” ở một số group trên mạng xã hội, rất nhiều bệnh nhân ung thư đã tìm đến “thần dược” nano vàng với giá rất cao nhưng cuối cùng tiền mất mà bệnh không thuyên giảm.

Trong công văn gửi các Sở Y tế, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trên một số phương tiện thông tin có đưa tin về sản phẩm nano vàng “Như một dạng thuốc chữa ung thư”, việc mua bán, sử dụng sản phẩm này diễn ra ở nhiều địa bàn trên toàn quốc. Qua kiểm tra xác minh của Cục Quản lý dược, sản phẩm nano vàng chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc chữa bệnh.

Để đảm bảo an toàn và sức khoẻ người dân, Thanh tra Bộ đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo Thanh tra Sở, các phòng, ban liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua bán, sử dụng sản phẩm nano vàng; Khi phát hiện sản phẩm nano vàng như trên thì thu hồi và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện thanh tra gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 15.9.2018 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Ngay sau đó, nhiều Sở Y tế đã nhanh chóng triển khai chỉ đạo này. Trong đó, Sở Y tế Lạng Sơn đã có công văn số 1178/SYT-TTr, ngày 2.8.2018 về việc triển khai thanh tra, xử lý vi phạm liên quan đến các phẩm Nano vàng tới các Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố trong tỉnh; tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông để nhân dân biết không sử dụng sản phẩm này làm thuốc.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với các cơ sở kinh doanh Dược không được kinh doanh sản phẩm nano vàng làm thuốc chữa bệnh, nếu phát hiện thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, Sở Y tế Quảng Ninh cũng ra nội dung tương tự trong công văn 1812-SYT-TTr. Gần nhất, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM (theo văn bản 778-TTr), Phòng Y tế Q.8, TPHCM cũng đã gửi các hiệu thuốc trong địa bàn nêu rõ: “Nghiêm cấm việc mua bán và sử dụng sản phẩm liên quan đến sản phẩm nano vàng như một dạng thuốc chữa ung thư” và “Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.

Thị trường ngầm

Mặc dù group với 3.000 thành viên tham gia trao đổi mua bán sản phẩm nano vàng đã bị gỡ bỏ, thế nhưng trên mạng xã hội, việc tìm hiểu mua bán sản phẩm này vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

Trao đổi với các phóng viên, người nhà nạn nhân T (ở Vĩnh Phúc, mất hồi tháng 7.2018 vì ung thư, đã sử dụng 3 chai dung dịch chứa nano vàng trước đó) cho biết: Trước khi chị T mất, người đàn ông có tên Doãn Hà Thắng có gọi điện và trả lại cho T nhà em là 7 triệu.

“Ông ấy bảo là nó cũng đang trong chương trình mà ông ấy nghiên cứu. T nhà em sẽ không kiện tụng và nói với em không làm đơn kiện tụng ông ấy nữa. T nói với em là mình cũng là một trong những người dùng chỉ đến mũi thứ 4, còn những người dùng đến mười mũi mười mấy mũi đấy, mà anh ấy nói thế thì thôi. Từ đấy gia đình nhà em cũng không có ý kiến gì nữa” – người nhà chị T nói.

Cũng theo người này, khi đến gặp ông Thắng đã có sự nghi ngờ. “Vì khi người ta làm việc đứng đắn ấy, thì mọi cái giấy tờ những cái mình sử dụng đều cho bệnh nhân và người nhà chụp lại cái tờ cam kết và thông báo. Nhưng mà khi lên trung tâm đấy làm việc em chụp lại tờ giấy đấy thì anh ấy bảo không bán cho T nhà em nữa, bắt em xóa phiếu chụp đi.

Em đã thấy không bình thường rồi, em bảo với T nhưng lúc đấy là người bệnh thì ai cũng hy vọng hết. T nói là đống lửa đang cháy thì chị đừng đổ nước vào. Em gái em nó đang bị bệnh thì nó sẽ khác với cả người ngoài nhìn thấy.

Điều đáng nói, sau khi nhận được sự đồng ý của người bệnh, người đàn ông tên Thắng đưa cho người bệnh sử dụng là các chai không nhãn mác, không thông tin về sản phẩm, đựng trong các chai nhựa với giá thành từ 10 – 15 triệu/chai. Người nhận các chai vàng này phải ký một giấy “giấy cam kết” ghi là “cung cấp miễn phí” và nhiều nội dung “miễn trừ trách nhiệm cho người cung cấp”.

Sau khi uống chai nano vàng thì người bệnh sẽ được sắp xếp chụp/chiếu xạ ở một bệnh viện tại Hà Nội (xin tạm không đưa tên) và trả tiền là 3,5 triệu đồng không hóa đơn, không chứng từ, không có hồ sơ theo dõi bệnh án.

Rõ ràng, đã đến lúc Bộ Y tế phải khẩn trương vào cuộc làm rõ những câu hỏi: Đâu là các giấy tờ chứng tỏ nano vàng bán cho bệnh nhân là đủ an toàn và cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng trên người? Vì sao bệnh nhân và người nhà phải ký những cam kết “miễn trừ trách nhiệm cho người cung cấp” và cuối cùng vai trò của một số bệnh viện được người đàn ông tên Thắng kia giới thiệu đến để chiếu chụp sau khi đã uống, hoặc truyền nano vàng?

Ngày 15.9 tới đây là thời hạn mà các Sở Y tế phải báo cáo Thanh tra Bộ Y tế về việc xử lý vi phạm liên quan đến sản phẩm nano vàng. Quá nhiều câu hỏi cần chờ lời giải đáp (Lao động, trang 7).

Nâng cấp tuyến y tế cơ sở

Với trên 11.000 trạm y tế (TYT) xã – phường, hơn 660 bệnh viện (BV), trung tâm y tế huyện và khoảng 350 phòng khám đa khoa khu vực, nhưng y tế cơ sở dù được xem là “người gác cổng” vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng TYT xã – phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với mục tiêu kéo người dân ở lại với tuyến y tế cơ sở này.

Cảm cúm cũng… vượt tuyến

Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang quản lý 26 TYT, 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT.

Dù cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 30km nhưng phần lớn TYT ở Sóc Sơn đang rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, cơ sở vật chất xuống cấp nên không ít người dân địa phương mỗi khi đau ốm, dù chỉ là cảm cúm, ho sốt thông thường cũng lên BV huyện khám chữa bệnh. Hoặc để yên tâm hơn, nhiều người còn lặn lội đến các BV lớn như BV Xanh Pôn hay BV Thanh Nhàn…

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, hiện nay cùng với việc khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, tiêm chủng mở rộng và một số chương trình mục tiêu y tế khác thì các TYT trên địa bàn đang quản lý hơn 39.000 bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.

Do vậy, khi địa phương đẩy mạnh quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm, mãn tính… thì không đủ quỹ cho khám chữa bệnh BHYT (theo quy định hiện nay, tổng chi phí khám chữa bệnh tại TYT xã không vượt quá 20% của quỹ khám chữa bệnh ngoại trú trên số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại địa phương), khiến nhiều người bệnh phải vượt lên tuyến trên.

Khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cũng là thực tế chung ở phần lớn TYT xã – phường trên cả nước. Người dân địa phương vì thế chưa thực sự mặn mà và tin tưởng vào y tế cơ sở. Không ít người bệnh thẳng thắn cho biết thường xuyên vượt tuyến vì lo ngại chất lượng khám chữa bệnh.

Theo đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 60% số TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và trên 87% TYT có bác sĩ làm việc. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều TYT nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu.

Cùng với đó, số lượng và chất lượng dịch vụ còn khiêm tốn, danh mục thuốc hạn chế khi TYT xã – phường mới chỉ thực hiện được 50% – 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản.

Hút người bệnh bằng y học gia đình

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên BV trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.

Tuy nhiên, trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với TYT xã – phường.

Đây cũng là phương cách giúp giảm tải cho BV tuyến trên. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn.

Bộ Y tế bước đầu đã khảo sát, lựa chọn 26 xã – phường/thị trấn thuộc 8 tỉnh – thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Các TYT xã – phường này được cải tạo, nâng cấp khang trang sạch sẽ, đồng thời được trang bị đồng bộ trang thiết bị từ giường tủ, quầy thuốc, đến hệ thống máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang.

Đặc biệt, với các trạm chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc, điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm.

Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn từ BV tuyến trung ương về hỗ trợ các TYT nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tỉnh – thành phố giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các TYT điểm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm tại 26 TYT điểm. Đối với các tỉnh – thành phố khác sẽ tiếp tục rà soát phân loại các TYT để xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành việc đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực để đưa các TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Qua khảo sát của Bộ Y tế, có tới 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; có tới 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các BV tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tăng cường nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng

Trước thông tin một số điểm tiêm chủng tại TP.HCM hết vắc xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp tiêm miễn phí cho trẻ em, chiều 10.9, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, vắc xin Quinvaxem sẽ ngừng sử dụng tại VN và thay thế bằng vắc xin ComBeFIVE. Hiện tại, vắc xin ComBeFIVE đã về đến VN nhưng đang chờ kiểm định chất lượng, dự kiến trong tuần tới sẽ hoàn thành và được chuyển đến các điểm tiêm chủng.

Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, số vắc xin Quinvaxem cho tiêm chủng miễn phí chỉ còn đủ để tiêm trong tháng 9, nhu cầu sử dụng khoảng 25.000 liều/tháng.

Từ cuối tháng 6, Cục Quản lý dược có công văn gửi các đơn vị đăng ký, sản xuất nhập khẩu vắc xin về việc tăng cường nguồn cung ứng của các vắc xin cho tiêm chủng.

Cục Quản lý dược đề nghị các đơn vị tìm biện pháp thích hợp để đăng ký lưu hành các vắc xin, theo hướng cơ sở sản xuất cần phát huy nội lực, tăng cường hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng của vắc xin sản xuất trong nước; các cơ sở nhập khẩu chủ động đàm phán với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tăng thêm số lượng các loại vắc xin, chủ động nguồn cung, đảm bảo cung ứng đủ các loại vắc xin cho tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ của nhân dân (Thanh niên, trang 4).

Cứu sống bệnh nhi nguy kịch tính mạng

Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cứu sống thành công bệnh nhân T., nam, 11 tuổi, ở Hải Phòng bị u thân não chảy máu nguy kịch. Theo chị N., mẹ của bệnh nhi T, gia đình phát hiện bệnh của bé khoảng hơn 20 ngày trước, bệnh nhi bị chóng mặt, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện tỉnh để khám bệnh.

Tại đây, các bác sỹ giới thiệu đưa bệnh nhi lên một bệnh viện Trung ương để theo dõi và điều trị. Khi lên bệnh viện tuyến trên, qua chẩn đoán và hội chẩn, các bác sỹ kết luận ca bệnh của bé không chữa được và cho về nhà. Bệnh nhân về nhà, sau đó hồi tỉnh, gia đình lại tiếp tục đưa bệnh nhân lên bệnh viện trung ương điều trị, tuy nhiên, các bác sỹ sau khi thăm khám vẫn trao đổi cùng gia đình về trường hợp bệnh tình quá nặng, không thể cứu chữa của bé T.

Ngày 21/8/2018, gia đình quyết định chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Việt Đức với ý nghĩa “còn nước còn tát”. Theo ThS.BS Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh I – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, chậm chạp, bị liệt chân tay, mạch chậm, được chẩn đoán là một khối u mạch lớn ở thân não chảy máu, dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến nặng nề.

Các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa: Phẫu thuật thần kinh, chuyên khoa hồi sức, gây mê. Phẫu thuật và quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Ca phẫu thuật đứng trước rất nhiều thách thức do khối u ở thân não to, chảy máu, gây cho bệnh nhân bị hôn mê, khó thở, bệnh nhân lại bị liệt chân tay, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, tổn thương ở thân não nên có thể ngừng tim trên bàn mổ hoặc sau mổ bệnh nhân sẽ không thở lại được.

Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ và sử dụng rất nhiều máy móc hiện đại như kính vi phẫu, máy định vị, máy đo thần kinh. Bệnh nhân hiện tại cử động được chân tay, trí nhớ phục hồi tốt, tỉnh táo, ăn uống tốt. Bệnh nhân tiếp tục phục hồi chức năng. Kết quả sinh thiết: u máu thể hang chảy máu (u lành tính). Dự kiến: bệnh nhân có thể xuất viện sau 2,3 ngày nữa (Tiền phong, trang 6).

 

Bài viết liên quan

THÔNG TIN BÁO CHÍ: Về tình hình bệnh dại trên người

hanh phan

Điểm báo ngày 10/6/2019

Mậu Ngọ

Hà Nam: 06 trường hợp từ Đà Nẵng đến được cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Y tế.

CDC Hà Nam

Để lại bình luận