Điểm báo ngày 22/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 22/10/2018

Vụ bé trai tử vong sau khi truyền dịch: Cảnh báo tình trạng “cứ thích là truyền”…; Khánh thành khu khám bệnh Dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai (cơ sở 2); Bệnh tay, chân, miệng tăng cao ở Đồng Tháp…

 

Khánh thành khu khám bệnh Dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai (cơ sở 2)

Ngày 21-10, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành khu khám bệnh thuộc Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sắp tới Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức sẽ có một bệnh viện mở rộng hoàn chỉnh. Đây là Dự án lớn nhất hoàn thiện 5 cơ sở bệnh viện mới lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Phó Thủ tướng, một bệnh viện đưa vào sử dụng ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị, yếu tố con người, ở đây là các thầy thuốc phải có một quá trình, phối hợp chặt chẽ. Vì vậy, hai bệnh viện cần phải nỗ lực tiếp tục làm tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ, ngành cần nâng cao nghiên cứu khoa học, để người Việt Nam bớt ra nước ngoài chữa bệnh, đổi mới mô hình quản trị bệnh viện, bước đầu hình thành mô hình chuỗi bệnh viện, kêu gọi bệnh viện tham gia sâu hơn vào cải tạo nhân lực của mình.

Tại Lễ Khánh thành, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là 2 dự án thuộc Đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến cuối của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án với mục tiêu xây dựng các bệnh viện mới theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Hai bệnh viện có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi. Đây là một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: Tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.

Đây là 2 công trình bệnh viện hiện đại được xây dựng theo hướng tiếp cận mới thân thiện với bệnh nhân, tạo sự tiện nghi và tác động tích cực đến thời gian phục hồi của người bệnh; đồng thời cũng tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên y tế.

Sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam. Đến nay, dự án đã khánh thành Khu khám bệnh ban ngày và chuẩn bị đưa vào phục vụ nhân dân.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư và các nhà thầu thúc đẩy tiến độ, khẩn trương hoàn thành toàn bộ dự án, sớm bàn giao cho 2 bệnh viện tiếp quản, vận hành phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 1: “Khánh thành Khoa khám bệnh cơ sở 2 của hai Bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức”; Tiền phong, trang 6: “BV Bạch Mai – Việt Đức khai trương khu khám bệnh tại Hà Nam”; Công an Nhân dân, trang 2: “Khánh thành Khu khám bệnh BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Khánh thành khoa khám bệnh cơ sở 2 của BV Việt Đức và BV Bạch Mai: Tuyến trên giảm tải, người bệnh hưởng lợi”

 

Bệnh tay, chân, miệng tăng cao ở Đồng Tháp

Hơn một tháng nay, số người đến khám và nhập viện điều trị bệnh tay, chân, miệng tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sa Đéc tăng cao. Mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 15 đến 20 người bệnh. Riêng trong tháng 10, số ca nhập viện tăng hơn 20 người bệnh mỗi ngày. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa Nhi BVĐK Sa Đéc cho biết, phần lớn các em trong độ tuổi nhà trẻ. Nguyên nhân bệnh gia tăng là do lây lan giữa những trẻ đi học và biện pháp phòng bệnh không tốt.

Các bác sĩ cho biết, bệnh tay, chân, miệng hiện không có thuốc phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và biến chứng. Phòng ngừa chủ yếu là vệ sinh và rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh những vật dụng hằng ngày trẻ thường tiếp xúc. Khi phát hiện trẻ bị bệnh, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. (Nhân dân, trang 3)

 

Hơn 700 sinh viên hiến máu tình nguyện

Ngày 21-10, tại Trường đại học Y dược (Đại học Huế), Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm học 2018-2019 với chủ đề “Thu yêu thương – hành động vì cộng đồng” đã thu hút hơn 700 đoàn viên, sinh viên tham gia.

Qua ngày hội, Ban tổ chức đã tiếp nhận 500 đơn vị máu nhằm hỗ trợ vào ngân hàng máu để cứu các bệnh nhân. Ngoài chương trình hiến máu tập trung, Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của Trường đại học Y dược Huế liên tục hỗ trợ máu kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp, giúp đỡ nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch. Dịp này, Trường đại học Y dược Huế đã khen thưởng 10 cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào vận động hiến máu tình nguyện. (Nhân dân, trang 3)

 

Cháu bé sinh non có bố mẹ chết cháy ở phố Đê La Thành đã ra viện

Ngày 21-10, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu Tạ Công M (SN 1-7-2018), con của anh Tạ Văn Tính và chị Hà Thị Lành, trú tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) – nạn nhân trong vụ hỏa hoạn trên phố Đê La Thành (Hà Nội) vào chiều tối 17-9 đã được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị tích cực.

Cháu Tạ Công M sinh non khi mới 28 tuần tuổi, cân nặng 1,1kg. Ngay sau sinh, cháu M đã bị suy hô hấp, phải thở máy và thở hỗ trợ ôxi gần 2 tháng ở Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Do tình trạng không thuyên giảm, ngày 14-9, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cháu M vào viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn, nhiễm trùng nặng. Sau khi thăm khám, cháu được chẩn đoán viêm phổi mạn tính – tăng áp lực động mạch phổi/đẻ non, theo dõi nhiễm trùng huyết.

Cháu được đưa vào Khoa Điều trị tích cực, được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy, hỗ trợ tuần hoàn bằng dịch và thuốc vận mạch, sử dụng kháng sinh toàn thân phối hợp, điều trị tâng áp lực động mạnh phổi, kiểm soát dịch và điện giải, đảm bảo dinh dưỡng và các biện pháp chăm sóc, điều trị hỗ trợ khác.

Số phận đáng thương của cháu M được dư luận cả nước biết đến khi điều trị được vài ngày trong bệnh viện thì cha mẹ cháu qua đời do chết cháy tại nhà trọ. Trên cháu M còn có một anh trai năm nay học lớp 7.

Sau khi Cơ quan điều tra có kết quả giám định ADN, xác định danh tính 2 nạn nhân thiệt mạng là cha mẹ của cháu M, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hội chẩn nhằm đưa ra kế hoạch điều trị và hỗ trợ tốt nhất cho cháu.

Do cháu có tình trạng bệnh phổi mạn tính nên bệnh viện hỗ trợ hô hấp bằng máy thở không xâm nhập, sau đó tiến hành cai máy thở, duy trì các thuốc kháng sinh, điều trị tăng áp lực động mạnh phổi. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đường tĩnh mạch và đường miệng phối hợp, bổ sung vitamin và các chất vi lượng, khám kiểm tra mắt và thính lực. Cháu M được các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Điều trị tích cực trực tiếp theo dõi, chăm sóc chặt chẽ tại bệnh viện.

Theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa điều trị tích cực thì sau hơn 1 tháng điều trị, tình hình cháu bé đã ổn định, bé tỉnh táo, ăn tốt, tiếp xúc tốt, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm về bệnh võng mạc do trẻ đẻ non và phải thở oxy kéo dài.

Cách đây 2 tuần, Khoa đã cho người nhà cháu bé vào chăm sóc cùng để các bác sĩ hướng dẫn gia cách chăm sóc cho trẻ.

Theo bệnh viện thì chi phí điều trị trong thời gian cháu M nằm viện do BHYT chi trả theo quy định. Một số thuốc và vật tư tiêu hao ngoài bảo hiểm, kể cả một số vận dụng thiết yếu khác như sữa, bỉm…sẽ được Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

Điều khiến chúng tôi cảm động đó chính là trong thời gian cháu M nằm viện, qua kêu gọi của cộng đồng mạng, đặc biệt là sự kêu gọi của Bệnh viện Nhi Trung ương đã có nhiều nhà hảo tâm, nhiều đoàn công tác đến bệnh viện ủng hộ hoặc gửi tiền qua tài khoản tài trợ cho cháu M.

Dưới sự chứng kiến của UBND xã Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), UBND phường Ngọc Khánh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Ba Đình, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã bàn giao cháu bé cho người giám hộ – bà nội của cháu (được UBND xã Thanh Sơn chứng thực).

Đồng thời bệnh viện cũng trao lại số tiền 705.948.351 đồng do các tổ chức, cá nhân đã tài trợ cho cháu M thông qua tài khoản bệnh viện và Phòng Công tác xã hội trong thời gian cháu nằm viện. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Hơn 4,28 triệu trẻ em sẽ được tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella

Bộ Y tế đã có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018 – 2019.

Theo Quyết định số 6193 /QĐ-BYT, số lượng trẻ tham gia chiến dịch dự kiến là hơn  4,28 triệu. Chiến dịch được triển khai giúp trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm 1 mũi vaccine sởi – rubella góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.

Chiến dịch được chia thành 2 đợt: Đợt 1 (từ tháng 11 đến 12-2018) tại 156 quận, huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố; đợt 2 (từ tháng 1 đến 2-2019) tại 262 quận, huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh, thành phố.

Thực hiện chiến dịch, trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm 1 mũi vaccine MR (vaccine kết hợp nhằm bảo vệ chống cả sởi lẫn rubella), không kể tiền sử được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Để chiến dịch đạt hiệu quả, Bộ Y tế đảm bảo sẵn sàng cung ứng vaccine sởi – rubella, bơm kim tiêm, hộp an toàn. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt nhỏ theo cụm huyện, xã tùy vào điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, ngành y tế thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Nguyên nhân ban đầu vụ loạn đả ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa là do… chửi thề

Sáng 20-10, lãnh đạo CATP Thanh Hóa cho biết đã kêu gọi đầu thú và triệu tập 6 đối tượng liên quan đến vụ bắn, chém nhau xảy ra tối 18-10 trên đường Lê Hoàn và Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa để điều tra làm rõ về hành vi “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng”…

Trước đó, như ANTĐ đã đưa, tối 18-10, 2 nhóm thanh niên truy sát nhau gây náo loạn từ đường phố đến bệnh viện ở TP Thanh Hóa. Một người bị bắn nguy kịch, một người bị đâm xuyên bụng.

Bước đầu, nội dung sự việc được các đối tượng khai nhận, vào tối 18-10, Nguyễn Thế Nam (SN 1998) và Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998) trú tại phường Đông Vệ đang đi trên đường Lê Hoàn, đoạn gần trường THPT Nguyễn Trãi thì gặp Lê Bá Hoàng ở phường Lam Sơn và Doãn Phương Nam, ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa.

Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn do “chửi thề”, Lê Bá Hoàng và Doãn Phương Nam đã rút lê đâm chém gây thương tích cho Nguyễn Thế Nam. Để trả thù Nguyễn Thế Nam đã rút súng côn tự chế bắn về phía đối phương khiến Doãn Phương Nam bị trúng đạn, thương nặng.

Sau đó, các đối tượng bị thương được đưa vào Bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa để cấp cứu. Trong khi các bác sĩ đang sơ cứu cho bệnh nhân thì một nhóm thanh niên là bạn của Nguyễn Thế Nam và Doãn Phương Nam đến thăm.

Tại đây, những thanh niên này đã xảy ra mâu thuẫn, đánh, chém nhau. Trong đó Nguyễn Xuân Long (SN 1997) trú tại phường Ngọc Trạo là bạn của Doãn Phương Nam đã rút 2 con dao bầu đâm liên tiếp vào nhóm thanh niên là bạn của Nguyễn Thế Nam. Sự việc khiến 3 người bị thương và gây náo loạn, mất an ninh trật tự tại Bệnh viện TP Thanh Hóa.

Nhận được tin báo, CATP Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên các đối tượng vẫn hết sức manh động và hung hãn buộc lực lượng công an phải nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo. Qua khám nghiệm hiện trường, CATP Thanh Hóa đã thu giữ 1 khẩu súng Colt tự chế, 1 dao lê, 2 dao bầu là tang vật của vụ án. (An ninh Thủ đô, trang 14)

 

Bán đồ ăn phải mang bao tay

“Không đeo bao tay, đội mũ; không cắt móng tay, đeo đồng hồ, nhẫn, lắc tay; hút thuốc… khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu đồng” quy định tại Nghị định 115/2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ 20.10.

Đáng nói, dù nghị định đã có hiệu lực nhưng từ người bán hàng, người chế biến thực phẩm đến người tiêu dùng, không mấy ai hay biết có quy định mới này.

 “Kiểm tra thì mang vào thôi”

Đối diện cổng Trường THCS Lý Thường Kiệt trên đường Thiên Phước (Q.11, TP.HCM), phía bên kia đường là một dãy dài các tủ, quang gánh bán đồ ăn sáng “dã chiến” từ bánh mì, xôi, nui xào, bún gạo xào đến bánh canh, bún bò, hủ tiếu… Đa số người bán hàng tại đây không có thói quen sử dụng bao tay khi bán cho khách. 7 giờ 20 sáng thứ bảy, học sinh mặc đồng phục đến trường khá đông. Em T.H (học sinh lớp 7) dừng mua hộp nui xào bò 20.000 đồng, người bán dùng đũa để gắp nui xào sẵn vào hộp xốp, nhưng khi bỏ thêm cà chua, ngò và dưa leo, bà lại dùng tay trần để bốc.

Rồi cũng chính bàn tay đó, nhận tiền từ khách, kéo hộc gỗ mốc meo trước mặt lấy tiền thừa trả khách. Đi hết đường Thiên Phước, vào đường Nguyễn Thị Nhỏ cũng gặp dãy hàng ăn sáng gồm bún bò, hủ tiếu, súp cua…; chiều cơm tấm, bánh xèo… người dừng mua, người kéo ghế ngồi ăn xì xụp lúc nào cũng đông đúc. Dừng ở hàng bán bánh canh, người bán có đeo bao tay bốc miếng chả cua chín, chả bò vào tô cho khách trông khá chuyên nghiệp. Thế nhưng khi vo những viên chả cua nhuộm phẩm màu đỏ gạch còn sống để thả vào nồi nước dùng, bà lại tháo hẳn bao tay ra “làm cho nhanh”.

Tương tự, thái thịt bò, xắt hành, cắt chả bò chín cũng đều tay không. Hỏi, người phụ nữ bán hàng khoảng ngoài 50 tuổi vừa phân trần vừa cười giả lả: “Quên mất. Hơn nữa đeo bao tay khó xắt thịt lắm, cầm bằng tay ước chừng dễ hơn. Đeo cho khách yên tâm chứ lấn cấn khó chịu, không quen”. Chị có biết không đeo găng tay sẽ bị phạt không?; “Nếu họ đi kiểm tra thì mang vào thôi”, chị trả lời hồn nhiên.

Góc đường Ngô Thời Nhiệm – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) đang có công trình xây dựng lớn và một trường cấp 3 nên trở thành “thiên đường” cho các xe, gánh hàng rong, “quán” cơm trưa tự phát. Trên bức tường và dưới nền vỉa hè khu vực này đen nhẻm vì khói và bụi than dùng nấu ăn. Hơn 9 giờ sáng, các vật dụng như bàn ghế, nồi niêu xoong chảo, thịt, cá, rau củ… được dọn ra cắt gọt, chiên xào, nướng ngay tại chỗ. Thức ăn chế biến xong bày trên mặt bàn cạnh bức tường, tất nhiên không được che đậy. Một cái bàn nhỏ cạnh đó chất đầy các bọc đựng dưa leo cắt sẵn, ớt trái, củ cải cắt sợi muối chua… Tranh thủ lúc vắng khách, chủ hàng cho nước tương, nước mắm, canh vào bọc ni lông. Đến khoảng 11 giờ trưa, những cây dù che nắng tạm được dựng lên, bàn ghế được bày ra, vậy là thành một quán ăn dã chiến. Theo quan sát của chúng tôi, nếu chiếu theo Nghị định 115, “quán” cơm trưa này hoàn toàn không đáp ứng một tiêu chuẩn nào cả. Đó là chưa kể việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường.

“Không bao tay thì tay em bẩn chứ khách có sao đâu”

Ngay trung tâm TP.HCM, nơi đông du khách qua lại, dễ dàng bắt gặp rất nhiều người bán hàng rong chuyên “bốc tay” bán hàng cho khách. Chiếc bánh chuối chiên vàng ươm, nóng bỏng nhưng người bán hàng vẫn tay không bốc, gói cho khách. Hỏi, cô gái bán hàng tên Thúy trả lời gọn ơ: “Không có bao tay thì tay em dính dầu bẩn chứ khách có làm sao đâu. Tay sáng rửa sạch mà, cả ngày cũng lau tay suốt. Chị yên tâm!”.

Yên tâm chi nổi khi vừa nói, chị Thúy vừa lục dưới thúng tìm mấy thỏi xúc xích vỏ bên ngoài đã đổi màu, tay lột tay xé vội vã làm tiếp món bánh hotdog bày lên khay. Một chiếc bánh chuối chiên giá 10.000 đồng, 4 miếng khoai tẩm bột chiên giòn cũng 10.000 đồng. Thúy cho biết mỗi ngày bán được gần 500.000 đồng, trừ mọi chi phí, cũng lời một nửa số đó. Hỏi Thúy có sợ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng nếu cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thấy Thúy dùng tay trần bán hàng vậy không? Thúy la lớn: “Chị đùa à, ngày bán lời được 200.000 – 250.000 đồng, đi bộ từ Bình Tân lên đây, phạt 3 triệu có mà chết em…”.

Thậm chí, ngay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần trụ sở Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cũng có nhiều quán mà nếu áp theo quy định của Nghị định 115 chắc chắn không đáp ứng đủ yêu cầu. Trong những ngày thực hiện bài viết này, chúng tôi đã vài lần liên lạc qua điện thoại với bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, về kế hoạch triển khai Nghị định 115 nhưng đều không thành. Trong tin nhắn trả lời chúng tôi, bà Lan chỉ nói vỏn vẹn: “Đây là nghị định về xử phạt hành chính. Ban có kế hoạch tập huấn cho thanh tra và quận huyện, doanh nghiệp rồi, lo áp dụng thôi”. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, rất nhiều chủ cơ sở sản xuất thực phẩm cho biết chưa hề được mời tập huấn Nghị định 115. Một cơ sở chuyên rang xay cà phê tại Q.Thủ Đức khẳng định chưa hề nghe đến nghị định mới.

Vấn đề là chất lượng chứ không phải chiếc bao tay

Luật sư Nguyễn Quốc Toản cho rằng, sở dĩ nghị định đã có hiệu lực nhưng khắp nơi vẫn im ắng do chờ thông tư hướng dẫn. Nghị định đang có một vài bất cập, hơi ôm đồm trong nỗ lực quyết liệt dẹp loạn an toàn thực phẩm. Đơn cử Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, đơn vị triển khai tập huấn và kiểm tra, thực thi nghị định này với quân số quá mỏng, rất khó triển khai tốt. Rồi ai đủ trình độ chuyên môn để biết người bán hàng đủ sức khỏe để ra quyết định xử phạt hay không? Chẳng nhẽ nghe người ta hắt hơi, sụt sùi để quyết định xử phạt à?

Theo chuyên gia thực phẩm Phạm Minh Duy, việc không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong chế biến thực phẩm gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe gấp vạn lần câu chuyện phạt tiền nếu không đeo găng tay chế biến. Có bệnh lây lan qua đường ăn uống rất nhanh là viêm gan siêu vi. Tuy nhiên, làm sao kiểm soát được trước một rừng thức ăn đường phố, trong khi lực lượng kiểm tra có chuyên môn mỏng thế này? Cốt lõi của vấn đề là chất lượng thực phẩm bán ra có an toàn không chứ không phải “anh” có đeo găng tay không. Chẳng hạn với các xe đẩy bánh mì, súp cua, hủ tiếu… có nồi nước dùng nấu từ nhà, đẩy đi từ đường này sang phố nọ, làm sao tránh được việc nhiễm khuẩn cho dù nguyên liệu đầu vào bảo đảm. “Giả sử người bán hàng rong đeo đủ găng tay, đội mũ, đáp ứng các tiêu chí tốt, nhưng mua chai nước rửa chén ngập hóa chất giá 2.000 đồng/lít để rửa chén thì ai sẽ phạt việc này?”, ông Duy đặt câu hỏi. (Thanh niên, trang 1)

 

Thu hồi sản phẩm trị tiểu đường chứa chất cấm

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu thu hồi, không sử dụng sản phẩm Viên thuốc màu xám (điều trị tiểu đường) có chứa hoạt chất phenformin (chất đã bị cấm sử dụng trong sản xuất thuốc trị tiểu đường).

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố thông báo thu hồi, không sử dụng sản phẩm Viên thuốc màu xám (điều trị bệnh tiểu đường); thực hiện kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và báo cáo kịp thời về Sở Y tế Hà Nội trước ngày 9.11.

Đồng thời, các đơn vị y tế thông tin đến bệnh nhân, người dân không buôn bán, sử dụng sản phẩm có thông tin nói trên do sản phẩm có chứa hoạt chất phenformin (là chất đã bị cấm sử dụng trong sản xuất thuốc trị tiểu đường).

Trước đó, ngày 10.10, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có Công văn số 554/YDCT-QLD thông báo về sản phẩm có nhãn ghi: Viên thuốc màu xám (thuốc trị bệnh tiểu đường) được xét nghiệm xác định dương tính với phenformin.

Mẫu kiểm nghiệm do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm Cần Thơ lấy mẫu; mẫu sản phẩm do nhà thuốc YHCT tư nhân Vạn Tế Sanh sản xuất không có thông tin về số lô, hạn dùng, số đăng ký.

Mẫu được kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. (Thanh niên, trang 3)

 

Khổ như ở nơi chờ tin người bệnh

Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chật hẹp, giường cho bệnh nhân còn chưa đủ, nên làm nhà lưu trú cho thân nhân là không dễ.

Buổi trưa, sau cơn mưa, trời Sài Gòn nóng hầm hập, trong khuôn viên nhỏ ở trại 25 (T25), nhiều người lố nhố dọn “bãi chiến trường” ướt nhẹp. Trại là nơi lưu trú dành cho thân nhân chờ tin những bệnh nhân (BN) nặng đang hồi sức cấp cứu, BN phải cách ly điều trị tại các khoa phòng của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Ai từng nuôi bệnh hồi sức cấp cứu thì mới biết khổ ra sao.

Chờ tin người thân

T25 rộng khoảng 400 m2, lợp tôn, có một khu nhà vệ sinh nho nhỏ, với 7 cây quạt công nghiệp, những lúc nắng, hơi nóng tỏa hầm hập. Người nào đến trước còn được chỗ ngả lưng trên những tấm ván kê san sát nhau, chen chúc. Số còn lại nằm trên 1 ghế đá, co người lại. 7 chiếc quạt chạy vù vù thế nhưng nhiều ông vẫn phải cởi trần, tay cầm quạt quạt liên hồi. Một số khác thì ra bên ngoài xung quanh T25, hễ trời mát thì họ trải chiếu ra đường đi nằm, trời nắng hoặc mưa thì chen chúc vào khu vực lân cận.

Thấy chúng tôi, vợ chồng ông Đ.T.H (50 tuổi, ngụ Nam Định) vén tấm bạt, nhìn. Ông H. nói: “Trời mưa quá nên lấy bạt che lại, giờ tạnh rồi!”.

Bên cạnh đó nhiều người khác đang say ngủ dưới tấm bạt che tạm này. Tấm bạt đầu trên cao được cột dây vào các móc dán vào vách nhà, đầu còn lại được đè lên bởi các can nước 5 lít.

“Bình thường thì vợ chồng tôi nằm ngoài vỉa hè đối diện, nắng thì chạy, mưa cũng chạy. May quá 3 ngày trước có người xuất viện nên trống chỗ này, vợ chồng tôi mới có chỗ”, vợ ông H. cho hay.

Ông H. tâm sự, đứa con trai đầu lòng là Đ.V.G (23 tuổi) bị tai nạn giao thông nên vợ chồng ông gom góp, vay mượn tiền bạc của bà con tức tốc vào Sài Gòn chăm con. Mới 10 ngày mà tiêu tốn cả trăm triệu đồng. Ông bà nằm chờ tin con và chỉ dám ăn cơm từ thiện để dành tiền trả viện phí. Ngặt nỗi, thận có vấn đề nên hằng ngày ông đi vệ sinh rất nhiều lần. Chỉ tính tiền vệ sinh thì riêng ông đã tốn 20.000 đồng/ngày.

Ông T.B.N (58 tuổi, ngụ Tiền Giang) vừa phe phẩy cây quạt nhựa, vừa đọc báo. Ông than mình phải bấm bụng mua cái quạt nhựa 12.000 đồng vì thời tiết nóng quá.

Cũng đã 10 ngày trôi qua mà vợ ông bị bệnh nhiễm trùng huyết chưa ra được khỏi phòng hồi sức. Cũng ngần ấy thời gian ông được nhập “biên chế” ở T25, nhưng không phải ở trong trại mà ở nơi công trình chưa sử dụng của nhà lưu trú BV Chợ Rẫy.

Những tấm chiếu của người mới đè lên tấm chiếu của người cũ bỏ lại, sát nhau; chỗ thì có người ngồi, nằm, chỗ khác thì chỉ có mấy cái ba lô mà theo ông Nam là: “Do nóng quá bà con phải đi ra chỗ khác hóng mát chứ người “da kề da” giữa trưa thế này thì ai chịu cho nổi”.

Một người bệnh kèm 5 – 6 thân nhân

Đại diện BV Chợ Rẫy cho hay, hiện tại có 300 thân nhân BN lưu trú tại T25 để chờ thông tin. Khu vực T25 đang bị quá tải do nhiều BN có đến 5 – 6 người nuôi bệnh; một số người ngoài cũng vào đây nằm. BV thu phí nhà vệ sinh với giá 2.000 đồng (gồm tắm, giặt, đi vệ sinh). Giá thu này tạm thời chỉ hỗ trợ để bù lỗ cho chi phí thuê nhân công làm sạch, điện, nước, giấy vệ sinh và cũng đã thông qua lãnh đạo BV, phòng tài chính.

Khu nhà nghỉ mới dành cho thân nhân BN lưu trú BV Chợ Rẫy dự kiến sẽ đi vào hoạt động tới đây. Khu này gồm 58 phòng với 304 giường; được trang bị quạt, ti vi và nhà vệ sinh, hoặc có máy lạnh, ti vi… (tùy phòng). Để có mức giá phù hợp cũng như duy trì, bảo dưỡng tòa nhà, BV đang tham khảo nhiều mô hình và sẽ công khai giá khi đưa vào sử dụng khu nhà nghỉ này. Riêng tầng trệt và mặt bằng cũ là khu tiếp nhận và dành cho thân nhân BN miễn phí. Khi nhà nghỉ cho thân nhân BN đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi cho những BN ở xa khi có chỉ định cận lâm sàng hôm sau có kết quả; những thân nhân có BN nằm phòng hậu phẫu, hồi sức cấp cứu… có điều kiện sẽ đăng ký để nghỉ ngơi trong thời gian nuôi bệnh.

Nhiều thân nhân BN tại BV Chợ Rẫy bày tỏ nguyện vọng có một nhà lưu trú giá rẻ, có thể họ sẽ kham nổi. Nếu giá cao thì họ chịu cảnh nằm vật vạ ở BV. (Thanh niên, trang 14)

 

Vụ bé trai tử vong sau khi truyền dịch: Cảnh báo tình trạng “cứ thích là truyền”…

Bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại Phòng khám tư nhân ở quận Long Biên, Hà Nội ngày 16/10/2018, dấy lên lo ngại về thực trạng truyền dịch của người dân hiện nay. Dịch truyền cũng là một loại thuốc, không phải “cứ thích là truyền”…

Truyền dịch là một kỹ thuật y tế đưa một lượng lớn nước và hoạt chất có tác dụng dược lý để tiêm trực tiếp vào mạch máu qua đường tĩnh mạch. Truyền dịch rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu trong nhiều trường hợp. Kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện và chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế khi có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ (SPV). Việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thật sự cần thiết hoặc truyền dịch không đúng quy định đã gây ra nhiều vụ chết người do bị SPV không thể cấp cứu.

Những nguy cơ khi truyền dịch

Khi truyền dịch cho bệnh nhân trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý nguy cơ bệnh nhân có thể bị SPV. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc trong/ngay sau khi tiêm. Biểu hiện là bệnh nhân bắt đầu thấy rét run đột ngột, sốt, nhiệt độ cơ thể có thể lên 39-40oC hoặc cao hơn, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh và nông, bệnh nhân lo lắng bồn chồn, vật vã… Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ tử vong rất nhanh. Nguyên nhân gây SPV do có chất gây sốt (chí nhiệt tố) trong dịch truyền, hoặc do dụng cụ tiêm truyền không bảo đảm vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh. Đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc. Dù nguyên nhân nào cũng phải ngừng tiêm truyền ngay và dùng thuốc cấp cứu SPV theo quy định của ngành y tế. Chính vì tai biến nguy hiểm này mà cần cảnh báo đến tất cả mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp truyền dịch tại nhà không được theo dõi, truyền nhanh để về, không đúng tốc độ truyền, áp lực thẩm thấu cao gây biến chứng với biểu hiện vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt làm bệnh nhân tử vong.

Ngoài ra, việc lạm dụng truyền dịch khi chưa thực sự cần thiết còn đưa đến những nguy hiểm khôn lường như nhiễm khuẩn máu, phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch). Khi đưa vào cơ thể một lượng không cần thiết dịch truyền dẫn đến sự dư thừa, rối loạn điện giải khiến người bệnh mệt mỏi, nôn nao, tăng nhịp tim bất thường. Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa, khiến thức ăn hấp thu kém, gây thiếu hụt các yếu tố vi lượng. Đã có nhiều trường hợp bị sưng chỗ tiêm hoặc lan tỏa ra xung quanh khiến vùng da đó bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là bị hoại tử nhất là khi truyền dịch cung cấp chất dinh dưỡng. Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền như chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực… Đối với trường hợp nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể lại bị mất nước ưu trương, sẽ bị teo tế bào não rất nguy hiểm.

Cần thận trọng khi truyền dịch

Hiện nay đã có nhiều tai biến do dịch truyền gây ra, nhất là khi truyền dịch với mục đích bồi bổ cơ thể, đẹp da, bù nước. Điều cần cảnh báo là truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế rất thông dụng, có thể thực hiện tại các trạm y tế, nhưng không an toàn tuyệt đối như nhiều người lầm tưởng. Trái lại, nó có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Nguy cơ lây nhiễm các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B,C là rất cao qua con đường truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Cần rất thận trọng đối với bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải. Việc truyền dịch để hạ sốt trẻ em cần phải cân nhắc kỹ. Trước khi truyền dịch, người bệnh phải khám, làm xét nghiệm, xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Nếu không, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim, làm tăng áp lực lên sọ não, tăng phù não. Người bệnh chỉ nên truyền dịch khi bị sốt virut hoặc sốt xuất huyết kéo dài, có hiện tượng nôn, tiêu chảy nhiều. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị mất nước mà vẫn ăn uống được thì không nên truyền dịch, tốt nhất bổ sung bằng đường ăn uống những thức ăn mềm, có nước như súp, cháo, sữa, nước hoa quả… Một số thuốc dùng để uống như oresol, vitamin C sủi có tác dụng bổ sung chất điện giải và vitamin rất tốt.Vì thế, tuy truyền dịch là một thủ thuật y tế khá phổ biến nhưng cũng cần phải rất thận trọng khi truyền dịch, phải thực hiện ở những cơ sở y tế có đầy đủ các phương tiện cấp cứu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận