Điểm báo ngày 15/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 15/10/2018

Làm gì để chống lây nhiễm chéo sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết trong cơ sở y tế?; Gần 5 triệu trẻ sẽ được tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella; Thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15-10

 

Làm gì để chống lây nhiễm chéo sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết trong cơ sở y tế?

Trước diễn biến của bệnh dịch sởi, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết Dengue (SXHD) có số người mắc cao hơn so với cùng kỳ năm trước và xu hướng tiếp tục tăng khiến số lượng bệnh nhân khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng.

Đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối trong đó như Bệnh viện Nhi Trung ương, các Bệnh viện Nhi của Tp Hồ Chí Minh, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh… số bệnh nhân gia tăng đã gây ra tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện.

Tính từ đầu năm đến ngày 08/10/2018 đã có 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 ca; TCM có 61.821 ca mắc, 6 ca tử vong; SXHD có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca

Trước thực tế này, chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế về những giải pháp nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong đối với 3 bệnh trên.

PV: Thưa ông, trước số lượng bệnh nhân mắc các bệnh sởi, TCM, SXHD tăng cao và người dân đa số vượt tuyến không cần thiết, Cục quản lý Khám, chữa bệnh có những giải pháp và khuyến cáo gì đối với người dân?

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện  quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời đúng hướng dẫn, chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo để giảm tử vong trong công tác điều trị bệnh sởi, TCM và SXHD..

Trong đó có 3 nội dung mà chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đó là: Thứ nhất là phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; giảm thiểu tử vong.

Thứ 2 là rút kinh nghiệm trong công tác điều trị sau bài học  dịch sởi năm 2014 và dịch Sốt xuất huyết năm 2017.

Thứ 3 là Phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không để người mắc bệnh sởi, TCM và SXHD điều trị cùng những bệnh nhân khác.

  1. Xin ông có thể nói rõ hơn về những giải pháp mà Cục đã chỉ đạo đối với các cơ sở khám chữa bệnh?

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Bệnh sởi, TCM và SXHD đều là các bệnh truyền nhiễm với cơ chế lây nhiễm khác nhau. Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh việnphải bằng mọi biện pháp truyền thông (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp, bằng poster, tờ rơi…) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây: Bệnh sởi lây theo đường hô hấp; Bệnh TCM lây theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh; Bệnh SXHD lây do muỗi Aedes aegypti truyền bệnh.

Đối với người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.

Đối với bệnh TCM phải rửa tay bằng xà phòng (xà bông) mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ, …

Đối với bệnh SXHD thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện (muỗi SXHD đốt ban ngày đặc biệt là sáng sớm hoặc buổi chiều tối).

Tại khoa Khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi (đối với bệnh TCM có thể khám chung với các bệnh khác nếu nhân viên y tế làm tốt việc khử khuẩn, vệ sinh tay). Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, TCM, SXHD nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong bệnh viện.

Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.

Chúng tôi cũng đề nghị, đối với các ca bệnh sởi nặng, ca bệnh TCM nặng nếu phải điều trị tại khoa/đơn vị Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.

Các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép.

Đồng thời tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, TCM, SXHD đã được Bộ Y tế ban hành cho các nhân viên y tế tham gia khám, điều trị các bệnh trên đặc biệt đối với các nhân viên y tế được tăng cường.

  1. Nếu như hạn chế các bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên thì các bệnh viện đầu ngành sẽ hỗ trợ tuyến dưới như thế nào thưa ông?

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê: Về nội dung này, chúng tôi đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tuyến trên: Chú trọng công tác chỉ đạo tuyến theo phân công của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng (nếu có thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân liên quan để biết). Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trên phải đảm bảo công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng

(Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Gần 5 triệu trẻ sẽ được tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella

Chiều 14.10, trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đợt tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao dự kiến triển khai từ tháng 11 tới.

Theo đó, gần 5 triệu trẻ thuộc 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch sởi bùng phát sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi – rubella, trong đó Hà Nội sẽ tiêm cho 680.000 trẻ. Mũi tiêm bổ sung góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, tại VN, tỷ lệ trẻ được tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hằng năm đạt trên 95% từ nhiều năm qua và tỷ lệ tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng đạt trên 90% từ năm 2014.

Bên cạnh đó, các chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho nhóm đối tượng nguy cơ cao đã được thực hiện từ 2002 – 2016, giúp khống chế dịch sởi và rubella.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh này đang quay trở lại. Giám sát của các địa phương trong các năm gần đây cho thấy, vi rút sởi tiếp tục lưu hành, dịch sởi quy mô lớn với khoảng 3 – 4 năm tái diễn 1 lần.

Từ cuối năm 2017, số mắc sởi đã có xu hướng gia tăng và đang tăng cao trong các tháng gần đây.

Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm có thể gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. (Thanh niên, trang 3)

 

Thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15-10

Theo TS Nguyễn Tiến Quang, phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K, nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế đang là vấn đề toàn cầu do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện (từ 9 đến 24,3 ngày), tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 32,3 triệu đồng).

Theo các chuyên gia y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh, là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế.

Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.

Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, vệ sinh tay được coi là liều vaccine tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Năm 2008, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 15-10 hàng năm là Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng; Tổ chức Y tế thế giới cũng đã chọn ngày 5-5 hàng năm là Ngày Vệ sinh tay thế giới. Trong những năm qua, Bộ Y tế đã liên tục phát động phong trào vệ sinh tay ở các bệnh viện và cộng đồng. (An ninh thủ đô, trang 2)

 

Truyền thông về các bệnh truyền nhiễm đang đi sai hướng!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh chúng ta đang truyền thông về các bệnh truyền nhiễm sai hướng: chưa truyền thông tập trung vào phòng bệnh, truyền thông phòng bệnh không đúng.

Tại BV Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Th. Y. (Long An) đang chăm con mắc sởi vào ngày thứ năm. Chị cho biết, chị hiểu cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ nhưng chỉ rửa tay vào thời điểm trước khi ăn.

Theo các bác sĩ điều trị của khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, rửa tay vô cùng dễ làm. Nhà nhà có nước, xà bông khắp nơi đều có. Đây là biện pháp dễ làm, phòng ngừa bệnh hiệu quả, và rửa tay mọi thời điểm khi chế biến thức ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Nhưng không ít phụ huynh không thường xuyên rửa tay, rửa tay không đúng thời điểm. Thậm chí nhiều người còn quan niệm rằng, “con nít đi tiêu, đi tiểu là sạch sẽ!”

Phụ huynh Nguyễn Đ. L (Đắk Lắk) đang chăm con 14 tháng tuổi bị viêm phổi cũng chia sẻ, anh biết phải rửa tay nhưng cũng chỉ rửa tay trước khi cho con ăn. Vệ sinh trong nhà từ trước đến nay chủ yếu là do vợ anh đảm nhiệm.

Trong buổi làm việc với BV Nhi Đồng 2 sáng 12/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nhìn chung qua các báo cáo của BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng TP, BV Bệnh Nhiệt đới, số mắc, số nhập viện và số ca tử vong trung bình năm nay thấp hơn năm ngoái ít nhất là 20%.

“Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, đột ngột ca bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết cùng tăng vọt. Nguyên nhân có thể là do đỉnh dịch, thời tiết thay đổi thất thường hoặc do người dân lo lắng trước những thông tin như “dịch chồng dịch”, “chủng virut biến đổi bất thường”… nên con sốt, phát ban, sổ mũi là đưa ngay con vào bệnh viện, kể cả dưới tỉnh.” Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Kim Tiến băn khoăn, trẻ con đi cả ngày, trời miền Nam vừa nắng nóng lúc lại mưa, ngoài Bắc nhiệt độ bắt đầu trở lạnh, mệt lả vì ngồi chờ…; rồi vào đến khu bệnh nhân sởi… trẻ càng dễ mắc bệnh các bệnh lây nhiễm như sởi.

“Lọc bệnh, cách ly và bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện từ ngoài khoa Khám bệnh. Bệnh nhi ngồi chung hết một dãy khám, các cháu ho ngồi chung với sởi… Còn trong phòng Hồi sức Cấp cứu (ICU), bác sĩ tiến hành hàng loạt các thủ thuật như thở máy, đặt nội khí quản, truyền dịch, bơm dịch… trong lúc bệnh nhi sởi lại nằm giường kề bên cạnh; nằm chung hai cháu một giường, bên này sởi, bên kia là bệnh nhi suy tim; hoặc một bệnh nhi sởi, còn lại là tay chân miệng…

Nguy cơ lây nhiễm chéo, bội nhiễm rất cao; tỷ vong ở trẻ mắc sởi nhiều khi không phải do sởi mà những trẻ có bệnh nền đang điều trị trong bệnh viện có thể mắc sởi và tử vong,” Bộ trưởng Kim Tiến cảnh báo.

Các bệnh truyền nhiễm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lọc bệnh để các ca bệnh nặng nhập viện, các ca bệnh nhẹ sẽ được theo dõi và điều trị trong ngày. Để giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện. Hệ điều trị còn phải tập trung vào các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì… nguyên nhân của 75% tử vong.

Hơn thế nữa, dịch bệnh lưu hành mỗi năm, đến hẹn lại lên, nên chúng ta hình thành thói quen phòng ngừa bệnh. Chúng ta đang xem nhẹ dự phòng và sai lệch trong truyền thông phòng bệnh. Theo Bộ trưởng Kim Tiến, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường chích vào buổi sáng từ 9 – 11g và chỉ thích sống ở môi trường nước sạch; phòng ngừa tay chân miệng làm sao được khi sàn nhà và đồ chơi bẩn, ăn uống mất vệ sinh…; ngừa sởi chỉ có cách mang con đi tiêm ngừa đủ 2 mũi (9 tháng và 18 tháng).

Chúng ta thường khuyến cáo khi trẻ bị sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, phát ban, quấy khóc kéo dài… đưa đến bệnh viện; nhưng chưa tập trung nhấn mạnh điều đầu tiên để phòng ngừa bệnh là phải rửa tay, theo dõi sát bệnh, cho trẻ uống nhiều nước, cho ăn tốt đủ dinh dưỡng,” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.

Cũng trong ngày 12/10/2018, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” tại Quận Thủ Đức, TP.HCM.

Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà các trường mầm non…; thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Chủ động phòng chống 3 loại dịch bệnh

Trong ngày 12/10/2018, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” tại quận Thủ Đức, TP.HCM.

Chiến dịch bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà các trường mầm non…; thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi…

* Sáng 13/10, tại Hà Nội, “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” do Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức có sự tham gia của 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, một số tổ chức quốc tế…

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch và triển khai tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết trên địa bàn tạo hiệu ứng tích cực vận động mọi người dân cùng tham gia. Đây là một hoạt động rất quan trọng để đảm bảo công tác phòng chống dịch được thành công, đặc biệt thể hiện trách nhiệm trong việc vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ.

Sau Lễ phát động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm, nhiều hoạt động đã diễn ra để hưởng ứng chiến dịch như: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; Thực hành tiêm bổ sung vắc-xin phòng sởi – Rubella cho trẻ tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; Thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại tổ 1, phường Dịch Vọng; Phun hóa chất diệt muỗi ở cụm dân cư tổ 11, nhà văn hóa, bãi đất trống, công trường xây dựng tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc liên quan bệnh tim mạch

Theo các chuyên gia, bệnh tim mạch hiện đang gây gánh nặng tử vong lớn nhất ở Việt Nam. Ước tính trong năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc do bệnh tim mạch. Trong đó tăng huyết áp và đái tháo đường là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015 cho thấy cứ 5 người trưởng thành Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Như vậy ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng có nguyên nhân quan trọng là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý và đặc biệt là tiêu thụ nhiều muối. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Bộ Y tế bãi bỏ một số văn bản

Bộ Y tế  vừa ban hành Thông tư số 25/TT- BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2018.

Theo đó, tại Thông tư này, Bộ Y tế đã bãi bỏ hoàn toàn 28 văn bản quy phạm pháp luật và bãi bỏ một phần 12 văn  bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, kế hoạch tài chính, dược, bảo hiểm y tế, khoa học-công nghệ và đào tạo, thanh tra, phòng chống HIV/AIDS, tổ chức cán bộ, quản lý môi trường y tế… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết ở biên giới

Ngày 14-10, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, Quảng Nam, cho biết, bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra trên địa bàn huyện. Hiện, mỗi ngày, phát hiện thêm ít nhất một trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết…

Đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã xây dựng phương án phòng, chống dịch, chỉ đạo Trạm Y tế tại 10 xã trên địa bàn huyện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động dập tắt, không để dịch SXH lan ra diện rộng; hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, tử vong; bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất… sẵn sàng ứng phó khi bệnh SXH bùng phát. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 19/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận