Điểm báo ngày 22/2/2019
Cứu sống bệnh nhân Hàn Quốc bị đột quỵ não; Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lo lắng, tẩy chay thịt lợn; Bộ trưởng Y tế cùng hàng trăm người tập thể dục giờ giải lao, nâng cao sức khoẻ…
Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh sởi bùng phát
Cả nước hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi. Tại Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, tăng 72 trường hợp so với tuần trước đó. Nguy cơ dịch sởi bùng phát là rất cao, nếu các biện pháp phòng, chống không được triển khai quyết liệt hơn.
Khoảng trống miễn dịch…
Đánh giá về tình hình dịch bệnh sởi thời điểm hiện tại, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp dương tính với sởi, trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và chưa có trường hợp tử vong. Hiện dịch bệnh sởi đã xuất hiện tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương có số mắc cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái.
Không chỉ ở nước ta, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi hiện đang gia tăng trên toàn cầu. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trên thế giới có hơn 180 quốc gia lưu hành bệnh sởi, trong đó có 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, dịch sởi đã quay trở lại ở một số nước đã từng khống chế thành công hoặc loại trừ căn bệnh này như: Italia, Ukraine… Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi ở một số thành phố. Nguyên nhân dịch sởi lan rộng là tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt đã tạo khoảng trống miễn dịch tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.
Không nằm ngoài diễn biến chung, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng tăng nhanh. Theo Sở Y tế Hà Nội, nếu như trong tháng 1-2019, thành phố chỉ ghi nhận từ 10 đến 30 ca mắc sởi/tuần, thì đến cuối tháng 2-2019 đã tăng lên 78 ca mắc sởi/tuần. Như vậy, trong 1,5 tháng đầu năm 2019, thành phố đã ghi nhận 192 trường hợp mắc sởi (tăng gấp gần 9 lần so với 2 tháng đầu năm 2018). Lý do được PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra, thời tiết đông – xuân, nồm ẩm sau Tết đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi phát triển và lây lan nhanh. Thêm vào đó, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố đã đạt 96,13%, song vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm thấp như: Phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm chỉ đạt 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đạt 82,6% và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.
Ông Đặng Quang Tấn cho rằng, hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Chỉ có 1,3% trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng vẫn mắc sởi. Đặc biệt, lứa tuổi mắc sởi dần dịch chuyển sang người trưởng thành và ghi nhận số mắc cao ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi). Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi mà bị mắc bệnh là do không có miễn dịch từ mẹ sang con. “Những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc người đã mắc bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài, khả năng mắc và lây bệnh rất khó. Tuy nhiên, nếu không tiêm chủng thì khi tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, chắc chắn sẽ bị lây nhiễm”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội), tình trạng kháng thể kháng vi rút sởi có xu hướng giảm ở người trẻ tuổi cho thấy khoảng trống miễn dịch đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Một kết quả đánh giá tại huyện Đông Anh cho thấy, chỉ có 50% phụ nữ nhóm tuổi từ 18 đến 19 có kháng thể kháng vi rút sởi. Chính sự thiếu hụt kháng thể ở phụ nữ và đến khi họ mang thai sẽ dẫn tới thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh và tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Bởi lẽ, trẻ nhỏ được bảo vệ trong những tháng đầu đời không mắc sởi chủ yếu là nhờ kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai. Mẹ có nồng độ kháng thể cao thì con sinh ra sẽ có nồng độ kháng thể cao và kéo dài.
Đề phòng lây nhiễm chéo
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, Bộ Y tế lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Bài học từ dịch sởi năm 2014, làm hơn 100 trẻ tử vong được xác định nguyên nhân là do lây nhiễm chéo từ bệnh viện.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện tại, các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Còn khi trẻ đã mắc sởi, cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.
Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Người chăm sóc trẻ nên lưu ý, không kiêng khem trong chế độ ăn. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống và cần bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A. (Hà Nội mới, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Biến chứng do sởi tăng mạnh, người dân vẫn lơ là với tiêm phòng”
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lo lắng, tẩy chay thịt lợn
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn…
Trước sự xâm nhập của một số ổ dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên và có nguy cơ lan rộng, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng. Đại diện Cục Thú y – Bộ NN&PTNT đã chính thức thông báo về diễn biến dịch và nêu rõ dịch bệnh này không lây sang người.
Về phía ngành y tế, ngày 21-2, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cũng lên tiếng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, đồng thời khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. “Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người” – ông Phu nói.
Hiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước. Cục Y tế dự phòng – cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời tình hình. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Năm 2020: Hà Nội phấn đấu có 3 dược sĩ đại học/vạn dân
Thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 3 dược sĩ đại học/vạn dân.
Trong đó, dược sĩ lâm sàng chiếm 30%; phấn đấu trung bình tối thiểu có 4,8 dược sĩ đại học trở lên tại bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện thành phố, bệnh viện tuyến huyện và 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn có dược sĩ phụ trách công tác dược.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phấn đấu 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền mua thuốc trong năm, đạt 80%. Trong đó, thuốc từ dược liệu chiếm ít nhất 30%; phấn đấu đạt 20% nhà máy sản xuất thuốc trên địa bàn đạt các tiêu chuẩn GMP-PIC/S, GMP-EU…
Đặc biệt, thành phố đang phấn đấu đạt 100% các bệnh viện sử dụng công nghệ thông tin trong khâu quản lý và cấp phát thuốc; 100% kho thuốc của các cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP); 100% bệnh viện tuyến thành phố, Trung ương có bộ phận dược lâm sàng, 60% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng; 50% cơ sở kiểm nghiệm và 100% cơ sở kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPS); tăng thêm diện tích trồng dược liệu 50ha/năm với các loài cây có giá trị về điều trị và kinh tế cao tại các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Theo tầm nhìn giai đoạn đến năm 2030, toàn thành phố phấn đấu có 3,5 dược sĩ đại học/vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có dược sĩ phụ trách công tác dược; 80% nhà máy sản xuất thuốc trên địa bàn đạt các tiêu chuẩn GMP-PIC/S, GMP-EU.
Đồng thời, ổn định và từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng cây dược liệu hiện có, phấn đấu đạt khoảng 800ha gieo trồng vào năm 2030 theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung; 100% diện tích trồng dược liệu thực hiện “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các hoạt động chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bố trí nguồn vốn đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại TP Hà Nội. (An ninh Thủ đô, trang 3)
Siết chặt tuyến sinh khối ngành sức khỏe để đảm bảo chất lượng
Ngành sức khỏe luôn thuộc nhóm có sức hút lớn với thí sinh khi xét tuyển với các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, năm 2019 dự kiến nhóm ngành này sẽ khó tuyển hơn với các tiêu chí siết chặt đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2019 của Bộ GD&ĐT quy định mới về việc sẽ áp điểm sàn đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
Theo đó, nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển sinh dựa theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia thì sẽ do Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Sở dĩ có thêm quy định này là để ngăn chặn tình trạng một số trường lấy điểm sàn thấp để tuyển sinh ngành sức khỏe khiến nhiều người lo ngại chất lượng đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của những ngành, nghề quan trọng này.
Theo đó, đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.
Cũng theo dự thảo, trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh đăng ký. Trong đó, các trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất.
Như vậy so với năm trước, việc tuyển sinh khối ngành sức khỏe của các trường đại học công lập cũng như ngoài công lập sẽ được siết chặt chất lượng đầu vào, không thể tuyển sinh bằng cách hạ điểm chuẩn. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chỉ ra biến chứng dễ gặp khi mắc sởi
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sởi nếu được điều trị không đúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, cam tẩu mã, viêm loét giác mạc, nguy cơ mù lòa…
Sáng 21-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 44 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh sởi. Trong đó, dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh. Hà Nội ghi nhận 150 ca.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nếu như năm 2018 chỉ có 150 ca bệnh thì chỉ trong tháng đầu năm 2019 đã có tổng số 200 trường hợp (cả người lớn và trẻ em) phải nhập viện. Bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội, ngoài ra là các tỉnh, thành lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên…
Hiện, tại 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị, theo dõi hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi diễn biến nặng. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận 3 – 5 trường hợp nặng, thường tập trung vào trẻ em. Phần lớn trẻ mắc Sởi đều không được tiêm vaccine đầy đủ. Đó là chưa tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi, ở độ tuổi chưa được tiêm vaccine sởi, cũng mắc bệnh.
Trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sởi là bệnh hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà với những trường hợp mắc nhẹ.
Theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 – 2 ngày từ khi khở phát bệnh trẻ sẽ ho, chảy nước mũi có xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7 – 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi.
Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính cảnh báo, thực tế có nhiều phụ huynh sai lầm trong cách chăm sóc cho trẻ nhỏ bị sởi, khiến trẻ bị biến chứng nặng, lại nhập viện trong tình trạng muộn nên điều trị rất khó khăn.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, biến chứng phổ biến của bệnh sởi là gây viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não, một số trường hợp bị viêm loét giác mạc, nguy cơ gây mù lòa cao…
“Khi trẻ có biến chứng của bệnh sởi, nhiều bậc cha mẹ không đưa con đị bệnh viện mà lại để ở nhà chữa trị, nghe theo quan niệm dân gian, khiến trẻ đến viện quá muộn gây biến chứng nguy hiểm. Hay sai lầm phổ biến nữa là nhiều người thấy trẻ bị sởi thì không tắm cho trẻ, làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…” – ông Kính cho biết.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện nay ở một số nơi có phong trào anti-vaccine, chính điều này khiến dịch sởi phát triển một cách khó lường.
Trong khi đó, với bệnh sởi, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; riêng phụ nữ mang thai cũng nên tiêm nhắc lại để tránh truyền bệnh từ mẹ sang con. (An ninh Thủ đô, trang 10)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Biến chứng nguy hiểm của sởi”
Sởi tấn công cả trẻ em và người lớn, nhiều biến chứng khó lường
Trao đổi với báo chí ngày 21/2, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, có đến 90% bệnh nhân mắc sởi vào BV Bệnh nhiệt đới TW chưa tiêm vắc-xin phòng sởi. Nhiều biến chứng khó lường do sởi như viêm não, viêm phổi, nguy cơ tử vong cao vì bội nhiễm.
44 tỉnh ghi nhận có bệnh sởi
Theo báo cáo của ngành y tế, hiện dịch sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, sởi đã lan rộng ra 44 tỉnh, thành, trong đó riêng TP.HCM có hơn 20.000 ca mắc.
Còn tại Hà Nội, số ca mắc theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội là hơn 150 trường hợp. Riêng tại BV Bệnh nhiệt đới TW, theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW, nếu trong cả năm 2018 chỉ ghi nhận 86 trường hơp mắc sởi, thì chỉ trong những ngày đầu năm 2019 đã có hơn 200 ca mắc sởi đến khám và điều trị chủ yếu ở các địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình…
Cũng theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 3-5 trường hợp bệnh nhân nhi nhập viện, trong đó nhiều ca mắc biến chứng viêm phổi. Phần lớn các ca mắc sởi của bệnh nhân đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát 4 năm/lần có thể xảy ra.
Sởi tấn công cả trẻ em và người lớn, nhiều biến chứng khó lường
Hiện đang nằm điều trị tại Khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TW, bệnh nhi 4 tháng tuổi (Phú Xuyên) mắc sởi biến chứng viêm phế quản được dì chăm sóc thay mẹ. Trước đó, hai mẹ con cùng nằm điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, mẹ bé mắc sởi buộc chuyển tuyến về BV Bệnh nhiệt đới điều trị, tuy nhiên, khi người mẹ chuẩn bị xuất viện thì con mới 4 tháng tuổi xuất hiện các dấu hiệu của sởi như ho, sốt và nốt mẩn đỏ. Hiện, trẻ được đưa vào điều trị biến chứng viêm phế quản phổi.
Tình trạng tẩy chay vắc-xin của một số người hiện nay sẽ làm cho dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tấn công, đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.
Còn tại Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm thông tin, thời tiết đông xuân rất thuận lợi cho virut sởi phát triển. Trung bình tại Khoa Truyền nhiễm mỗi tháng có 10 trường hợp nhập viện, số trường hợp mắc sởi chỉ những ngày đầu năm 2019 đã gần bằng một nửa số người mắc năm 2014, cảnh báo sẽ có thể dịch sởi xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm.
“Ngoài trẻ em, năm nay tại cơ sở cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu” – PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết.
Hệ lụy của việc tẩy chay vắc-xin
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở… Quan niệm “kiêng nước, kiêng gió” trong chăm sóc trẻ nhiễm sởi của không ít gia đình cũng có thể gây nên những biến chứng nặng viêm hàm lợi, thối xương hàm, viêm giác mạc, kết mạc, có thể dẫn đến mù, hay tiêu chảy không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến trụy mạch, huyết áp.
Biến chứng nguy hiểm của sởi là viêm não, trẻ lơ mơ, hôn mê, co giật, nếu được phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi cao.
“Thông thường mắc sởi trên nền cơ địa người khỏe mạnh, bệnh sẽ kéo dài, giảm dần mức độ và hết hẳn sau 7 ngày. Tuy nhiên, cần lưu tâm nếu sau 2 -3 ngày có dấu hiệu sốt tăng, đường thở thay đổi như khó thở, đau họng… cần nhanh chóng nhập viện để tránh biến chứng đáng tiếc” – GS.TS. Nguyễn Văn Kính khuyến cáo. Đồng thời nhấn mạnh, phần lớn các ca mắc sởi của bệnh nhân đều do chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ mũi. Trong khi đó, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhiều người lớn mắc sởi là do họ chưa từng tiêm sởi, chưa đáp ứng miễn dịch hoặc nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi. Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi – Rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018- 2019, cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
“Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Chúng tôi khuyến cáo người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vắc-xin nhất định như sởi – Rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Vì vậy, trẻ trong vòng 9 tháng đầu sẽ tránh được sởi” – ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và một số bệnh viện cũng lo ngại về tình trạng tẩy chay vắc-xin của một số người dân hiện nay. “Nếu tình trạng này kéo dài, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sẽ tiếp tục tấn công, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người dân” – GS.TS. Nguyễn Văn Kính lo lắng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Bộ trưởng Y tế cùng hàng trăm người tập thể dục giờ giải lao, nâng cao sức khoẻ
Thay vì thói quen ngồi lướt facebook giờ giải lao, thời gian gần đây, đại biểu tham gia các cuộc họp tại Bộ Y tế đã cùng đứng dậy tập các bài tập thể dục để nâng cao sức khoẻ. Tại buổi khai mạc “Những ngày phim y tế Việt Nam” diễn ra sáng nay (20/2), Bộ trưởng Bộ Y tế cùng hàng trăm người đã đứng dậy tập các động tác đơn giản, tại chỗ nhưng lại có thể giảm được mệt mỏi, căng thẳng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. Điều này được đánh giá là rất tốt trong việc nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống, vận động của người dân.
Việc làm này được áp dụng trước hết là ở cơ quan Bộ Y tế, cán bộ ngành y, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở…
Bộ Y tế là cơ quan công sở đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu tiến hành tập thể dục tập thể giữa giờ họp. Bài thể dục kéo dài khoảng 3 phút, theo hướng dẫn.
Sau đó, Bộ Y tế sẽ mở rộng mô hình này đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành. Nếu các Bộ, ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở, lan tỏa lối sống lành mạnh, thể dục rèn luyện sức khỏe trong nhân dân. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều người do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như đau người, mỏi mắt… Bên cạnh đó là việc hút thuốc, uống rượu bia nhiều làm gia tăng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…
Theo Bộ trưởng, đến khi vào bệnh viện điều trị là giải quyết “sự đã rồi”, còn muốn phòng bệnh phải tích cực vận động rèn luyện cơ thể, dinh dưỡng hợp lý (giảm ăn mặn, giảm đường) và loại bỏ các thói quen xấu (như hút thuốc lá, uống rượu bia…) thì cơ thể mới khỏe mạnh. Đặc biệt là Bộ Y tế mong muốn bất cứ người dân nào cũng sẽ được đo huyết áp thường xuyên, biết được số đo huyết áp và tình trạng sức khỏe của mình.
Chính vì thế, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. Hoạt động này sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, tuy chỉ vài phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ nhưng lại vô cùng tốt cho sức khỏe.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, cá nhân Bộ trưởng là người rất thích vận động, tập luyện thể dục. Tuy nhiên, do tính chất công việc bận rộn, ít có thời gian tập luyện nên Bộ trưởng luôn phải cố gắng tận dụng chút thời gian rảnh để vận động mọi lúc mọi nơi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Cứu sống bệnh nhân Hàn Quốc bị đột quỵ não
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết Trung tâm đột quỵ não của bệnh viện vừa cấp cứu thành công bệnh nhân quốc tịch Hàn Quốc bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch cảnh.
Bệnh nhân là ông Kim Jung Soo (40 tuổi) đến làm việc tại Việt Nam từ năm 2017. Ngày 25/1/2019, khi đang làm việc, ông Kim Jung Soo đột ngột đau đầu dữ dội, gọi hỏi chậm chạp, ý thức dần lơ mơ, được sơ cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng). Các bác sĩ đã tiến hành chụp CT não – mạch não và chẩn đoán bị xuất huyết dưới nhện do vỡ phình động mạch cảnh phức tạp…
Sau đó bệnh nhân Soo đã được Bệnh viện Việt Tiệp liên hệ chuyển tuyến tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hồ sơ bệnh án được trao đổi ngay trên nhóm 4G. Vì vậy, khi bệnh nhân vừa tới nơi, các bác sĩ tại khoa cấp cứu đã nắm được tình hình bệnh nhân tương đối toàn diện.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản, liệt nửa người bên phải, huyết áp cao kịch phát.
Qua hội chẩn, nhóm các bác sĩ quyết định: Khoa can thiệp tiến hành can thiệp nút Coil phình mạch cấp cứu. Khoa ngoại thần kinh sẵn sàng phương án phẫu thuật nếu có phù não tiến triển; Trung tâm đột quỵ não sẽ thu dung điều trị hồi sức tích cực toàn diện bệnh nhân trước – trong và sau can thiệp.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm đột quỵ não, bệnh nhân sau khi can thiệp đã được điều trị hồi sức tích cực tại Trung tâm Đột quỵ não. Sau 10 ngày hôn mê, thở máy, bệnh nhân đã cai được thở máy. Do bệnh nhân co thắt phế quản và phù nề thanh môn nên gặp khó khăn trong rút nội khí quản, cai thở máy. Qua 2 lần rút ra đặt lại nội khí quản, kết hợp với săn sóc hô hấp tích cực, bệnh nhân tự thở được.
Bệnh cảnh xuất huyết dưới nhện cấp tính, có ổ máu tụ lớn nhu mô, phình mạch động mạch cảnh hai bên phức tạp là một trong những mặt bệnh cấp cứu đột quỵ não, bệnh nặng, nguy cơ rủi ro cao. Với chẩn đoán xuất huyết dưới nhện nguy cơ tử vong của bệnh nhân lên tới trên 70%.
Hoạt động can thiệp mạch đã được triển khai nhanh chóng. Các bác sĩ của Khoa can thiệp mạch đã tiến hành nút kín hoàn toàn hai túi phình lớn một cách an toàn, loại trừ triệt để nguy cơ vỡ tái phát.
Đến nay, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã ra viện và tiếp tục công tác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)