Các bệnh do vi rút lây qua đường ăn uống

(CDC Hà Nam)

Vi rút là những tế bào sinh vật vô cùng nhỏ bé, không thể quan sát bằng kính hiển vi thông thường mà phải bằng kính hiển vi điện tử. Các vi rút sống và phát triển, nhân lên trong tế bào sống, phá vỡ tế bào và lại xâm nhập vào tế bào sống khác để tồn tại.

Có rất nhiều loại vi rút có thể gây bệnh cho người do ăn hay uống phải các hạt vi rút có trong phân, chất nôn của người bị bệnh. Phần lớn các vi rút gây bệnh đường tiêu hóa có sức đề kháng kém với điều kiện ngoại cảnh, nhiệt độ 560 C trong 5 phút đã có thể diệt được vi rút.

Nhiễm vi rút theo đường ăn uống thường biểu hiện các bệnh:

  1. Viêm gan do vi rút

Bệnh do một nhóm vi rút viêm gan A và E gây ra. Vi rút này có trong phân người bệnh và gây ô nhiễm vào nước, đất nếu quản lý nguồn phân không tốt. Sử dụng thức ăn nấu không chín kỹ, nước uống có nhiễm vi rút, rau sống bón bằng phân tươi đều có các nguy cơ nhiễm các vi rút gây viêm gan.

Vi rút gây viêm gan A tồn tại nhiều tháng ở nhiệt độ 250 C, trong nước đá chúng có thể sống tới 1 năm. Nhiệt độ 1000C trong 5 phút giết chết vi rút. Người ăn thức ăn có nhiễm vi rút sau 15 đến 45 ngày xuất hiện các triệu chứng, như: mệt mỏi, sốt nhẹ vàng da, vàng mắt, chán ăn, sợ mỡ, đi tiểu ít – nước tiểu vàng, phân bạc màu. Cũng có khi các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn chỉ thoáng qua. Vi rút được thải trừ ra ngoài theo phân trước khi có triệu chứng vàng da từ 10 đến 15 ngày. Bệnh thường gây thành dịch,nhiều người mắc.

  1. Bệnh bại liệt

Vi rút nhiễm vào người qua đường ăn uống. Trong cơ thể, vi rút di chuyển qua đường máu tới cư trú ở não và tủy sống, gây tổn thương các tế bào thần kinh tại đó. Tổn thương gây liệt ở người bệnh, liệt mềm, không phục hồi sau khi chữa khỏi bệnh.

Người bệnh thải trừ vi rút gây bệnh qua phân.

  1. Tiêu chảy do vi rút

Thường gặp do loại Rota vi rút gây ra. Đây là loại vi rút gây viêm dạ dày, ruột cho trẻ em. Hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tới 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị viêm dạ dày, ruột cấp tính do nhiễm vi rút Rota và là bệnh đứng hàng thứ hai sau các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em.

Khi ăn uống thực phẩm có nhiễm vi rút, sau 1 đến 4 ngày xuất hiện triệu chứng: sốt, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân không có máu mũi. Nếu không điều trị kịp thời trẻ dễ bị tử vong do mất nước và điện giải.

Triệu chứng nặng hay nhẹ thì người bệnh đều thải trừ vi rút ra ngoài theo phân. Ước tính trong 1g phân người bệnh có thể có 10 tỷ hạt vi rút.

  1. Phòng bệnh:

Không nên ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín. Rửa sạch rau quả trước khi ăn sống.

Giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ em dưới 6 tháng tuổi).

Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí 2 ngăn, nhà vệ sinh có cửa), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.

Cách ly tốt người bệnh, quản lý tốt phân của người bị bệnh (đổ đúng  nới quy định).

Cho trẻ em từ 02 tháng trở lên uống đủ 2 liều vắc xin Sabin để phòng bệnh bại liệt.

Các bệnh do nhiễm vi rút đơn thuần điều trị bằng kháng sinh thường không có tác dụng, vì vậy, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường luôn đem lại hiệu quả cao trong việc đề phòng ngộ độc thực phẩm do vi rút ăn chín, uống sôi là biện pháp cần thiết nhất.

                                                                                                                            Hồng Hạnh

 

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: 39 mẫu xét nghiệm ngày 30-31/07/2020 đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Mậu Ngọ

Qua 24 giờ, Hà Nam không phát hiện thêm trường hợp dương tính với SARS-COV-2

CDC Hà Nam

4 thói quen ảnh hưởng đến bệnh lý răng miệng ở trẻ

Ngọc Nga

Để lại bình luận