Điểm báo ngày 01/4/2019

(CDC Hà Nam)
Trả giá đắt vì dễ dãi, tin mù quáng vào quảng cáo của các viện thẩm mỹ; Cấp cứu bệnh nhân bằng mô tô; Sự thật về vắc-xin phòng chống các loại ung thư, khiến nhiều người “phát sốt”

Trả giá đắt vì dễ dãi, tin mù quáng vào quảng cáo của các viện thẩm mỹ

Dù không có thống kê đầy đủ nhưng tại các bệnh viện da liễu hay một số bệnh viện lớn, con số bệnh nhân vào điều trị vì biến chứng do đi làm đẹp ở các Spa, cơ sở thẩm mỹ tư nhân rất đáng giật mình và đáng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng đa dạng.

Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin, chỉ tính riêng những bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi, nâng cằm, nâng ngực, độn mông…, trung bình mỗi tháng có khoảng từ 1-3 phụ nữ gặp tai biến nặng đến “cầu cứu” bác sĩ.

Thậm chí một khoa Da liễu của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận 3 – 5 ca biến chứng sau lăn kim tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài. Đa số bệnh nhân tuổi từ 19 đến 40 tuổi, trong đó có những ca biến chứng rất nặng, vùng can thiệp bị hoại tử, gương mặt biến dạng…

Điều các bác sĩ cảnh báo là rất nhiều phụ nữ đi làm đẹp một cách mù quáng, chỉ cần có người giới thiệu hoặc tin tưởng vào quảng cáo từ các spa, các cơ sở thẩm mỹ là sẵn sàng chi tiền để thực hiện những phương pháp làm đẹp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ biến chứng, dù không rõ cơ sở thẩm mỹ đó có được phép thực hiện dịch vụ hay không.

TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng – Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, mới đây ông tiếp nhận hai bệnh nhân là bạn thân, cùng rủ nhau đi làm mũi và cùng phải nhập viện do biến chứng của chất làm đầy. Cả hai bệnh nhân đến trong tình trạng mũi đã bị hoại tử, chảy dịch. Điều đáng nói là cả hai bệnh nhân đều không biết đã được tiêm chất gì vào mũi.

ThS.BS Lã Thanh Hà, Trưởng khoa Da liễu – Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chia sẻ về trường hợp bệnh nhân P.T.T (40 tuổi, tại Hà Nội), nhập viện cầu cứu bác sĩ trong tình trạng da mặt sần sùi, loang lổ, nám xạm, gần như biến dạng.

Hỏi bệnh thì được biết, do thấy làn da của mình có dấu hiệu của tuổi tác, da khô nên chị này đã tìm đến cơ sở làm đẹp qua quảng cáo hấp dẫn và được nhân viên ở đây tư vấn phương pháp lăn kim.

Theo ThS.BS Lã Thanh Hà, lăn kim là một can thiệp có xâm lấn. Phương pháp này cần thực hiện tại các cơ sở y tế được cấp phép và phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu có chuyên môn chứ không được thực hiện tại các Spa hay các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép thực hiện dịch vụ, bởi rất dễ xảy ra các biến chứng đáng tiếc…

Bác sĩ Hà nhấn mạnh thêm, phương pháp lăn kim không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Vậy nhưng hiện nay trên các trang mạng xã hội đang quảng cáo nhan nhản phương pháp lăn kim làm đẹp trị sẹo rỗ, sẹo lõm, nám da, mụn trứng cá… của các Spa, thẩm mỹ viện, khiến nhiều người đổ xô đi lăn kim.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép, nhưng thực tế, số lượng các spa, viện thẩm mỹ lên đến hàng trăm và đang thực hiện đủ các loại hình dịch vụ làm đẹp.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, ông cũng không hiểu sao nhiều người dân vẫn mù quáng vào những Spa, thậm chí những quán cắt tóc gội đầu để thực hiện nhấn mí, xăm môi, rất không an toàn.

Ông Cường nêu rõ, theo quy định hiện hành, các spa vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ làm đẹp thông thường. Còn với các cơ sở làm đẹp có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Thậm chí, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép cũng chỉ được làm các tiểu phẫu (như cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền…) và không được làm các phẫu thuật lớn như: Căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện.

Vì thế, người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Cấp cứu bệnh nhân bằng mô tô

Để cấp cứu kịp thời, giành lại sự sống ở thời điểm cái chết cận kề của người bệnh, nhất là trong các vụ tai nạn giao thông, cháy nổ, sập công trình…, thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu 115 (Sở Y tế TPHCM) đã không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều phương án hỗ trợ tác chiến.  Chạng vạng tối 8-11-2018, nhận tin báo từ một người dân sống ở phường Bến Nghé, quận 1, cần hỗ trợ cấp cứu. Nạn nhân là cụ ông Nguyễn Tám, 92 tuổi, đang bị tăng huyết áp, tím tái, liên tục co giật; nơi đến cấp cứu là căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Tự Trọng. Kíp cấp cứu gồm 2 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng) của Trạm Cấp cứu vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, lập tức điều khiển xe gắn máy, nhanh chóng có mặt. Chưa đầy 10 phút, kíp cấp cứu đã đến nhà nạn nhân, tiến hành hô hấp, cho uống thuốc trợ tim, hỗ trợ gia đình nhanh chóng đưa nạn nhân ra ô tô cấp cứu chờ sẵn ở đầu hẻm, chuyển đến bệnh viện. Sau 2 giờ hồi sức, ông Tám đã tỉnh, nói được, người thân ai nấy đều vỡ òa.

Trước đó một tháng, cũng với mô hình cấp cứu bằng xe gắn máy, đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 đã kịp thời cứu sống một nam nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ do bị té ở độ cao tại một công trình xây dựng trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp. Đó là 2 trong số hàng trăm ca cấp cứu mà đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 đã can thiệp, cấp cứu kịp thời, giành lại sự sống cho bệnh nhân, nạn nhân trong thời gian qua.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, mô hình cấp cứu người bệnh bằng xe máy được đơn vị nghiên cứu, cho thí điểm và áp dụng rộng rãi từ hơn 5 tháng qua, đến nay mang lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống tăng cao nhờ thời gian di chuyển nhanh, cấp cứu kịp thời. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Long cho biết, trước đây, việc tổ chức cấp cứu bệnh nhân tại hiện trường tai nạn, hoặc nhà bệnh nhân, kíp cấp cứu sử dụng ô tô để di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc sử dụng ô tô không phải là phương án tối ưu. Ở TPHCM, hạ tầng giao thông nhiều nơi bị quá tải, nhất là khu vực nội thành, kẹt xe – ùn tắc giao thông liên tục xảy ra ở khung giờ cao điểm. Trong khi đó, cấp cứu bệnh nhân đòi hỏi thời gian phải tính bằng giây, trong một số trường hợp, chậm vài giây, bệnh tình – thương tích nạn nhân có thể biến chứng nặng, khó điều trị, thậm chí tử vong.

“Trăn trở, suy nghĩ trong thời gian dài, chúng tôi thấy, sử dụng mô tô làm phương tiện phục vụ quá trình cấp cứu bệnh nhân là phương án hiệu quả nhất. Thoạt nghe, phương án này có vẻ không khả thi, vì xe gắn máy khó chuyển bệnh nhân, không thể trang bị nhiều thiết bị y tế. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, hiệu quả thấy rõ”, bác sĩ Long nói. Trên mỗi xe cấp cứu hai bánh, Trung tâm Cấp cứu 115 gắn 3 thùng thiết bị y tế (2 thùng ở hai bên hông và 1 thùng phía sau). Đội ngũ y bác sĩ của kíp cấp cứu có trang phục riêng, lưng áo ghi chữ “Trung tâm Cấp cứu 115” để người nhận biết hỗ trợ, nhường đường khi di chuyển… Hiệu quả thấy rõ ở mô hình cấp cứu bằng mô tô là không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, kịp thời cứu sống bệnh nhân, mặt khác nhà nước, người dân giảm được chi phí cấp cứu, điều trị. Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, đến nay đơn vị đã nhân rộng mô hình cấp cứu bằng mô tô ra 6 trạm và hiện đang từng bước hoàn thiện mô hình để việc cấp cứu ngày càng hiệu quả hơn.

Bên cạnh mô hình cấp cứu bằng xe gắn máy, hiện Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cũng đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống điều hành thông minh. Hệ thống này sẽ kết nối, giữ liên lạc thông suốt với các thành phần tham gia cấp cứu, chữa trị cho bệnh nhân gồm: Trung tâm điều hành tiếp nhận tin báo, kíp cấp cứu di chuyển đến hiện trường, người dân có nhu cầu cấp cứu và bệnh viện dự kiến tiếp nhận bệnh; qua đó, hiệu quả trong cấp cứu được nâng lên gấp nhiều lần (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

Sự thật về vắc-xin phòng chống các loại ung thư, khiến nhiều người “phát sốt”

Gần đây trên một số trang mạng xã hội rầm rộ giới thiệu quảng cáo về những loại vắc-xin có thể ngừa được nhiều loại ung thư, thậm chí chữa được cả ung thư. Tuy nhiên, thực hư của loại sản phẩm này ra sao có đúng như những gì đã giới thiệu?

Đã có “lối thoát” cho người bệnh ung thư?

Trong vai một người muốn tìm hiểu về loại vắc-xin ung thư của Nhật Bản đang được quảng cáo trên mạng, chúng tôi được phía người rao bán quảng cáo loại vắc-xin có khả năng ngăn ngừa các loại ung thư, và nếu có nhu cầu có thể đăng ký tiêm tại Việt Nam hoặc Nhật Bản.

Khi được nói muốn sang Nhật Bản điều trị ung thư, chúng tôi được báo giá chi phí sẽ tùy vào từng giai đoạn của bệnh ung thư. Nếu ung thư giai đoạn 1 chi phí điều trị và điều chế vắc-xin khoảng 500 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại ăn ở cho bệnh nhân. Nếu ung thư ở giai đoạn 2 thì chi phí lên 700 triệu đồng, giai đoạn 3 chi phí là 900 triệu đồng và giai đoạn 4 chi phí là 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ loại vắc-xin nói trên, mới đây một phương pháp điều trị vắc-xin hệ miễn dịch cũng được giới thiệu tại Việt Nam với những lời quảng cáo đầy “sức nặng”. Phương pháp này được giới thiệu như sau: bác sĩ sẽ lấy máu của người bệnh để nuôi cấy và huấn luyện tế bào tua về thông tin loại ung thư trong cơ thể. Sau đó, tế bào tua sẽ được tiêm lại vào khối u để “chỉ dẫn” tạo ra hệ thống tế bào miễn dịch đi tìm và diệt tế bào ung thư trong máu. Nhờ tác động loại bỏ sạch tế bào ung thư này khỏi máu mà liệu pháp này có thể ngăn chặn được ung thư di căn và tái phát.

Sau khi chỉ số biểu thị khối u trong máu đã bình thường và xác nhận khối u đã biến mất hoàn toàn, người bệnh sẽ được tiếp tục phòng ngừa tái phát bằng cách duy trì tiêm tế bào tua. Đáng nói là vắc-xin này được giới thiệu là tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 70%.

Chỉ có duy nhất 1 vắc-xin được cấp phép sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS. Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, vắc-xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu thời gian gần đây. Dù nó hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả nhưng đến nay loại vắc-xin này vẫn chỉ trong nghiên cứu. Cho đến hiện nay chỉ có duy nhất 1 vắc-xin điều trị ung thư dựa trên nguyên tắc huấn luyện các tế bào miễn dịch được cấp phép sử dụng là sipuleucel-T, dùng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng với cắt tinh hoàn.

Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, để một loại vắc-xin hoạt động phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu: tiền lâm sàng (xác định thật rõ các đặc tính lý, hóa, sinh học trong phòng thí nghiệm, trên động vật) và trên lâm sàng (nghiên cứu trên con người). Các nghiên cứu lâm sàng được chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 pha) gồm xác định tính an toàn và độc tính; xác định đáp ứng (bướu có giảm bớt hay không) và xác định hiệu quả (trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hay cải thiện chất lượng sống). Lưu ý là bướu giảm bớt kích thước không đồng nghĩa khỏi bệnh lâu dài. Chỉ có những vắc-xin vượt qua được cả 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng mới được cấp phép sử dụng và đưa vào các phác đồ hay hướng dẫn điều trị.

Theo đó, TS. Dũng khuyến cáo người dân thật tỉnh táo dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép như đã nêu trên.

Phương pháp này chưa được thông qua tại Nhật Bản

Đồng quan điểm trên, TS.BS. Phạm Nguyên Quý, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư nội khoa, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản và cũng là một thành viên trụ cột của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Dự án Y học cộng đồng, anh cũng nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân thậm chí cả một số bác sĩ ở Việt Nam về vắc-xin này sau khi được nghe quảng cáo.

Khẳng định về điều này, BS. Quý cho biết, phương pháp điều trị ung thư bằng vắc-xin ở Nhật Bản chưa được PMDA của Nhật (như Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc, FDA ở Hoa Kỳ) công nhận về độ an toàn cũng như hiệu quả. “Tôi không chỉ trích thử nghiệm tự do để cống hiến cho khoa học, nhưng tôi phản đối việc đưa thông tin không chính xác để kiếm lời trên kỳ vọng của bệnh nhân” – BS. Quý nói.

Bên cạnh đó, BS. Phạm Nguyên Quý cũng cho biết, ở Nhật Bản các bác sĩ thường chỉ khuyến khích bệnh nhân điều trị thuốc nằm trong phạm vi bảo hiểm bởi những hiệu quả chắc chắn và cao nhất (không phải 100% nhưng là cao nhất đã được chứng minh) với số tiền mà bệnh nhân trả là thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Vì thế, bệnh nhân vẫn cần có tư vấn của bác sĩ điều trị và hỏi thêm ý kiến thứ hai từ những bác sĩ khác và cần tìm hiểu thông tin từ những website chính thống của các Hiệp hội Ung thư của Mỹ và châu Âu trước khi quyết định đầu tư số tiền lớn vào các phương pháp điều trị “được cho là tiềm năng” (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo 20/12/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận