Điểm báo ngày 08/10/2018

(CDC Hà Nam)

Ứng dụng phát minh của GS. Honjo tại ĐH Y Hà Nội : 20 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng tế bào miễn dịch; Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Hà Nội; Cảnh báo trẻ viêm da do tắm lá; Tầm soát dị tật bẩm sinh: Nâng cao chất lượng giống nòi; Nhận biết và chăm sóc trẻ mắc tay – chân – miệng…

Ứng dụng phát minh của GS. Honjo tại ĐH Y Hà Nội : 20 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng tế bào miễn dịch

GS Tạ Thành Văn cho biết đã cùng cộng sự tại ĐH Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh của GS. Honjo là tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác. Phương pháp của GS Honjo, dùng thuốc để hoạt hóa các tế bào miễn dịch ở ngay trong nội tại cơ thể, của khối u. Còn ở bệnh viện ĐH Y Hà Nội là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài, nhân lên và hoạt hóa sau đó đưa trở lại cơ thể của bệnh nhân. Bệnh nhân được lấy khoảng 10-30ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt.

Sau khi đủ số lượng và có được các chức năng mong muốn (chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư), các tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, làm tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần 2 năm trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: Phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4. Sau 1 năm triển khai, có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này.

Theo GS Văn, những kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: Ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống – chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này.

“Nhưng phải nhìn nhận, y học của thế kỷ 21 là y học cá thể, nghĩa là phác đồ điều trị phải dựa trên đặc tính sinh học của từng cá thể. Có bệnh nhân đáp ứng rất tốt một phương pháp điều trị nào đó hay một thuốc nào đó. Song, có bệnh nhân đáp ứng vừa phải  thậm và chí có người không đáp ứng”, GS. Văn nói.

Công suất hiện tại của nơi chế biến tế bào của ĐH Y Hà Nội chỉ được 6-8 bệnh nhân/đợt. Một bệnh nhân phải 6 lộ trình trong 3 tháng. Không thể tăng công suất được vì phòng tế bào chỉ có thế.

Chính vì vậy, nên GS. Văn hy vọng sau khi thực hiện thử nghiệm xong, kết quả sẽ được báo cáo trước hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế và căn cứ vào đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ cân nhắc việc cho phép ứng dụng liệu pháp này rộng rãi hay không.

Nếu kết quả điều trị được chấp thuận, GS Văn mong muốn Trường Đại học Y Hà Nội sẽ được đầu tư 1 Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào để những thành tựu khoa học mới nhất trên thế giới sẽ được nghiên cứu ứng dụng để phục vụ bệnh nhân Việt Nam một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. (Tiền phong, trang 6).

 

Hai học trò Việt của GS Nhật đoạt giải Nobel Y học 2018

GS.Tạ Thành Văn, PGS. Trần Huy Thịnh là hai học trò Việt Nam của GS. Tasuku Honjo, khoa Y, trường ĐH Kyoto Nhật Bản. Khi biết tin GS. Honjo đạt giải thưởng Nobel về Sinh học hai anh không giấu nổi cảm xúc vui mừng. Không những thế, công trình mà GS. Honjo được trao giải thưởng Nobel năm nay cũng đang được hai anh ứng dụng để điều trị ung thư tại bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017.

Áp lực khủng khiếp trong phòng thí nghiệm

  1. Tạ Thành Văn kể về lý do vì sao cách đây 17 năm, anh từ bỏ Mỹ để trở về Nhật làm sau tiến sĩ.  Anh cho biết, sau gần hai năm làm sau tiến sĩ trên đất Mỹ, anh có nguyện vọng hoặc là quay lại Nhật (GS. Văn đã làm tiến sĩ tại Nhật)  hoặc là tìm một phòng thí nghiệm nào đó nổi tiến để mình theo đuổi. Biết được GS. Honjo qua rất nhiều công trình đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới với những phát minh có tính chất đột phá nên anh  đã gửi  thư cho GS bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia nhóm nghiên cứu của ông.

Sau nhiều lần trao đổi qua email, GS đã chấp nhận đề nghị, đồng ý để anh  về làm việc tại phòng thí nghiệm của ông từ tháng 4/2001. Anh vẫn còn nhớ, trước đó, cuối năm 2000, tại một hội nghị quốc tế về tế bào  ở Sanfrancisco, anh đến gian hàng có  treo poster của các nhà khoa học Nhật Bản. Trao đổi với các nhà khoa học Nhật Bản, anh bày tỏ mong muốn là sẽ quay lại Nhật Bản và được làm việc tại  phòng thí nghiệm của GS. Honjo. Họ tròn mắt ngạc nhiên và  hỏi lại liệu anh  đã suy nghĩ kỹ chưa?.

“Ngày  đó tôi chưa hiểu tại sao các nhà khoa học, đồng nghiệp của GS Honjo ở Nhật Bản lại hỏi như vậy. Sau này, khi làm tại phòng thí nghiệm của giáo sư Honjo tôi mới có được câu trả lời. Đây là  một phòng thí nghiệm làm việc rất vất vả, kỷ luật cao, với tinh thần công việc là trên hết” – GS. Tạ Thành Văn tâm sự.

Trong phòng thí nghiệm của GS Honjo ngày đó có khoảng hơn 30 người gồm nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ. Mỗi tuần, họp một lần. Từng thành viên trong khoảng hơn 30 người phải báo cáo kết quả nghiên cứu thu được trong 1 tuần đó. Cứ hình dung nếu có một ai đó, một tuần không ra được kết quả mới trong khi mọi người đều có thì áp lực như thế nào. Các anh chạy đua với nhau, chạy đua với các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới làm chung một lĩnh vực. Vì chỉ cần công bố muộn, phía bên bạn công bố trước là bỗng nhiên thành tay trắng.

“Tôi nhớ mãi một cô bạn đồng nghiệp làm sau tiến sĩ Nhật Bản, sau 3 tháng cô làm việc ngày đêm quên cả ăn uống nhưng không ra được kết quả mới, cuối cùng do chịu áp lực quá lớn cô đã tự viết đơn xin thôi việc. Bản thân tôi nhiều khi cũng không ra được kết quả mới, đêm cũng đi lang thang dọc bờ sông Kamogawa (sông con Vịt) ở Kyoto với một tâm trạng khó tả. “Chỉ những ai đã từng làm việc ở Nhật thì mới hiểu được tâm trạng đó” – GS. Tạ Thành Văn chia sẻ.

Sau gần ba năm nỗ lực nghiên cứu, cuối cùng GS. Tạ Thành Văn cũng đã có  một bài báo đăng trên tạp chí Nature Immunology nổi tiếng thế giới về cơ chế hoạt động của 1 gen mới mã hoá enzym (AID: Activation-Induced cytidine Deaminase)n có vai trò then chốt trong quá trình chuyển dạng kháng thể có ứng dụng quan trọng trong bệnh sinh các bệnh suy giảm miễn dịch và ung thư. Đăng xong bài báo này, GS. Văn xin về nước. Điều này khiến giáo sư Honjo và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm bất ngờ.

Vì theo thường lệ, anh sẽ có một vị trí tốt ở trung tâm nghiên cứu nào đó hoặc sẽ được các công ty mời chào. Nhưng anh đã ra đi 10 năm, đã đến lúc thấy cần phải trở về. Khi quyết định về nước, GS gọi riêng anh vào phòng và khuyên: Khi về nước nên tham dự các hội nghị khoa học ở Việt Nam với hai mục đích: anh đã đi quá lâu, cần phải biết nhu cầu nghiên cứu ở trong nước thế nào.  Thứ hai phải cho giới khoa học trong nước biết anh có thể làm được gì”.

Không những thế, GS. Honjo còn khuyên anh nên thành lập một nhóm nghiên cứu và ông hứa sẽ đào tạo giúp. Ngay sau khi về nước, GS. Văn đã giới thiệu bác sĩ Trần Huy Thịnh đi và  anh Thịnh trở thành một trong những học trò xuất sắc của GS. Honjo với 2 bài báo khoa học công bố trên những tạp chí nổi tiếng nhất thế giới, đóng góp một phần nhỏ bé vào công trình đạt giải Nobel của GS Honjo năm nay.

Làm việc 24h không nghỉ

Còn theo PGS. Trần Huy Thịnh, mọi  người vẫn có câu nói vui: Nếu đã tồn tại được ở Nhật thì có thể tồn tại được ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nếu như đã tồn tại được phòng thí nghiệm Honjo thì có thể tồn tại được ở bất cứ phòng nghiên cứu nào trên đất  nước Nhật. Bước chân ra khỏi Việt Nam áp lực rất lớn đối với anh. Vì hướng nghiên cứu sinh học phân tử với Việt Nam mới chỉ như bài học vỡ lòng. Sang Nhật lại là  phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới nghiên cứu sinh học phân tử về Gene nên càng áp lực. Lúc đi, PGS. Thịnh chỉ mong muốn một điều cố gắng làm hết sức mình để  không phụ lòng công sức thầy cô và GS Văn đã tiếp bước cho mình.

Công việc của anh ở phòng thí nghiệm tùy từng thời điểm mà vất vả hay không. Nhưng anh có kỷ lục làm việc 24h không nghỉ. Trong 24h này chỉ có ăn một bát mì vào buổi trưa, buổi chiều ăn vài chiếc bánh gạo trong lúc tranh thủ thời gian nghỉ 1, 2 phút  đợi thí nghiệm.

Anh cũng cho biết, ban đầu, làm một chủ đề khác nhưng không thành công. Sau đó chuyển sang  chủ đề thứ hai là mức độ đột biến của gene AID (Activation induced-cytidine deaminase) thì  kết quả rất khả quan. Sau một số năm vất vả đã đi đến thành quả cuối cùng. Năm 2010, một công trình nghiên cứu về gene AID cũng của tiến sĩ Thịnh đã xuất hiện trên tạp chí danh tiếng Nature Immunology.

Gene AID có vai trò quyết định đối với quá trình siêu đột biến, bởi nó có thể gây nên hiện tượng chuyển đoạn nhiễm sắc thể tích lũy đột biến và gây ung thư hóa tế bào lành. Công trình nghiên cứu thứ hai của anh về gene Programmed cell death-1 (PD-1), còn gọi là gene “quy định sự chết theo chương trình của tế bào”, của tiến sỹ Trần Huy Thịnh, được đăng trên tạp chí Science.

Công trình của PGS. Trần Huy Thịnh đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công trình được giải Nobel của GS. Honjo. Nói về người thầy của mình, PGS. Thịnh không khỏi xúc động. Vì anh vẫn còn nhớ, ngày đầu mới sang, chính GS là người đã mua cho anh từng cái khăn mặt, bàn chải đánh răng… gói gém cẩn thận trong một chiếc túi để anh xách về ký túc xá. (Tiền phong, trang 6).

 

Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Hà Nội

Hà Nội ghi nhận 404 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 219 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện thị xã; chưa phát hiện ca tử vong.

Chiều 7.10, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đến hết ngày 5.10, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 404 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 219 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện thị xã; chưa phát hiện ca tử vong.

Qua giám sát dịch, Hà Nội ghi nhận 3 vụ dịch sởi trong 8 năm qua. Trong đó, năm 2000 ghi nhận vụ dịch nhỏ (149 trường hợp); 2009 dịch vừa (837 trường hợp) và năm 2014 dịch lớn nhất (1.741 trường hợp, 14 tử vong).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, thời gian tới, thời tiết chuyển mùa thu đông là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh sởi.

Bên cạnh đó, dịch sởi tại các tỉnh thành xung quanh Hà Nội như Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La tăng cao, cùng tình trạng biến động dân cư, khoảng trống miễn dịch sởi tại Hà Nội do hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng…

Trước dự báo dịch sởi có thể gia tăng vào năm 2018 – 2019 tại Hà Nội, UBND TP đã bổ sung kinh phí để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi toàn TP (tiêm thêm 1 mũi vắc xin cho toàn bộ trẻ từ 1 – 5 tuổi, mặc dù trẻ đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi); dự kiến tiêm cho gần 700.000 trẻ vào tháng 11 tới; đồng thời, duy trì tiêm chủng thường xuyên hằng tuần tại các trạm y tế xã, phường để tăng cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế thấp nhất việc tiêm muộn, tiêm hoãn. (Thanh niên, trang 2).

 

Cảnh báo trẻ viêm da do tắm lá

Ngày 06/10/2018, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tiếp nhận bé Nình Xuân T.(32 ngày tuổi), dân tộc Sán Chỉ, thường trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Trẻ nhập viện 1 tuần với biểu hiện ban đầu nổi bọng nước rải rác toàn thân, bọng nước to dần, vỡ chảy mủ. Gia đình đã tắm lá cho trẻ nên khiến tình trạng viêm da chảy mủ nặng thêm, vì vậy cháu bé được đưa đến để viện kiểm tra…

Kết quả khám lâm sàng cho thấy tổn thương da chảy mủ, mắt chảy dử vàng nhiều, đóng vảy rải rác toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da mụm mủ/viêm kết mạc mắt. Bé được chỉ định nhập Khoa Các bệnh nhiệt đới để điều trị.

Bác sĩ Đỗ Thị Bích Phượng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết đa số các trường hợp trẻ nhập viện ban đầu chỉ bị mẩn ngứa nổi ít nốt đỏ li ti trên người, nhưng gia đình không đưa trẻ đi khám ngay, mà lấy nước lá tắm cho con, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng đến lúc này mới đưa trẻ đi khám. Trường hợp của bé Nình Xuân T.(32 ngày tuổi) bị viêm da do tắm lá rất nặng, hai bên mặt, toàn thân bong tróc thành cả mảng lớn nhìn rất đáng sợ.

Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên tắm nước lá cho trẻ nếu không biết rõ loại lá và tính chất của chúng, tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nặng để lâu có thể gây nhiễm trùng toàn thân khi đó trẻ có biểu hiện sốt không kịp thời điều trị bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong.

Hiện tại Khoa Các bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 19 trường hợp trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như Tay chân miệng, Sởi, rota…

Do đó khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, nổi mụn chân, tay, người; giật mình khi ngủ; viêm da, phụ huynh nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm. (Thanh niên, trang 2).

 

Tầm soát dị tật bẩm sinh: Nâng cao chất lượng giống nòi

Ở nước ta, ước tính mỗi năm có khoảng 42.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Như vậy, trung bình cứ 13 phút có 1 trẻ mắc dị tật bẩm sinh chào đời, trở thành nỗi đau đối với mỗi gia đình và xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh triển khai các biện pháp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp, điều trị các dị tật trong giai đoạn bào thai, sơ sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

Hậu quả đau lòng từ sự chủ quan

Bệnh viện Nhi trung ương vừa cứu sống trẻ sơ sinh Hoàng A.V (22 ngày tuổi) mắc bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, teo động mạch phổi. Dị tật này có thể gây tử vong nếu trẻ không được can thiệp kịp thời. Điều đáng nói, với sự phát triển vượt bậc các phương tiện chẩn đoán trước sinh, những năm gần đây, rất nhiều bệnh lý bẩm sinh đã được phát hiện sớm ngay trong thời kỳ bào thai, trong đó có nhóm bệnh lý tim bẩm sinh. Tuy nhiên, khi mang thai, nhiều bà mẹ vẫn chủ quan bỏ qua việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để rồi hối hận khi không may con bị dị tật.

Tương tự, cách đây 5 năm, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Đ.T.L (31 tuổi, ở phố Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ đi siêu âm thai nhi một lần chủ yếu để xác định giới tính. Chị L cho biết, trong quá trình mang thai, sức khỏe của chị rất tốt, chỉ một lần bị cảm cúm. Sau lần cảm cúm đó, nhiều người khuyên chị nên đi tầm soát dị tật thai nhi. Nhưng vì nghĩ hai bên gia đình không ai mắc bệnh di truyền nên chị L đã chủ quan không sàng lọc trước sinh nên thật không may, cháu bé chị sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ…

Theo PGS.TS Lương Thị Lan Anh, phụ trách Trung tâm tư vấn di truyền (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), trong số khoảng 42.000 trẻ sinh ra bị dị tật hằng năm có hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong và hơn 40.000 trẻ mắc dị tật bẩm sinh còn sống sau giai đoạn sơ sinh. Một số dị tật bẩm sinh có thể rất nhẹ nhưng một số khác lại gây ra những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ cũng như trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội như: Hội chứng Down, tim bẩm sinh…

Tính đến 8-2018, tỷ lệ sàng lọc trước sinh trên địa bàn Hà Nội đạt 78,9%, tỷ lệ sàng lọc sau sinh đạt 81,1%. Trong năm 2017, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của Hà Nội đạt 74%, qua đó đình chỉ thai nghén 289 ca do bệnh lý và khuyết tật thai nhi. Bên cạnh đó, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 83,9%, kết quả nghi ngờ 1.225 ca thiếu men G6PD (gây vàng da, có thể dẫn tới tử vong), 49 ca suy giáp trạng bẩm sinh, 121 trường hợp tim bẩm sinh… đã được can thiệp kịp thời.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cũng cho rằng, cả sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ, thể chất sau này.

Cách nào phòng tránh dị tật?

Để nâng cao chất lượng giống nòi, Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra mục tiêu đến 2020: 70% phụ nữ mang thai và bà mẹ sơ sinh cần được sàng lọc trước sinh và sơ sinh, 90% trẻ em sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhằm khắc phục sớm thực trạng trẻ mắc dị tật bẩm sinh. Thế nhưng, vấn đề chăm sóc thai sản, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước mới chỉ có chưa đến 50% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật đơn giản phổ biến (siêu âm 2D, 4D), gần 30% trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh 2/5 bệnh… Hiện chỉ có một số thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn cao do người dân quan tâm. Còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều sản phụ chưa quan tâm đến chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Do vậy, để người dân hiểu rõ về vai trò và hiệu quả tích cực của việc sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, các cơ sở y tế cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình sàng lọc.

Theo PGS.TS Lương Thị Lan Anh, các sản phụ cần thiết phải được thực hiện siêu âm và xét nghiệm trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Trong đó, việc xét nghiệm và siêu âm trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa là rất quan trọng để tránh nguy cơ trẻ bị dị tật khi sinh.

Mặt khác, hiện nay, người dân có thể thực hiện sàng lọc sơ sinh tất cả các bệnh di truyền. Tại các cơ sở y tế trên cả nước có triển khai sàng lọc, chẩn đoán trước sinh đều có thể thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán và sàng lọc sơ sinh. Điều quan trọng là các bà mẹ phải tin tưởng và đến với y khoa từ sớm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 5 nguyên nhân chính có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh, gồm: Vai trò của các yếu tố di truyền liên quan đến các đột biến gen, nhiễm sắc thể; một số vi rút, ký sinh trùng, vi trùng có thể gây ra dị tật cho thai nhi; tác động của yếu tố môi trường, tình trạng ô nhiễm; các yếu tố kinh tế xã hội nhân khẩu học; dinh dưỡng và bà mẹ thiếu axit Folic, hoặc lạm dụng vitamin A... (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nhận biết và chăm sóc trẻ mắc tay – chân – miệng

Hiện nay, bệnh tay – chân – miệng (TCM) đang vào mùa cao điểm và đang diễn biến hết sức phức tạp. Đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh này.

Theo các chuyên gia, đa số các bệnh nhân tử vong do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà (khám phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc uống), khi bệnh nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện.

Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.

Nhận biết trẻ mắc bệnh

Các dấu hiệu của bệnh TCM rất dễ nhận biết và bao gồm:

– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

– Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Phân loại bệnh theo mức độ nặng Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà:

Có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần.

Ưu điểm của chăm bệnh nhi tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị:

Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau: Sốt cao liên tục không thể hạ được. Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà… Giật mình; Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân; Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…; Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Cách phát hiện các dấu hiệu nặng

Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,50C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt như Ibuprofen đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay.

Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Khó thở: có thể là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….

Rối loạn ý thức: có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp.

Tiểu ít: có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa.

Một số dấu hiệu khác: nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng…

Điều trị và chăm sóc

Bệnh TCM có thể do nhiều loại virut gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục: Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…

Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Phòng bệnh thế nào?

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM, do đó việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp chủ yếu gồm:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Tại các cơ sở y tế

Khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc có thể nhiễm virut gây bệnh. Vì vậy những người này không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh hoặc đi ra ngoài bệnh viện.

Hạn chế tối đa người nhà vào phòng bệnh. Khi vào thăm bệnh nhi đang điều trị và tiếp xúc với các vật dụng đang sử dụng trong bệnh viện, người tới thăm có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng.

Không nên mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang về thì cần tiệt trùng sạch sẽ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Sẽ sửa đổi một số quy định liên quan đến BHXH bắt buộc?

Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc. Dự thảo này được lấy ý kiến công khai trên Cổng TTĐT của Bộ từ ngày 26/09 – 26/11/2018.

Theo đó, dự thảo có đề xuất một số thay đổi nổi bật sau đây:

Về đối tượng áp dụng: Bổ sung vào cuối Khoản 1 Điều 2 nội dung “Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP”.

Về mức hưởng chế độ ốm đau: Sửa đổi Điểm b Khoản 2 Điều 6 thành “b) Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng: Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn tháng = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau”.

Đồng thời, bổ sung vào cuối Khoản 3 Điều 6 với nội dung sau: “Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.

Về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sửa đổi, bổ sung khổ đầu tiên của Khoản 1 Điều 7 như sau: “1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, bao gồm cả thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định tại Điều 29 của Luật BHXH.

Căn cứ xác định thời gian tối đa trong một năm hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau theo trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (ốm đau thông thường hoặc ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày)”.

Ngoài ra, còn có những thay đổi lớn khác liên quan đến BHXH bắt buộc như về: Điều kiện hưởng chế độ thai sản; Thời gian hưởng chế độ thai sản; Mức hưởng chế độ thai sản; Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản; Điều kiện hưởng lương hưu; Mức lương hưu hằng tháng; BHXH một lần; Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần; Chế độ BHXH đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khi người đó ra nước ngoài để định cư; Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Mức trợ cấp tuất một lần; Phụ cấp khu vực đối với người hưởng BHXH; Tính thời gian công tác đối với người lao động đi hợp tác lao động trước ngày 01/01/1995; Chế độ đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Kiểm tra đột xuất Nhà hàng An Nam cháo, thấy gì?

Trên số báo 159 ra ngày 5/10/2018, báo Sức khỏe&Đời sống phản ánh bài “Thực hư thông tin thai phụ bị ngộ độc tố Nhà hàng An Nam cháo vô trách nhiệm?”. Ngay trong ngày 5/10, sau khi nhận được phản ánh của báo Sức khỏe&Đời sống, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Y tế quận Ba Đình thành lập đoàn kiểm tra đột xuất Nhà hàng An Nam cháo tại địa chỉ 18 phố Đào Tấn, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Kết quả test các mẫu thức ăn đều âm tính

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có mặt tại địa chỉ trên để ghi nhận kết quả kiểm tra của đoàn công tác. Theo đó, nội dung đoàn kiểm tra bao gồm: Kiểm tra thủ tục, giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh ăn uống; Vấn đề vệ sinh thực tế tại nhà hàng, khu bếp, khu bảo quản, lưu trữ thực phẩm của nhà hàng và test nhanh một số mẫu thực phẩm đang lưu trữ tại nhà hàng… Kết quả các mẫu thức ăn test nhanh đều âm tính.

Sau khi kiểm tra, Đoàn công tác đã hội ý thống nhất và tiến hành lập biên bản với một số sai phạm của nhà hàng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm các lỗi: Một là có lưu mẫu thức ăn nhưng không tuân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hai là không có biện pháp phòng ngừa côn trùng và động vật gây hại.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng nêu ra một số tồn tại khác chưa đạt yêu cầu như tường, trần nền bong tróc, xuống cấp…; Tuy nhiên, với các tồn tại này, Đoàn công tác chỉ nhắc nhở Nhà hàng An Nam cháo để thay đổi sửa chữa. Bởi đến thời gian 20/10/2018 tới đây, khi mà Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực (thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP), các lỗi này sẽ bị phạt nặng hơn. Với các lỗi này, đoàn yêu cầu nhà hàng khắc phục, chụp ảnh và gửi đến Chi cục để ghép hồ sơ.

Liên quan đến việc chị Quách Thị Thắm bị ngộ độc thực phẩm do ăn cháo mua từ Nhà hàng An Nam về sau đó bị ngộ độc, ông Trần Đình Tụ – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, nếu nói do ăn cháo của nhà hàng gây ra việc ngộ độc là chưa chuẩn xác, có thể do nguyên nhân khác. Hơn nữa, mẫu lấy xét nghiệm lại không phải lấy từ mẫu nôn ra của chị Thắm mà lấy từ bát cháo đã để qua đêm trong tủ lạnh. Nên việc chị Thắm bị ngộ độc chưa hẳn do bát cháo mua tại An Nam cháo, ông Tụ chia sẻ.

Tuy nhiên, về trách nhiệm của cơ quan đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi vẫn tiến hành tổ chức thành lập đoàn kiểm tra đột xuất theo phản ánh của báo Sức khỏe&Đời sống nêu để người dân yên tâm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn của thành phố, ông Tụ cho biết.

Sẽ thay đổi phong cách phục vụ, chú trọng khâu an toàn thực phẩm

Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống (Bộ Y tế) có bài phản ánh, trao đổi với PV, chị Phạm Thị Hằng – Quản lý Nhà hàng An Nam cháo ghi nhận các nội dung phản ánh của báo là khách quan, bởi do áp lực công việc có thể có những phát ngôn thiếu chuẩn xác, gây hiểu nhầm cho người đối thoại, chúng tôi sẽ thay đổi.

Về nội dung phản ánh cho rằng khách hàng tố nhà hàng đã vô trách nhiệm, thậm chí có hành vi gọi điện đe dọa gia đình chị Thắm theo đơn thư của chị Quách Thị Thắm là chưa hoàn toàn chính xác. Theo đại diện quản lý Nhà hàng An Nam cháo – chị Phạm Thị Hằng giải thích, thực tế ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi có gọi điện thoại chia sẻ, động viên, đến tận nhà hỏi han sức khỏe chị Thắm, bởi vì cùng là phái nữ với nhau nên thấu hiểu lo lắng của người mẹ đối với thai nhi. Thậm chí, chúng tôi còn chủ động lấy mẫu cháo để đi kiểm nghiệm xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc để tìm hướng xử lý. Và ngay sau khi có bài phản ánh trên báo Sức khỏe&Đời sống, chúng tôi cũng đã tổ chức đến gia đình để hỏi thăm sức khỏe chị Thắm một lần nữa. Với phương châm làm việc luôn lấy an toàn thực phẩm là trên hết với phong cách phục vụ chuyên nghiệp và uy tín, chúng tôi không lảng tránh trách nhiệm, chị Hằng cho biết.

Nói về các vi phạm sau kết luận của đoàn kiểm tra như tường, trần nền bong tróc, xuống cấp…, về phía nhà hàng cam kết sẽ sửa chữa, thay đổi trong thời gian sớm nhất. Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về việc lưu mẫu thức ăn. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa côn trùng và động vật gây hại bằng các dụng cụ chứa đựng phù hợp, làm màng che đậy phủ kín, tránh côn trùng tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra với nhà hàng, chị Hằng khẳng định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Bài viết liên quan

Bệnh cúm và cách phòng tránh tại trường học

hanh phan

BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH NGÀNH Y TẾ TỈNH HÀ NAM THÔNG BÁO

Mậu Ngọ

Sở Y tế tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc

Ngọc Nga

Để lại bình luận