Người tiêu dùng hãy thông thái khi lựa chọn thực phẩm

(CDC Hà Nam)

Thực phẩm kém vệ sinh không chỉ gây nên ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy các chất độc hại như: chì, thủy ngân, phẩm màu độc… Tuy với lượng không lớn, nhưng kéo dài thời gian sử dụng sẽ gây nên các bệnh mạn tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Sau đây là một số cách hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm.

* Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm

Thứ nhất: Các tiêu chuẩn chọn thịt tươi như: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Mỡ lợn màu trắng, bì không có những lấm chấm xuất huyết màu đỏ tím, tuỷ xương trong, bám chặt vào thành ống xương và không có mùi ôi.

Thứ hai: Chọn phủ tạng: Tim phải có màu hồng tươi, chắc, không có chấm xuất huyết ở vành tim và màng trong tim. Gan bình thường có màu tím hồng, bề mặt mịn, thuỳ gan mềm, không có những nốt hoại tử màu trắng hoặc vàng. Bầu dục màu tím hồng, không có nốt hoại tử.

Thứ ba: Các tiêu chuẩn về cá: Chọn cá đang sống hay vừa mới chết nhưng vẫn đạt các tiêu chuẩn cá tươi, như: thân co cứng, khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống…

Thứ tư: Các loại thủy sản khác: Phải còn tươi, giữ màu sắc bình thường, không có mùi ươn hôi.

Thứ năm: Chọn trứng: Vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị dập. Quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.

Đối với thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng các loại thực phẩm khô đã bị nấm mốc vi nấm rất nguy hiểm; Không sử dụng các chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học, đóng gói không có nhãn và những cơ sở không đǎng ký để chế biến thực phẩm; Không sử dụng các thực phẩm còn nghi ngờ, chưa biết rõ nguồn gốc.

* Dùng nước sạch, an toàn để chế biến

Sử dụng nước máy, nước giếng, nước mưa… đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra. Dụng cụ chứa nước phải bảo đảm sạch, không được có rêu bẩn bám xung quanh hoặc ở đáy, dễ cọ rửa và nên có vòi để lấy nước hoặc có nắp đậy.

Dùng nước đã đun sôi để uống hoặc dùng pha chế nước giải khát, làm kem, nước đá. Bình đựng nước uống phải bằng vật liệu chuyên dùng chứa đựng thực phẩm theo quy định của ngành y tế, rửa sạch hàng ngày và tráng lại bằng nước sôi. Tuyệt đối không dùng cốc, chén múc nước hoặc uống trực tiếp vào bình đựng nước uống.

* Sử dụng đồ dùng sạch sẽ

Sử dụng các dụng cụ nấu nướng, ǎn uống sạch và bằng vật liệu thích hợp đã được ngành y tế cho phép. Cẩn thận với các đồ thủy tinh pha lê, sành sứ, sắt tráng men màu sắc sặc sỡ, đồng, nhôm gia công, nhựa tái sinh có màu vì chúng có thể thôi kim loại nặng gây độc như chì… hoặc phụ gia có mùi lạ khi tiếp xúc với các thực phẩm lỏng tính a xít, rượu, cồn, dầu mỡ.

Không để các dụng cụ bẩn qua đêm. Thức ǎn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải được đựng vào thùng kín có nắp đậy và chuyển đi hàng ngày, tránh ruồi nhặng; Bát đĩa phải được rửa sạch ngay sau khi ǎn xong và úp vào giá khô ráo, tránh bụi bẩn; Dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm sống, chín riêng biệt; Không sử dụng các dụng cụ ǎn uống đã bị rách, xước, sứt mẻ, mốc bẩn hoặc hoen rỉ. Nếu bát đĩa vừa rửa xong cần dùng ngay thì tốt nhất nên tráng lại bằng nước sôi. Không dùng khǎn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa; Không dùng các chất tẩy uế, chất sát trùng vệ sinh nhà cửa hoặc xà phòng giặt để rửa dụng cụ ǎn uống.

           Hồng Hạnh

 

Bài viết liên quan

Phòng bệnh về mắt cho trẻ tại trường mầm non

hanh phan

Nguy cơ tai biến khi lạm dụng thuốc tẩy trắng răng

CDC Hà Nam

 Bộ Y tế cảnh báo về việc lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

admin

Để lại bình luận