Những bất lợi về sức khỏe sau Tết

(CDC Hà Nam)

Sau Tết Nguyên đán, nhiều vấn đề đạt được nguyện vọng của hầu hết mọi người (tinh thần, vật chất…) nhưng có không ít phiền toái xuất hiện (kẹt tàu xe, tai nạn giao thông, bệnh tật…), đặc biệt có một số bất lợi cho sức khỏe (bệnh xuất hiện, bệnh tái phát, tăng cân…). Nên làm gì để giải quyết sự bất lợi đó?

Sau Tết, một số bệnh xuất hiện

Sau Tết, do ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất, ăn với số lượng lớn hơn bình thường, ăn nhiều bữa, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt đều là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…). Đặc biệt, khi ăn các loại thức ăn để qua đêm hoặc để quá 6 giờ đồng hồ (với quãng thời gian này, nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, chúng sẽ phát triển nhanh chóng). Lúc này, bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, có thể tiêu chảy nhiều lần trong ngày làm mất nước, chất điện giải rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến trụy tim mạch. Nếu thức ăn, đồ uống nhiễm một số loại vi khuẩn gây bệnh có độc lực mạnh như tụ cầu vàng (S. aureus), trực khuẩn ngộ độc thịt (C. botulinum), tình trạng bệnh sẽ rất nặng.

Sau Tết, do ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất… là các tác nhân chính gây rối loạn tiêu hóa.

Đối lập với bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, bệnh táo bón cũng thường xuất hiện sau dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu là trong những ngày vui xuân đón Tết, trong các bữa tiệc thường dồi dào protid (đạm) và lipid (mỡ), trong khi đó rất ít rau (xào, luộc…) làm cho thiếu chất xơ trầm trọng, thêm vào đó là lạm dụng uống cà phê và uống các loại nước giải khát có gas càng làm cho cơ thể thiếu nước gây táo bón. Thêm vào đó, trong những ngày Tết ít vận động cơ thể càng làm cho hiện tượng táo bón dễ xảy ra, thậm chí táo bón kéo dài trong nhiều ngày sau Tết. Trong khi đó, táo bón sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bên cạnh rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, do thời tiết không ổn định, mặc không đủ ấm, đi dạo chơi ngoài trời lạnh, khói, bụi, dị ứng mùi lạ làm cho một số người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, bị viêm họng, mũi, cảm lạnh hoặc mắc bệnh cúm gây ho sổ mũi, hắt hơi, sốt và có thể gây biến chứng viêm phế quản phổi cấp tính, thậm chí phải nhập viện. Theo khảo sát tại các cơ sở y tế, trước Tết Nguyên đán, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính chỉ chiếm 5% nhưng sau Tết, các bệnh này đã tăng lên 13%.

Một số bệnh tái phát sau Tết

Đó là bệnh về dạ dày-tá tràng. Trong dịp Tết, một số người có tiền sử về bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng, do uống rượu, bia, nước giải khát có gas, ăn các chất gia vị kích thích mạnh hoặc ăn quá nóng, quá nguội lạnh, bệnh có thể tái phát. Mỗi khi bệnh viêm loét dạ dày-hành tá tràng xuất hiện sẽ gây đau bụng, đôi khi đau dữ dội, quằn quại, buồn nôn, nôn, nhất là về đêm làm cho người bệnh ăn không tiêu, mất ngủ, người gầy xanh rõ rệt. Một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, sau Tết Nguyên đán có nguy cơ gia tăng mức độ của bệnh do một số người xem thường hoặc quên kiêng khem (uống rượu, bia, ăn nhiều xôi, bánh chưng, bánh tét, uống nước ngọt, ăn nhiều thịt, mỡ…), không uống thuốc theo chỉ định, thậm chí một số người không chuẩn bị đầy đủ thuốc để đến khi bệnh gia tăng (huyết áp tăng, đường huyết vượt quá mức cho phép…) không có thuốc để dùng.

Hiện tượng tăng cân tuy không phải là bệnh nhưng về lâu dài hoặc với một số bệnh tăng cân đột xuất, nhất là sau Tết Nguyên đán do ăn nhiều chất đạm, mỡ (nhiều món chiên xào, thịt kho nhiều dầu mỡ, các loại giò, thịt nấu đông…), uống nhiều bia làm tăng cân đột xuất sẽ bất lợi cho sức khỏe. Tăng cân nếu kéo dài, trước hết là có nguy cơ làm tăng mỡ máu, nhất là loại mỡ máu xấu (cholessterol xấu), từ đó dần dần làm xơ vữa động mạch, hậu quả dẫn đến là tắc mạch, đột quỵ (hàng năm có khoảng 20.000 người Việt tăng mỡ máu bị đột quỵ). Ngoài ra, tăng cân còn làm ảnh hưởng đến các khớp gây thoái hóa khớp hoặc thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn, trầm trọng hơn.

Theo thống kê của các bệnh viện lớn ở nước ta, sau Tết Nguyên đán, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não (đột quỵ) thường tăng cao. Bên cạnh đó, đường huyết tăng đột biến ở người mắc bệnh đái tháo đường cũng là một vấn đề bất cập cho sức khỏe do ăn uống không kiêng khem đúng mức và không tuân thủ dùng thuốc hạ đường huyết một cách nghiêm túc.

Gan nhiễm mỡ là một bệnh thường gặp ở người béo phì, có thói quen ăn nhiều thịt mỡ, lòng động vật, thực phẩm chiên xào… làm cho mỡ máu luôn tăng cao, đặc biệt là triglycerit. Khi triglycerit máu tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ. Vào dịp Tết, do ăn uống không kiêng khem đúng mức sẽ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ càng nặng hơn. Hậu quả của gan nhiễm mỡ kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan.

Làm gì để ngăn chặn?

Sau Tết Nguyên đán, nếu thấy cơ thể bất thường (tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu, đau bụng, viêm đường hô hấp, huyết áp tăng cao, tăng cân…), cần đến bệnh viện để được khám bệnh và kịp thời điều trị. Những người bị bệnh mạn tính cần quay lại với những tư vấn của bác sĩ đã từng khám bệnh cho mình trước đó để dùng thuốc đúng, đủ liều, vận động cơ thể và ăn uống hợp lý.

(theo suckhoedoisong.vn)

 

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thông báo 06 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Thông báo khẩn số 35

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 06/01/2022

dinh hanh

Để lại bình luận